Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 13/8/2016 8:58'(GMT+7)

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu được ứng dụng trong y-dược và năng lượng

Theo Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, kiến thức tích lũy trong suốt 1,5 thập kỷ qua của các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu đến từ các Viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, có khả năng ứng dụng.

Về mảng tân dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên có thể coi là đơn vị tiên phong của Viện Hàn lâm trong việc tìm kiếm các hợp chất quý, có hoạt tính từ thiên nhiên để cho ra những sản phẩm mới, có giá trị trong y học và chăm sóc sức khỏe. Từ những nghiên cứu này, Viện đã đăng ký và sở hữu nhiều bằng sáng chế và bằng bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, từ quy trình nghiên cứu-phát triển bài bản, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên hiện nay đã sở hữu nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó nhiều sản phẩm đã được chuyển giao, thương mại hóa, hiện đang được lưu hành rộng rãi trên thị trường và nhận được sự tín nhiệm của người sử dụng. Tiêu biểu như thực phẩm chức năng Cốt thoái vương; Bioglucumin; Hasamin; Arostin; Heriglucan; Omegaka; Vidoxim; Akumarin… Về thiết bị y tế, có 2 đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm là Viện Công nghệ Môi trường với bàn rửa khử trùng và máy lọc không khí và Viện Vật lý với Máy phát tia plasma lạnh ứng dụng trong y sinh.

Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng, tác giả của Máy phát tia plasma cho biết: “Máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt-là một trong bốn nhãn hiệu máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này. Trên thế giới hiện có Anh, Đức và Israel là có chứng chỉ CE cho thiết bị y tế”. Sau khi được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. Như vậy Việt Nam trở thành quốc gia thứ tư ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ. Phương pháp điều trị bằng máy plasma là giải pháp đột phá trong việc nghiên cứu những ứng dụng có khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh – trong điều kiện kháng kháng sinh đang là một vấn đề rất cấp bách hiện nay. Cách điều trị này còn giúp giảm chi phí điều trị xuống rất nhiều lần.

Theo tính toán của các nhà khoa học, với tốc độ sử dụng năng lượng như hiện nay, nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt trong vòng 50 năm tới. Việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế đang là bài toán cấp bách của nhân loại. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp, trong đó kinh tế biển chiếm trên 50% GDP. Nhu cầu về năng lượng đáp ứng nền kinh tế, đặc biệt kinh tế biển là cực kỳ quan trọng. Do vậy, phát triển các hệ thiết bị phát điện từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo là lựa chọn khả thi cho bài toán thiếu hụt năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng biển và hải đảo, nơi điện lưới quốc gia không thể vươn tới. Hơn nữa, nguồn năng lượng tái tạo luôn thân thiện với môi trường, không gây ra hiệu ứng nhà kính cũng như ảnh hưởng đến môi trường như các nguồn năng lượng truyền thống đang sử dụng. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam nhiều công trình nghiên cứu, chế tạo công nghệ phát điện từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo đã được đưa vào đời sống xã hội.

Hiện Việt Nam đã sản xuất được khoảng 2,5MW điện từ năng lượng mặt trời; về năng lượng gió đã sản xuất được khoảng 46 MW, chủ yếu từ điện gió tại Bạc Liêu và Bình Thuận. Công ty Cơ khí Quang Trung hiện nay đang chế tạo thiết bị phát điện sóng biển ven bờ. Năm 2006 tại Cù Lao Chàm, Viện Cơ học đã xây dựng trạm phát điện từ năng lượng gió công suất 1500W cung cấp điện năng cho đảo và về năng lượng sóng biển. Cuối năm 2011, Viện đã chế tạo thử nghiệm thiết bị phát điện từ sóng biển đặt tại đảo Hòn Dấu-Hải Phòng, bước đầu hiệu quả hoạt động còn chưa cao. Hiện Viện đang nghiên cứu chế tạo thử nghiệm mô hình thiết bị phát điện trực tiếp từ sóng biển công suất nhỏ, thiết bị hoạt động theo phương thẳng đứng, nhằm mục đích sử dụng ngoài khơi xa để cấp điện cho các đảo xa và nhà dàn DKI, góp phần cung cấp điện năng cho các hộ dân ngoài đảo xa và đảm bảo an ninh quốc phòng - chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đối với các nguồn phát điện độc lập từ năng lượng mặt trời, gió và sóng biển, vấn đề khó khăn là phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nên cần tổ hợp các nguồn phát điện độc lập, nhằm tạo ra một hệ thống thiết bị phát điện đảm bảo nguồn điện cấp ra được ổn định. Sau một thời gian nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm, Viện Cơ học đã chế tạo thành công hệ thiết bị phát điện thông minh từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo. Đây là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ VAST 02.04/11-12 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu hệ thống phát điện bằng năng lượng tái sinh đa năng”. Đề tài được thực hiện trong hai năm 2011-2012 và được nghiệm thu đạt loại khá vào ngày 8/3/2013, đã công bố 2 bài báo tại hội thảo trong nước, 1 bài báo tại Hội nghị quốc tế.

Trên cơ sở các kết quả này, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm một sản phẩm mới tại biển Hải Phòng, trong khuôn khổ đề tài VAST 01.10/16-17 "Thiết bị phát điện từ năng lượng sóng biển". Dự kiến nếu thiết bị hoạt động ổn định sẽ có thể hợp tác chuyển giao cho Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. Nhóm nghiên cứu cũng đang tìm kiếm hợp tác phát triển và triển khai công nghệ sản suất điện năng từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát điện từ nguồn năng lượng sóng biển đến các đơn vị đang hoạt động ngoài biển đảo./.

Văn Hào/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất