Dẫn đầu về xuất khẩu
Năm
2016, ngành nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống, cơ cấu sản xuất
tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu và thích ứng
với biến đổi khí hậu. Ngành duy trì sản xuất và phát triển trong điều
kiện thiên tai khắc nghiệt nhưng xuất khẩu vẫn tăng cao, tăng trưởng
ngành được phục hồi.
Khoa học và công nghệ là động lực giữ vai
trò quan trọng trong tăng trưởng khi tỉ lệ áp dụng máy móc, thiết bị
trong sản xuất nông nghiệp gia tăng 1 - 2% so với năm 2015. Các tiến bộ
khoa học và công nghệ đã đóng góp khoảng 30 - 40% vào tăng trưởng nông
nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng
định: Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã tham gia vào hầu hết các
công đoạn trong sản xuất nông nghiệp góp phần không nhỏ việc tăng năng
suất và chất lượng nông sản.
Các kết quả khoa học và công nghệ
đã ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ
nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng,
chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,
thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Trong
đó, quan trọng nhất là khâu chọn tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo
hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại. Từ
chỗ ngành nông nghiệp nhập khẩu khoảng 70% giống cây trồng, vật nuôi thì
nay chỉ còn nhập dưới 30%.
Các kết quả khoa học và công nghệ
được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong
những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng
có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Đặc biệt, trong lĩnh vực
sản xuất lúa gạo, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỷ USD. Thành tựu
này có vai trò quyết định của khoa học và công nghệ khi 5 năm qua, năng
suất lúa liên tục tăng từ 55,4 tạ/ha lên 57,7 tạ/ha, đưa Việt Nam thành
nước có năng suất đứng đầu khu vực.
Hiện nay, trên 90% diện
tích được gieo trồng bằng các giống lúa mới hoặc được cải tiến với năng
suất tăng từ 10 - 15% và có nhiều giống có đặc tính kháng sâu bệnh chính
như rầy nâu, đạo ô, bạc lá và chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu
như chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn...
Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ
khoa học và công nghệ đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau,
hoa như nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô; trồng trong nhà lưới, nhà kính;
sản xuất rau, hoa, quả theo qui trình GAP, công nghệ cao.
Chọn
tạo giống đột biến bằng ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã có bước
tiến đáng kể bằng việc tạo ra, đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây
trồng.
Nhiều loại trái cây đặc sản đã được xây dựng, bảo hộ nhãn
hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý, được xuất khẩu sang các nước trên thế
giới, trong đó có những thị trường lớn, có yêu cầu nghiêm ngặt về chất
lượng như Mỹ, châu Âu… góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,3
tỷ USD và lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu gạo.
Tập trung vào những khu vực mũi nhọn
Để
góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ
cao, sáng 2/2 (mùng 6 Tết Đinh Dậu), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc đã tới thăm và ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
tại Nông trường VinEco tỉnh Hà Nam, dự kiến tại đây sẽ triển khai khoảng
15 sản phẩm chủ lực với sản lượng từ 20-30 tấn/ngày nhằm phục vụ thị
trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu
rõ, nông nghiệp luôn là trụ đỡ nền kinh tế của đất nước nhưng ngành nông
nghiệp đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và còn là một nền
nông nghiệp có chi phí lớn, đời sống người nông dân chưa cao.
Vì
vậy, Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh
nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tăng tiềm lực cho
ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Thời gian qua,
ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang
chiều sâu, tăng cường liên kết sản xuất trong nông nghiệp, phát triển
mạnh công nghiệp chế biến, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp nông
thôn.
Đồng thời, tổ chức sản xuất phù hợp hơn với đa loại hình
doanh nghiệp theo mô hình liên kết, tham gia vào các chuỗi giá trị trong
nông nghiệp, phát triển theo hướng chế biến tinh, nâng cao giá trị sản
phẩm nông sản.
Tiềm lực của ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn,
ngành khoa học và công nghệ cam kết đồng hành với ngành nông nghiệp
hướng đến nông nghiệp công nghệ cao để tăng tiềm lực, hướng đến giá trị
xuất khẩu hơn là sản lượng xuất khẩu.
Trong điều kiện nguồn lực
hạn hẹp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng kiến nghị ngành khoa học và
công nghệ đồng hành cùng với ngành tập trung vào những khu vực mũi nhọn
như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…; xây dựng
thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản
Việt Nam; đồng thời, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch
xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hoàng Linh (TTXVN)