Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 18/11/2014 22:50'(GMT+7)

Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn

Mảnh đồng trong trống đồng phát hiện tại Cổ Loa, Hà Nội

Mảnh đồng trong trống đồng phát hiện tại Cổ Loa, Hà Nội

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (LSQG) trưng bày giới thiệu chuyên đề về văn hóa Đông Sơn và tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu”.

Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đến từ các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa và trường Đại học.


Tính đến năm 2014, nền văn hóa Đông Sơn đã có một chặng đường lịch sử phát hiện và nghiên cứu tròn 90 năm. Hàng trăm di tích, hàng nghìn di vật được phát hiện, với nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế được tổ chức, đã cho thấy văn hóa Đông Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, là cơ sở vật cho việc hình thành nhà nước đầu tiên Văn Lang - Âu Lạc - nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này.

Cho đến nay, dường như vẫn chưa khám phá hết các giá trị, sự hấp dẫn cũng như sự bí ẩn của nền văn hóa này. Những phát hiện gần đây đang ngày càng làm sáng rõ thêm nhiều vấn đề về văn hóa, văn minh Đông Sơn trên hành trình tìm về cội nguồn dân tộc.

Nhằm giới thiệu những sưu tập hiện vật, di vật đặc sắc của cư dân Đông Sơn mới được phát hiện trong thời gian qua tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, Bảo tàng LSQG phối hợp cùng các Bảo tàng Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái… giới thiệu những di vật quý giá, các công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn tới đông đảo khách tham quan.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng LSQG, thì toàn bộ trưng bày thể hiện theo hình sưu tập hiện vật, chủ yếu là các hiện vật tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng LSQG và các bảo tàng trên. Với tính chất của một phòng trưng bày chuyên đề trong thời gian ngắn, không gian hữu hạn (200m2), nên chủ đề của phòng trưng bày chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu những di vật văn hóa Đông Sơn. Bao gồm: Trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, trang sức, đồ minh khí… đã phần nào cho thấy diện mạo đời sống xã hội của cư dân Đông Sơn từ hơn hai ngàn năm trước

"Từ những hiện vật văn hóa Đông Sơn được trưng bày trong chuyên đề cũng giúp khách tham quan nhìn rõ hơn về quá trình giao lưu và giao thoa văn hóa của người Việt ở thời kỳ xa xưa đó. Sự giao lưu này thể hiện ở chỗ nhiều sản phẩm Đông Sơn, đặc biệt là những chiếc trống đồng Đông Sơn điển hình có mặt trong văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và xa hơn về phía Nam tới các nước Đông Nam Á, về phía Bắc tới các tỉnh Nam Trung Quốc, Hồ Nam, hạ lưu sông Trường Giang. Ngược lại, nhiều hiện vật có nguồn gốc bên ngoài như đồ trang sức Sa Huỳnh, một số hiện vật của văn hóa Điền, văn hóa Hán cũng có mặt trong các tầng văn hóa Đông Sơn. Điều đó đã giúp cho văn hóa Đông Sơn tiếp thu được các yếu tố tiên tiến về kỹ thuật, kinh tế làm cho nền văn hóa này không hề khép kín mà luôn có sự năng động" - ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Hiện tại, có khoảng hơn 3.000 hiện vật, sưu tập hiện vật đồng Đông Sơn đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng LSQG. Bộ sưu tập này rất đa dạng về loại hình và kích thước, trong đó có những hiện vật quý hiếm được công nhận là bảo vật quốc gia. Với rất nhiều nỗ lực, đến nay Bảo tàng LSGQ đã làm chủ được phương pháp bảo quản hiện vật đồng nói chung và đặc biệt là đồ đồng Đông Sơn.

Có thể nói, việc nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh hiện nay không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Sau chặng đường 90 năm, đây là dịp để giới chuyên môn cùng nhau đánh giá, tổng kết, cũng như công bố những phát hiện mới nhằm làm sáng tỏ hơn nội dung và ý nghĩa của nền văn hóa nổi tiếng này.

Phòng trưng bày bắt đầu từ 9h30 ngày 18/11/2014 cho đến tháng 4/2015 tại Bảo tàng LSQG, số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Duy Phong

 




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất