Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 13/2/2017 21:45'(GMT+7)

Việt Nam có thể trở thành “thung lũng silicon” của Đông Nam Á?

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thế giới đã công nhận Việt Nam là đất nước có ngành giáo dục mạnh về toán học và khoa học tự nhiên vào năm 2012, khi một số học sinh 15 tuổi lần đầu tiên tham gia vào cuộc thử nghiệm PISA (chương trình đánh giá sinh viên quốc tế) và giành vị trí thứ 8 trong các ngành khoa học tự nhiên và đứng thứ 17 về toán học.

Những kết quả ấn tượng này được lặp lại vào năm 2015, khi học sinh Việt Nam vượt trước những người bạn cùng độ tuổi đến từ Mỹ, Australia và Anh.

Thành tựu của giới trẻ Việt Nam về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đã thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế đang tìm kiếm tài năng mới.

Một trong những nhân viên của Google sau khi đến thăm trường học địa phương ở Việt Nam đã nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng ông chưa bao giờ nhìn thấy những học sinh tài năng về máy tính như vậy, họ giải quyết những vấn đề khó ngay cả với những người đang tìm việc tại Google.

Giám đốc điều hành của công ty Sundar Pichai cho biết Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Google, cũng như đối với nhiều công ty và doanh nghiệp khác, và sắp tới, 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin địa phương sẽ được đào tạo tại trung tâm công nghệ khổng lồ California.

Chính sách tài chính của Chính phủ Việt Nam hướng tới mục đích biến đổi đất nước thành một trung tâm khu vực về công nghệ và đổi mới khoa học.

Ví dụ điển hình là dự án đầy tham vọng thung lũng Silicon, được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm thu hút những người giàu kinh nghiệm, có tay nghề vững và đầu tư phát triển ngành công nghệ cao có khả năng cạnh tranh.

Trước đây Việt Nam đã là trung tâm sản xuất của các nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản và Hàn Quốc như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba, giờ đây Việt Nam chú trọng tập trung chuyển đổi từ nhà sản xuất linh kiện điện tử thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển.

Với chính sách khuyến khích phát triển của chính phủ, đầu tư nước ngoài và thế hệ trẻ am hiểu công nghệ, với mục tiêu thu được lợi ích tài chính từ các ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu, Việt Nam có tất cả các điều kiện tiên quyết cho việc chuyển đổi lâu dài thành một nước dẫn đầu về công nghệ trong khu vực.

Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty MISA (Management Information System for Accounting), một trong những công ty công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đánh giá về việc trong một tương lai gần Việt Nam có thể trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á với niềm tin dựa trên một số cơ sở như sau: Trước hết về mặt tố chất thì con người Việt Nam rất nhanh nhẹn, thông minh, đặc biệt có năng khiếu trong lĩnh vực về toán và công nghệ thông tin do vậy nhân lực về công nghệ thông tin Việt Nam thường được phía Nhật Bản, Mỹ đánh giá rất cao khi sử dụng."

Lý do thứ hai, theo ông Long, là xu thế chuyển dịch kinh tế toàn cầu thì hiện nay Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu có xu hướng chọn Việt Nam là Trung Quốc+1 để đảm bảo không bị phụ thuộc quá vào Trung Quốc.

Do vậy các nước này trong thời gian vừa qua đã tiến hành chuyển dịch một phần đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam phát triển.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam hiện nay đang thúc đẩy rất mạnh mẽ và toàn diện cho giới trẻ về vấn đề khởi nghiệp. Điều này tạo ra một làn sóng khởi nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất tốt.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy hàng trăm công ty công nghệ thông tin Việt Nam đã và đang được đầu tư và nhiều doanh nghiệp trong số đó thậm chí đã có cơ hội thành công tại Silicon Valey của Mỹ.

Ông Long nhận định các cản trở lớn nhất hiện nay để Việt Nam có thể trở thành thung lũng Silicon của Đông Nam Á có thể đến từ một số các yếu tố như sau: Dù đam mê công nghệ và rất hăng hái khởi nghiệp nhưng phần lớn các bạn trẻ làm công nghệ thông tin tại Việt Nam đều có nền tảng giáo dục mang đậm tính lý thuyết và thiếu nhiều kỹ năng sống căn bản do đó ít khả năng sẽ xuất hiện các thủ lĩnh kiệt xuất để tạo ra được các dịch vụ hoặc ứng dụng mang tiếng vang cực lớn gây chú ý trên toàn cầu.

Vì vậy thách thức lớn nhất là hệ thống giáo dục liệu có đổi mới mạnh mẽ để cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin hay không.

Bên cạnh đó, các chính sách luật pháp của Việt Nam còn phức tạp và nhiều ràng buộc hạn chế các bạn trẻ sáng tạo ra cái mới hoặc loại hình kinh doanh mới trong xã hội.

Ví dụ tiêu biểu gần đây là Bộ luật dân sự mới ban hành có điều khoản 292 gây lo ngại đặc biệt cho giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì điều khoản này có thể làm một số người có thể mắc tù tội khi sáng tạo ra sản phẩm mới ví dụ như trò chơi điện tử và thu lợi được 500 triệu đồng mà lại quên chưa đăng ký với cơ quan chính quyền.

Vì vậy thách thức là chính quyền liệu có thay đổi để thúc đẩy sự sáng tạo khoa học công nghệ.

Ông Long cho rằng thị trường trong nước và đặc biệt là thị trường nhà nước là bàn đạp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tuy nhiên nhà nước đang đóng cánh cửa với các doanh nghiệp nhỏ khi chỉ định chỉ cho phép một số nhỏ các doanh nghiệp nhà nước được tham gia thực hiện giải pháp.

Về những vấn đề nói trên, Anton Tsvetov, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Nga cho biết: “Đổi mới và phát triển công nghệ cao chỉ có thể có trong điều kiện nền kinh tế tư nhân phát triển, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi môi trường thể chế khuyến khích sáng kiến tư nhân, bảo đảm quyền sở hữu, trong đó có cả sở hữu trí tuệ.”

Kết hợp việc quản lý truyền thống của nền kinh tế Việt Nam với sự tăng trưởng bùng nổ của công nghệ đổi mới sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn, chuyên gia Nga cho biết./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất