Tối 5/3, tại Hà Nội, “Festival Ấn Độ” tại Việt Nam đã chính thức khai
mạc. Chương trình do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Bộ Văn hóa Ấn Độ
phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức.
Tham dự lễ khai mạc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch Vương Duy Biên; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ấn Độ Ravindra
Singh; Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran, đại diện các Bộ, ban,
ngành liên quan cùng khách mời trong nước và quốc tế.
Tại buổi khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy
Biên phát biểu: Ngay từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, Việt Nam và Ấn
Độ đã gắn bó trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ thực
dân, giành độc lập dân tộc. Lãnh tụ vĩ đại của 2 dân tộc là Chủ tịch Hồ
Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng cho mối quan hệ
hữu nghị hai nước, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày
công vun đắp và ngày càng phát triển.
"Lễ hội Ấn độ tại Việt Nam" là minh chứng sinh động về giao lưu văn hóa
giữa Việt Nam và Ấn Độ. Sự kiện văn hóa góp phần củng cố, thúc đẩy mối
quan hệ hợp tác hữu nghị, đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ấn Độ Ravindra Singh nhấn mạnh: Thời gian qua,
quan hệ giữa hai nước đã được tăng cường thông qua nhiều chương trình
hợp tác trên nhiều lĩnh vực và nhiều chuyến thăm cấp cao từ cả hai phía.
Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một trụ cột không thể thiếu trong chính sách
Hướng Đông trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế khác.
Trao đổi văn hóa giữa hai nước đã được thể chế hóa thông qua chương
trình trao đổi văn hóa được ký kết vào năm 2011. Ấn Độ đã quyết định
thành lập Trung tâm văn hóa Ấn Độ vào năm 2014, giúp tăng cường sự hiện
diện về văn hóa tại Việt Nam và đóng góp quan trọng trong sự phát triển
tình hữu nghị giữa hai nước.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran tin rằng, thông qua chương trình,
khán giả Việt Nam có cơ hội được thưởng thức các loại hình nghệ thuật
dân tộc đặc sắc đại diện cho nhiều vùng miền của Ấn Độ; trong đó có
nhiều bài hát, điệu múa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi
vật thể của nhân loại.
Festival sẽ được tổ chức tại 3 thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Thành
phố Hồ Chí Minh. Những hoạt động trong khuôn khổ Festival gồm: Lễ hội
Múa cổ điển Nrityarupa Ấn Độ; Đại lễ Phật giáo; Lễ hội Ẩm thực, Múa dân
gian và Nghệ thuật Mehendi; biểu diễn và giảng dạy Yoga...
Chương trình “Festival Ấn Độ” sẽ kết thúc ngày 15/3/2014./.
(Vietnam+)