Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 28/2/2014 22:39'(GMT+7)

Đối thoại trực tuyến về bảo tồn di sản, phát triển Festival Huế

Du khách thăm các di tích trong Đại nội Huế. (Ảnh: TTXVN)

Du khách thăm các di tích trong Đại nội Huế. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên-Huế tại địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn và được phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên-Huế (TRT).

Trả lời về những nỗ lực để xây dựng Thừa Thiên-Huế xứng tầm là Trung tâm văn hóa, du lịch và dịch vụ, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, hệ thống thành quách, cung điện, miếu, đền đài, lăng tẩm, chùa...

Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa vật chất đồ sộ, Huế còn nổi tiếng về di sản văn hóa tinh thần phong phú bao gồm văn hóa dân gian và văn hóa Cung đình với Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, Nhã nhạc Huế (âm nhạc cung đình Việt Nam) được công nhận là kiệt tác và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm qua, di sản văn hóa Huế đã thực sự trở thành chiếc cầu nối đưa hình ảnh và con người cố đô đến với du khách, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch, dịch vụ, tạo điều kiện để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Thừa Thiên-Huế cũng đang đứng trước những thách thức. Nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các di sản văn hóa chưa cao. Kinh phí cho những hoạt động trùng tu, bảo tồn còn hạn hẹp. Tài nguyên du lịch chưa được đầu tư khai thác tối đa, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên (du lịch biển, du lịch đầm phá, du lịch nghỉ dưỡng) và một số tài nguyên lịch sử-văn hóa (du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số, tham quan các di tích cách mạng, phố cổ, lễ hội cung đình, lễ hội dân gian...). Sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí còn nghèo nàn.

Trong định hướng phát triển, tỉnh chỉ đạo kiên quyết, triệt để hơn nữa trong phát triển du lịch, gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; một trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực miền Trung; đưa thương hiệu Huế - thành phố Festival trở nên nổi tiếng khắp thế giới; sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đặc thù “Thành phố sinh thái, thành phố di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường.”

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa để thúc đẩy các hoạt động du lịch; trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tôn giáo, tâm linh, các sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh nâng cao sức khỏe, du lịch MICE (hiện tại hằng năm Huế tổ chức 350-400 hội nghị, những năm tới phấn đấu có 450-500 hội nghị tầm cỡ quốc gia và quốc tế), các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên biển, du lịch sinh thái trên sông Hương, đầm phá, hình thành các khu nhà nổi trên đầm phá, vườn dưỡng sinh.

Trong định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tạo thương hiệu riêng cho du lịch Thừa Thiên-Huế, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm theo Quy hoạch như du lịch nông thị; du lịch nghỉ dưỡng tại Lăng Cô-Phú Lộc; kêu gọi đầu tư xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành các trung tâm hội nghị quốc tế.

Tỉnh cũng bảo tồn và nâng cao tính văn hóa của một số lễ hội tại Điện Hòn Chén, Đền Huyền Trân, Thiền viện Hương Vân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã; mở rộng các tuyến tham quan khai thác vùng Lăng Cô-Bạch Mã-Sơn Chà-Cảnh Dương-Thuận An-Vinh Thanh-Túy Vân-Tư Hiền; tuyến Huế-Bao Vinh-thành cổ Hóa Châu; khai thác tuyến du lịch cộng đồng tại A Lưới, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn, làng Hoa giấy Thanh Tiên...; các tour khám phá nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.

Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống tiêu biểu, vừa tạo điều kiện giải quyết việc làm vừa phục vụ du lịch; nghiên cứu để xây dựng mẫu mã hàng lưu niệm mang đậm chất văn hóa Huế. Tỉnh cũng liên kết với các địa phương trong vùng và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn của cả vùng như các hoạt động dựa trên “Hành trình qua các Kinh đô cổ,” “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại,” “Con đường di sản miền Trung,” các chương trình “Ba quốc gia một điểm đến”..., tận dụng các lợi thế mang tính liên vùng để thu hút du khách đến Huế, chú trọng nguồn khách đường bộ thông qua con đường Hành lang kinh tế Đông-Tây nối Myanmar-Việt Nam-Lào-Thái Lan.

Về công tác bảo tồn di sản Cố đô Huế, hiện tồn tại hai quan điểm không tương đồng là: Bảo tồn nguyên trạng và bảo tồn thích nghi.

Hiện nay, nhiều di tích đang lạm dụng quan điểm bảo tồn theo hướng thích nghi gây hậu quả hiện đại hóa di tích.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết mục đích của bảo tồn là gìn giữ tối đa các giá trị nguyên bản của di sản chứ không phải bảo tồn nguyên trạng. Mỗi công trình di tích kiến trúc sau khi trùng tu đều trông mới mẻ hơn, đó là điều tất nhiên. Tuy nhiên, hình hài và cấu trúc nguyên thủy của nó thì phải được gìn giữ một cách nguyên vẹn.

Ngoài ra, để công trình tồn tại tốt hơn, có thể dùng những giải pháp kỹ thuật mới, những điều kiện thiết bị mới để khắc phục những yếu điểm tự thân của di sản. Ví dụ, tất cả các di tích kiến trúc hoặc cụm kiến trúc có chiều cao lớn thì phải lắp đặt hệ thống chống sét để tránh những rủi ro thiên tai có thể xảy ra. Ở Nhật Bản, người ta còn phải dùng đến kỹ thuật chống động đất cho các công trình hiện đại để ứng dụng trong việc trùng tu bảo tồn di sản. Đó hoàn toàn không phải là hiện đại hóa di tích mà là bảo tồn thích nghi...

Qua mỗi kỳ tổ chức, Festival Huế đều đạt được những thành công nhất định, tạo thêm động lực thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch dịch vụ, góp phần phát triển toàn diện hơn đối với đô thị Huế, để Huế xứng đáng là đô thị hạt nhân trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế khẳng định./.

 (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất