Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, cùng với việc tăng cường các biện pháp tự bảo vệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng khẳng định sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trước hết phải tự bảo vệ mình
Trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Pa-ri vẫn ám ảnh và gây hoang mang trên toàn nước Pháp, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) mới đây tuyên bố sẽ bổ sung hàng trăm triệu ơ-rô cho lĩnh vực an ninh. Cụ thể, Pháp sẽ tuyển dụng thêm 5.000 cảnh sát và hiến binh, 2.500 nhân viên trong lĩnh vực tư pháp và 1.000 người trong ngành hải quan. Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ tuyên bố, ông sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về khoản kinh phí bổ sung nói trên, bởi vấn đề an ninh quan trọng hơn việc cân đối ngân sách.
Roi-tơ cho hay, tại Nga, Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin ngày 18/11 cũng đã thành lập một ủy ban liên bộ mới để đấu tranh chống hoạt động tài trợ cho khủng bố. Ông V.Pu-tin đã chỉ thị cho văn phòng trưởng tổng công tố, ngân hàng trung ương và nhà chức trách địa phương của Nga cung cấp bất cứ thông tin nào mà họ có được về hoạt động khủng bố.
Trong khi đó, cùng ngày, Hội đồng An ninh liên bang Đức do Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) đứng đầu đã tiến hành phiên họp đặc biệt về các vấn đề an ninh. Phiên họp này diễn ra sau khi lực lượng an ninh Đức nhận được thông tin tình báo cho biết có đối tượng âm mưu kích hoạt chất nổ bên trong sân vận động HDI-Arena ở thành phố Han-nô-vơ (Hanover). Trận đấu giao hữu bóng đá giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Hà Lan dự kiến được tổ chức tại sân vận động này cũng đã bị hủy bỏ. Một số nguồn tin cho biết, một nhóm người đến từ Bắc Phi đã chuẩn bị thiết bị nổ, chất nổ, vũ khí tự động để thực hiện tấn công khủng bố ở sân vận động HDI-Arena.
Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng nâng mức cảnh báo an ninh và bắt đầu tăng cường nỗ lực chống khủng bố và đề phòng các cuộc tấn công bất ngờ xảy ra. Điển hình như tại Hàn Quốc, Đảng Thế giới mới (Saenuri) cầm quyền ở nước này cho biết, Hàn Quốc có kế hoạch tăng ngân sách chống khủng bố thêm khoảng 85 triệu USD vào năm 2016. Cuộc chiến chống khủng bố cũng đang trở thành vấn đề nóng tại I-ran. Trong ngày 17/11, quân đội I-ran đã tổ chức cuộc tập trận ở tỉnh Đông Bắc Khô-ra-xan (Khorasan), giáp với biên giới Áp-ga-ni-xtan, với tình huống giả định đối phó với các cuộc tấn công của các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chống khủng bố - vấn đề không của riêng ai
Trong cuộc điện đàm ngày 17/11, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin và người đồng cấp Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quân sự và tình báo, đồng thời phối hợp các hành động quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Nga và Pháp bắt tay hợp tác chống “kẻ thù chung”. Văn phòng Tổng thống Pháp cũng cho biết dự kiến trong tuần tới, Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ sẽ công du đến Mỹ và Nga để thảo luận về việc hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo Tân Hoa xã, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Ma-ni-la, Phi-líp-pin, ngày 18/11, Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev) cho rằng, tuy lập trường của một số nước phương Tây và Nga là “khác biệt”, nhưng những khác biệt này đã được rút ngắn và tin tưởng hai bên nên cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông cho rằng, chủ nghĩa khủng bố đã tuyên chiến với toàn thế giới và mối đe dọa có thật này ở quy mô toàn cầu. Bởi vậy, Mát-xcơ-va và phương Tây nên bỏ qua những khác biệt để cùng chiến đấu chống khủng bố. “Chúng ta cần chung sức trong cuộc chiến này”, Thủ tướng Nga nhấn mạnh.
Sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) kết luận nguyên nhân khiến máy bay của Hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi ở Bán đảo Xi-nai (Sinai) ngày 31/10 vừa qua là do bị đánh bom, Chính phủ Ai Cập ngày 17/11 tuyên bố sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. "Ai Cập sẽ hợp tác toàn diện với phía Nga nhằm kết liễu chủ nghĩa khủng bố cũng như tăng cường sự hợp tác và tham gia của quốc tế vào cuộc chiến chống khủng bố", Thông cáo của Chính phủ Ai Cập nêu rõ.
Cũng liên quan đến hợp tác quốc tế trong chống khủng bố, Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/11 đã nhóm họp tại thủ đô Brúc-xen (Brussels) của Bỉ nhằm tìm giải pháp ngăn chặn các nguồn tài chính cho khủng bố, cụ thể là IS.
Từ Xít-ni (Sydney), Chính phủ Ô-xtrây-li-a cũng phát đi thông điệp kêu gọi tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Ô-xtrây-li-a mới đây cũng cam kết tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với các quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Theo Bộ trưởng Tư pháp Ô-xtrây-li-a Mai-cơn Ki-nan (Michael Keenan), việc chia sẻ và phân tích thông tin về tài trợ khủng bố trên cơ sở những thỏa thuận song phương là vô cùng quan trọng. Ông Mai-cơn Ki-nan cho rằng, việc ngăn chặn nguồn gốc số tiền tài trợ khủng bố có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với an ninh quốc gia Ô-xtrây-li-a cũng như an ninh của khu vực và thế giới./.
Anh Vũ (QĐND)