Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 7/3/2017 17:1'(GMT+7)

Nhiều vấn đề cấp bách của Việt Nam được giải quyết

Đó là kết quả của những Dự án hợp tác song phương giữa Bộ KH&CN và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Liên bang Đức (BMBF) trong thời gian qua được báo cáo tại sự kiện “Ngày Khoa học Đức” do Bộ KH&CN phối hợp với (BMBF) và Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức tổ chức tại TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác KH&CN Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức. 

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ngày 19/3/1997, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục liên bang Đức (BMBF) đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác nghiên cứu KH&CN, qua đó tạo cơ sở cho việc tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai nước về KH&CN. Trong 20 năm qua, kể từ khi Bản Ghi nhớ được ký kết, nhiều thỏa thuận quan trọng khác đã được ký kết, tạo nền tảng pháp lý cũng như tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức KH&CN của hai nước đẩy mạnh hợp tác về KH&CN. Được sự quan tâm ủng hộ và tài trợ kinh phí của Bộ BMBF, Bộ KH&CN, nhiều chương trình, dự án hợp tác NCKH, phát triển công nghệ đã được triển khai, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Những dự án này đã hỗ trợ nhiều địa phương của Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý nước thải, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, cấp nước sinh hoạt cho vùng cao, quản lý lưu vực sông,...  

Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, là một chương trình hợp tác song phương lớn nhất về số lượng và đóng góp kinh phí giữa hai Bộ về hợp tác quốc tế so với giai đoạn trước đó. Phần lớn kinh phí của Bộ KH&CN cho hợp tác với CHLB Đức là dành cho các dự án thuộc chương trình này,  Bộ BMBF cũng dành khoảng trên 70 triệu Euro. Điển hình như dự án về Hồ Hoàn Kiếm, dự án WISDOM, AKIZ, RAME, REMON, Kawatech,… đã và sẽ mang lại những tác động đáng kể tới sự phát triển kinh tế xã hội ở một số tỉnh ở Việt Nam. Đặc biệt là Dự án Kawatech “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang”, với việc sử dụng bơm mới không dùng điện đã góp phần cung cấp nước sạch cho đồng bào vùng cao Đồng Văn. Mô hình của dự án hứa hẹn có thể nhân rộng ra các địa phương khác của Việt Nam, góp phần cung cấp nước sạch, cải thiện cuộc sống củ đồng bào vùng cao Việt Nam.

Chương trình hợp tác nghiên cứu “Quan hệ đối tác quốc tế cho công nghệ và dịch vụ bền vững để bảo vệ khí hậu và môi trường” (CLIENT), trong đó Việt Nam là một trong các nước được Đức ưu tiên hợp tác. Giai đoạn 1 của Chương tình hợp tác CLIENT này, hai Bộ đã cùng tài trợ cho 5 đề tài/dự án hợp tác nghiên cứu chung, với sự tham gia mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Đức, góp phần giải quyết những vấn đề thực sự cấp bách đối với Việt Nam như giảm ùn tắc giao thông đô thị, cung cấp nước sạch cho vùng cao, tiếp thu công nghệ xử lý môi trường nước, công nghệ khai thác mỏ.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ BMBF trong việc xây dựng các dự án thuộc khuôn khổ chương trình CLIENT II. Theo đó, Bộ BMBF sẽ tài trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của Việt Nam như ứng phó với nạn hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ mực nước ngầm, công nghệ tưới nước tiên tiến tiết kiệm nước, xử lý môi trường nước khu khai khoáng, dự báo tác động đến tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu long do các đập thủy điện vùng thượng nguồn gây ra…. 

 Đối với Chương trình kinh tế sinh học, hai Bộ đã phối hợp triển khai một chương trình hợp tác nghiên cứu chung về công nghệ sinh học trong nông nghiệp và y tế. Hai Bộ đã cùng tài trợ cho 5 đề tài/dự án nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học/doanh nghiệp Việt Nam và Đức với tổng kinh phí tài trợ từ phía Đức là gần 3 triệu euro và phía Việt Nam là 19,2 tỉ VNĐ, bắt đầu thực hiện từ năm 2015 . Ngoài việc đóng góp vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, các đề tài hợp tác trong chương trình này đều có định hướng ứng dụng rõ rệt và có tiềm năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu./.

Tuấn Phạm

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất