Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 11/12/2019 13:46'(GMT+7)

Nhiều giải pháp phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Gò Đống Đa nằm giữa trung tâm quận Đống Đa, là một di tích mang nhiều giá trị lịch sử to lớn, minh chứng cho chiến thắng lẫy lừng của người anh hùng Quang Trung và dân tộc Việt Nam.

Làm thế nào để các giá trị của khu di tích đặc biệt này phát huy hơn nữa giá trị trong đời sống đương đại, gắn được với dòng chảy phát triển du lịch của Thủ đô, trở thành điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh được với các điểm đến khác.

Đó là trăn trở của nhiều đại biểu tham dự hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa” diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội.

Đây là sự kiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2019).

Hội thảo nhận được gần 30 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào 3 nội dung chính.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia, các tham luận tại hội thảo tập trung vào các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa; bảo tồn và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa; phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch thủ đô.

Các bài tham luận và ý kiến đóng góp tại hội thảo đều khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử, văn hóa cũng như định hướng công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu di tích. Việc này góp phần lưu giữ dấu tích chiến công, làm sống mãi một phần ký ức không phai của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tỏ ra tiếc nuối vì Công viên Văn hóa Đống Đa chưa tạo cho du khách một không gian trải nghiệm thật sự hấp dẫn.

Một số ý kiến cho rằng nhà trưng bày các tài liệu, hiện vật về di tích quá nhỏ, nội dung trưng bày cũ kỹ. Mặt khác, việc nhà trưng bày chỉ mở cửa vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần là chưa hợp lý, khiến công chúng ít có cơ hội tiếp cận với các hiện vật trưng bày.

Bàn về vấn đề này, phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa, cho biết đến nay có một số vấn đề về di tích còn chưa có sự thống nhất nên việc bảo tồn di tích phải dựa trên căn cứ khoa học, không thể phỏng đoán. Vẫn còn rất ít thông tin về di tích dành cho khách tham quan, ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Văn Trụ cũng cho rằng việc xây dựng nhà trưng bày tại quần thể Công viên văn hóa Đống Đa là cần thiết, bổ sung các tư liệu, hiểu biết về di tích, cần sử dụng các phương tiện, kỹ thuật nghe nhìn hiện đại để tăng tính hấp dẫn; điều chỉnh giờ mở cửa thăm trưng bày vào cả ngày cuối tuần.

Có đại biểu cũng đề cập đến việc khôi phục Trung Liệt miếu, nơi thờ tự những anh hùng dân tộc thời kỳ chống Pháp như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Nguyễn Cao… nhằm tạo giá trị kép cho di tích này.

Hằng năm cứ vào ngày mồng 5 Tết, nhân dân thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây, đặc biệt tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội.

Mọi người từ khắp nơi tụ hội về đây dâng hương, làm lễ tạo nên một không khí hân hoan, náo nhiệt.

Tại lễ hội còn có hoạt động diễn lại cảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh tiến vào thành Thăng Long làm sống dậy hào khí Tây Sơn hào hùng.

Gò Đống Đa nay gọi là Công viên Văn hóa Đống Đa nằm giữa trung tâm của quận Đống Đa. Đây là khu di tích lịch sử có giá trị nổi bật với điểm đặc biệt không phải là chùa, đình hay miếu mà là một gò đất nổi lên giữa khu dân cư. Gò Đống Đa được Thành phố Hà Nội công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa đợt đầu tiên vào tháng 4/1962.

Năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Công viên văn hóa Đống Đa trên cơ sở khu vực Gò Đống Đa. Tổng diện tích của công viên lên đến 21.745m2, bao gồm 2 khu vực có tượng đài vua Quang Trung, nhà trưng bày và khu vực Gò Đống Đa cũ.

Khu vực tượng đài với diện tích khoảng 15.000m2, có tượng đài vua Quang Trung bằng bê tông cốt thép nặng 200 tấn, cao 14,65m và 2 bức phù điêu mô tả trận đánh của quân ta dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất