Nhắc lại mục tiêu phát triển của đất nước là “tăng trưởng bao trùm,
không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu cần tiếp tục
thực hiện tốt chủ trương giảm nghèo bền vững và đặc biệt là đẩy lùi tín
dụng đen.
Trong không khí cả nước sôi nổi ra quân thi đua lao động sản xuất trong
ngày làm việc đầu tiên của Xuân mới Kỷ Hợi 2019, sáng 11/2 (tức Mồng 7
Tết), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi
giao ban đầu Xuân tại Ngân hàng Chính sách xã hội-đơn, vị đi đầu trong
thực hiện công tác tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng
chính sách khác.
Vui mừng đến thăm tổ chức tín dụng đặc biệt trong hệ thống ngân hàng,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu của Đảng, Nhà nước phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó một
nội dung quan trọng là đặc biệt quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế
ghi nhận, đánh giá cao về công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm
nghèo. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội là một kênh quan trọng đã
thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Hệ thống các cơ sở của Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tốt các
ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo cùng nhiều chính sách
hiệu quả khác; luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân
giao phó, mong đợi.
Thủ tướng ghi nhận kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong năm 2018 đã
hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch; tín dụng tăng cao, số người vay
vốn tăng đảm bảo đúng đối tượng với khối lượng lớn, tạo việc làm cho
hàng vạn người. Thủ tướng nhắc đến những chính sách tín dụng điển hình
mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai như: Dự án nhà chống lũ,
cho vay sinh viên…Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao kết quả nợ xấu, nợ
khoanh của Ngân hàng Chính sách xã hội giảm thấp (0,78%) thuộc diện thấp
nhất trong hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng trước việc cả hệ thống chính trị đã vào
cuộc cùng Ngân hàng Chính sách xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong triển khai ưu đãi vốn cho người
nghèo và các đối tượng đặc thù.
Thủ tướng nhìn nhận đồng vốn của Đảng, Nhà nước đã đi đến vùng sâu, vùng
xa, đến với các đối tượng cần được quan tâm, ưu đãi. Ngân hàng Chính
sách xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo,
phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội đồng
Quản trị, cán bộ tín dụng, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội đã khắc
phục khó khăn, đi đến từng người dân, thôn bản vùng sâu, vùng xa của
đất nước để triển khai các chính sách ưu đãi tín dụng của Đảng, Nhà
nước.
Biểu dương cán bộ, viên chức người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội,
Thủ tướng cho rằng, mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội
là phù hợp với điều kiện và cấu trúc nền kinh tế đất nước, qua đó phát
huy vai trò các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội nhằm giải quyết tốt
hơn các vấn đề khó khăn của người dân.
Dự báo xu hướng ngày càng lớn của các đối tượng chính sách xã hội, Thủ
tướng đề nghị các chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội cần làm tốt hơn
nữa nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong lĩnh vực này.
Nhắc lại mục tiêu phát triển của đất nước là “tăng trưởng bao trùm,
không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục
thực hiện tốt chủ trương giảm nghèo bền vững và đặc biệt là đẩy lùi tín
dụng đen.
Do đó, Thủ tướng nhắc đến vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã
hội trong thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, nỗ lực đoàn
kết, vượt qua khó khăn; tổ chức hiệu quả hoạt động các chi nhánh tại các
địa phương.
Cùng với đó, thực hiện quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội;
đảm bảo cho vay đúng đối tượng, mục đích sử dụng, công khai minh bạch
theo đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính
sách.
Trong đó, Thủ tướng cũng lưu ý đến việc đơn giản hóa thủ tục để đảm bảo
thuận lợi cho các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, nhưng đồng thời
cũng phải chống thất thoát, đảm bảo minh bạch trong hoạt động tín dụng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường phối hợp
kiểm tra trong toàn hệ thống để đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu
cầu công tác trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,
giảm chi phí; nâng cao khả năng bảo toàn vốn trên cơ sở phối hợp với
các cơ quan, tổ chức, hướng dẫn tổ chức sản xuất tại các vùng, địa
phương tại cơ sở…
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, chúc Tết cán bộ, viên chức, người lao
động Ngân hàng Chính sách xã hội trong ngày làm việc đầu tiên của Xuân
Kỷ Hợi 2019. (Ảnh: TTXVN)
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan
như Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu giao vốn điều lệ cho
Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm cho phù hợp với tình hình mới. Đi
liền với đó, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương quan tâm nhiều hơn
nữa đến tín dụng chính sách, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội,
ưu tiên kinh phí cho hoạt động này để hỗ trợ người nghèo.
Sau 16 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên 34,1
triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi,
góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo
việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh
viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11,3
triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105
nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần
568 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13
nghìn căn nhà phòng tránh bão lụt cho các tỉnh miền Trung; trên 118
nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao
động có thời hạn ở nước ngoài…
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình quản trị và điều
hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực
tiễn; đồng thời xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản
lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ,
Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội,
xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng
Chính sách xã hội đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có
trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân./.
(TTXVN)