Các nghị sỹ cốt cán của Mỹ ngày 19/1 đã bày tỏ sự lo ngại và phản đối kế
hoạch cải tổ hoạt động tình báo ở nước này do Tổng thống Obama công bố
hai ngày trước.
Trong kế hoạch cải tổ hoạt động tình báo mà Tổng thống Obama công bố
có việc nhường lại quyền kiểm soát dữ liệu của Cơ quan an ninh quốc gia
Mỹ (NSA) cho một thực thể xác định.
Các nghị sỹ Mỹ đã đồng loạt phản đối ý tưởng trên với quan ngại chung
rằng liệu giải pháp có thực sự an toàn và đảm bảo an ninh quốc gia trước
mọi nguy cơ khủng bố.
Trả lời phỏng vấn chương trình "Meet the press" (Gặp gỡ báo chí) của
kênh NBC, Chủ tịch Ủy ban Tình báo thượng viện Mỹ Dianne Feinstein mô tả
các thông tin tình báo nằm dưới sự kiểm soát của các thực thể phi chính
phủ sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tính nhanh chóng, tức thì như vốn
có, để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch tấn công khủng bố.
Theo bà Feinstein, Tổng thống Obama vẫn muốn lưu giữ thông tin thu thập
được, nhưng cũng muốn tìm các thực thể không phải là các cơ quan chính
phủ để trao trách nhiệm này. Ông đang gặp khó khăn giữa việc xác định
một tổ chức tư nhân có đủ khả năng lưu giữ khối dữ liệu khổng lồ này
trong khi vẫn đảm bảo công tác bảo vệ an ninh quốc gia.
Cũng với thái độ không hài lòng, khi trả lời phỏng vấn chương trình
"Thông điệp liên bang" của kênh CNN, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện
Mỹ, nghị sỹ Cộng hòa Mike Roger đánh giá rằng các đề xuất cải cách của
ông chủ Nhà Trắng đã tạo ra sự không rõ ràng và đặt nhiều nghi vấn cho
tính hiệu quả đối với các hoạt động tính báo nước này.
Vị chính khách vốn không mặn mà với các đề xuất của Tổng thống Obama này
chỉ ra tình thế nan giải hiện nay trong việc xác định cơ quan hay thực
thể đủ tư cách cũng như khả năng lưu giữ và đảm bảo sự an toàn cho các
thông tin mật.
Trong chương trình "Face the Nation" (Đối mặt), nghị sỹ đảng Cộng hòa
này đưa ra giả thiết rằng hệ thống thông tin tình báo, lâu nay vốn nằm
dưới sự giám sát của loạt cơ quan hữu quan quan trọng của Mỹ như tổng
thanh tra, NSA, hay Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ, sẽ mất đi
tính tối mật khi được chuyển giao cho các tổ chức tư nhân.
Nhất trí với quan điểm trên, người đứng đầu Ủy ban an ninh nội địa Hạ
viện Mỹ Michael McCaul khẳng định điểm mấu chốt trong vấn đề rối như "tơ
vò" chính là tìm kiếm một tổ chức hay một đảng thứ ba lưu trữ khối
lượng dữ liệu khổng lồ mà trước đó do NSA nắm giữ trong khi Washington
vẫn tiếp tục tiến hành do thám.
Đây cũng là nhiệm vụ khó khăn mà Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder và các
quan chức tình báo nước này phải tìm ra trong 60 ngày tới, hạn chót do
ông Obama đề ra.
Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định Chính quyền Tổng thống Obama chỉ
cần chấm dứt hoàn toàn các hoạt động thu thập thông tin cá nhân đối với
người Mỹ thay vì nỗ lực tìm kiếm "nhà kho" phù hợp cho từng cuộc thoại
hay dữ liệu thư điện tử được cho là không cần thiết.
Trong một diễn biến liên quan, hai nghị sỹ đảng Cộng hòa Mike Roger và
Michael McCaul đưa ra giả thiết rằng cựu kỹ thuật viên tình báo Mỹ
Edward Snowden, người đang hưởng quy chế tạm trú tại Nga, có thể hành
động phối hợp với một thế lực nước ngoài trong việc tiết lộ các chương
trình do thám của Mỹ.
Ông Roger cho rằng nhiều nghi vấn về việc "làm thế nào mà Snowden chuẩn
bị rời đi, lộ trình rời đi và làm cách nào anh ta nhanh chóng dừng chân ở
Moskva."
Trong khi đó, phát biểu trên chương trình "This Week" (Tuần này) của
kênh ABC, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ McCaul cũng cho
rằng Snowden không thể làm mọi thứ một mình mà "được người khác trợ
giúp" song không khẳng định "chắc chắn" là Nga có liên quan./.
(TTXVN)