Nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển từ tuyển sinh theo chuyên ngành sang tuyển sinh theo ngành, bỏ những tổ hợp môn không còn phù hợp...
Đến thời điểm hiện tại nhiều trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đưa ra những điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh năm 2019. Các trường cho rằng việc bổ sung thêm ngành mới, thay đổi cơ cấu, cách thức xét tuyển không chỉ tạo thêm cơ hội cho thí sinh mà còn giúp các trường chọn được người học phù hợp nhất.
Năm nay, tổng chỉ tiêu của các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 16.000 sinh viên với 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, trường Đại học Quốc tế là đơn vị sở hữu số lượng phương thức tuyển sinh tối đa với tỷ lệ phần trăm cao nhất dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 và kỳ kiểm tra năng lực do trường tự tổ chức. Ngoài ra, trường này cũng dành 15% chỉ tiêu xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi Đánh gia năng lực do Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Mùa tuyển sinh năm nay, lần đầu tiên trường Đại học Kinh tế - Luật, đơn vị thành viên của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình Trung học phổ thông quốc tế bằng tiếng Anh với khoảng 20% chỉ tiêu. Năm nay, trường này điều chỉnh tăng tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia lên 25%.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, về cơ bản, hình thức và cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực năm nay sẽ không thay đổi nhiều so với lần đầu tiên vào năm 2018.
Tuy nhiên, các trường đã tăng chỉ tiêu xét tuyển theo hình thức này, dần tiến tới hạn chế phụ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.
“Năm trước đang là từ 10-20% thì năm nay theo lộ trình tùy trường mà tỷ lệ này có thể tăng từ 25- 40, thậm chí 50%. Mục đích quan trọng nhất của chúng tôi khi tiến hành thi đánh giá năng lực là nhằm chọn ra những sinh viên phù hợp nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn định hướng tốt hơn cho sinh viên, giúp các em ngay từ quá trình học tập tại trường phổ thông đã có cách học tập khoa học để xây dựng và phát triển năng lực của mình”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.
Không chỉ nâng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực tại các trường thành viên mà từ năm nay, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp với các trường đại học ngoài hệ thống để dùng kết quả này phục vụ công tác xét tuyển. Đến nay, nhiều trường đại học tại khu vực Nam bộ đã đăng ký tham gia.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, đơn vị này dành khoảng 350 chỉ tiêu xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia TP HCM. Nếu kết quả khả quan, từ năm sau sẽ điều chỉnh tăng thêm. Còn lại, nhà trường vẫn có tới 80% chỉ tiêu xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT Quốc gia và 10% chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn mong rằng việc bổ sung hình thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh có cách chọn lựa đúng với năng lực bản thân.
“Năm nay, chúng tôi có 10% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi này cho các ngành hot của trường nhằm mục đích thu hút thí sinh tham gia nhiều hơn vào kỳ thi này. Chúng tôi nghĩ rằng, những kỳ thi đánh giá năng lực là xu hướng mà sau này các trường sẽ phải thực hiện. Với trường chúng tôi thực sự mà nói để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như vậy là chưa có đủ nên chúng tôi phối hợp với những đơn vị có năng lực hơn để thực hiện”, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói.
Nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động điều chỉnh phương thức xét tuyển, chuyển từ tuyển sinh theo chuyên ngành sang tuyển sinh theo ngành, bỏ những tổ hợp môn không còn phù hợp, đăng ký mở thêm ngành mới nhằm tăng sức hút đối với thí sinh.
Đến thời điểm hiện tại, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đang làm rất tốt điều này. Không chỉ dự kiến mở thêm nhiều ngành mới theo xu hướng cập nhật là Rô bốt và trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật hạ tầng xây dựng, Kinh doanh quốc tế, Vật liệu dệt may… mà cơ sở giáo dục đại học này còn dành đến 10% chỉ tiêu xét tuyển thẳng cho thí sinh có bài thi SAT đạt từ 800 điểm trở lên.
Ngoài ra, thí sinh có đầu vào từ 24 điểm trở lên khi vào trường có thể chọn vào nhóm ngành tự do, ngành không ngành để được tư vấn chọn đúng ngành sau thời gian học đại cương. Đây cũng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam cho phép sinh viên sau 2 năm học tập có điểm trung bình từ 8,0 trở lên được chọn lại ngành theo sở thích.
PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự thay đổi này sẽ giúp sinh viên học đúng ngành để ra làm đúng nghề, tránh tổn thất cho xã hội.
“Nhiều thí sinh đến từ các vùng sâu, vùng xa không hiểu biết về các ngành nghề nên có thể chọn ngành theo hiệu ứng đám đông, chọn theo lời khuyên của bố mẹ hoặc theo bạn bè nên không đúng với sở thích và năng lực của bản thân. Sắp tới đây nhà trường sẽ có 1 trung tâm nghề nghiệp. Ở đó chúng tôi có nhiều chuyên gia tư vấn cho sinh viên nhằm giúp các em sau 1 năm học tại trường sẽ chọn đúng ngành nghề”, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng nói.
Nhiều thay đổi đã được đưa ra. Điều mà các trường đại học mong muốn là giúp thí sinh có những chọn lựa phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân cũng như đáp ứng được sự chuyển đổi nhanh chóng của ngành nghề trong giai đoạn tới./.
Mỹ Dung (vov.vn)