Để giảm tải nguồn ngân sách chi cho giáo dục đại học (GDĐH) công lập thì
phát triển ĐH tư thục đang là một giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, cần
có những chính sách, pháp luật phù hợp với bối cảnh hiện nay để tạo điều
kiện cho các trường ĐH tư thục phát triển lành mạnh và đóng góp tích
cực cho cả hệ thống GDĐH.
Để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà
khoa học, cơ sở giáo dục ngoài công lập tại khu vực phía Nam nhằm hoàn
thiện chính sách, pháp luật về ĐH tư thục, qua đó bổ sung cơ sở lý luận
và thực tiễn để thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH, ngày
22/1 tại TPHCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi
đồng Quốc hội phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo
“Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục”.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban
Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết,
để hoàn thiện chính sách, pháp luật về ĐH tư thục, hội thảo mong muốn
nhận được những ý kiến tham luận của các diễn giả về các vấn đề như xác
định vị trí, vai trò của ĐH tư thục trong sự phát triển xã hội. Xác
định sự quản lý của Nhà nước đối với các trường ĐH tư thục như thế nào;
tổ chức các HĐQT của các trường tư thục; định vị rõ việc vận hành của
trường tư thục như một doanh nghiệp (DN) hay một trường ĐH; trường ĐH tư
thục hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận; tự chủ của
các trường ĐH trong đó có ĐH tư thục…
Đánh giá về những thách thức để phát
triển GDĐH tư thục, PGS.TS. Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp
chế (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi nguồn lực dành cho trường ĐH công lập
ngày càng hạn chế, phát triển ĐH tư thục là tất yếu, thì nghịch lý diễn
ra lại chính từ nhận thức về chính sách cho về ĐH tư thục.
Cụ thể, tư duy chính sách vẫn còn xem
nhẹ vai trò quan trọng của ĐH tư thục trong bức tranh tổng thể GDĐH tại
Việt Nam. Các chính sách đang quá tập trung vào việc kiềm chế mặt hạn
chế của ĐH tư thục nhiều hơn là những chính sách tạo động lực để phát
triển nó.
Vì vậy, để tháo gỡ những “lúng túng”
này, theo PGS.TS. Chu Hồng Thanh cần xây dựng chính sách, pháp luật dựa
trên quan điểm nhìn nhận rõ, chính xác vai trò của ĐH tư thục; các chính
sách phải tạo ra sự bình đẳng và công bằng giữa ĐH công lập, trường có
vốn đầu tư nước ngoài và ĐH tư thục; ngân sách Nhà nước nếu chi thì phải
chăm lo chung cho cả hệ thống GDĐH (về thuế, sử dụng đất, tiếp cận sáng
tạo về khoa học công nghệ); xác định rõ cơ cấu HĐQT, trách nhiệm của
chủ tịch HĐQT và trách nhiệm của hiệu trưởng trường ĐH tư thục.
Cụ thể hơn về cơ chế hoạt động của ĐH
tư thục, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, trước khi bàn về các chính
sách, pháp luật đối với ĐH tư thục chúng ta cần định vị rõ ràng mô hình
ĐH tư thục mà chúng ta sẽ áp dụng theo hình thức nào, ĐH tư thục hoạt
động phi lợi nhuận hay có lợi nhuận.
Bởi vì, một thực tế đang diễn ra tại
Việt Nam là hiện nay đã có một số tập đoàn giáo dục đang hoạt động với
việc quản lý một số trường ĐH. Như vậy, xây dựng luật phải dựa trên thực
tế này để phù hợp với thực tiễn đang diễn ra.
Bên cạnh đó, khi soạn thảo các chính
sách cần đưa ra những quy định rất chi tiết, cụ thể để thực hiện. Thực
tế, hiện nay ở dự thảo Luật Giáo dục ĐH chưa thực sự rõ ràng và chi
tiết. Còn né tránh nhiều yếu tố về luật liên quan đến những vấn đề cụ
thể của mô hình ĐH tư thục như cổ đông, cổ phần, lợi nhuận… Hay một vấn
đề rất quan trọng liên quan đến điều hành, quản trị hoạt động của nhà
trường là phải nêu rõ nguyên tắc bầu hội đồng cổ đông, đại HĐQT theo
cách thức nào. Quy định cụ thể các cơ chế hoạt động của các bộ phận đứng
đầu trong ĐH tư thục…
Có nghĩa là các chính sách phải xây dựng
dựa trên việc xác định hoạt động của trường ĐH tư thục về mục đích, ý
nghĩa không phải một DN, nhưng Luật Giáo dục ĐH cần cụ thể hóa những
chính sách đó như Luật DN đối với hoạt động của ĐH tư thục để khi áp
dụng vào thực tế mới phát huy vai trò của hệ thống này.
Cùng chung quan điểm xem hoạt động ĐH tư
thục như một doanh nghiệp, TS. Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng quốc gia
Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (2016-2020) lưu ý, trường ĐH phải
được xem là một DN đặc biệt vì, dù đã xác định quyền sở hữu tư nhân
nhưng nó vẫn là một tổ chức của nhiều bên liên quan. Khả năng đóng góp
hoặc gây tác hại của nó cũng ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến cả xã
hội.
Chính vì vậy, khi xây dựng các chính
sách, pháp luật cần lưu ý những yếu tố này để vừa nới lỏng các quy định
về kiểm soát quản trị nội bộ bảo đảm sự linh hoạt cho ĐH tư thục, nhưng
phải có những khung pháp lý để kiểm soát chất lượng của các trường nhằm
bảo vệ lợi ích người học và của xã hội.
Theo GS.TS. Cao Văn Phường (ĐH Bình
Dương), Luật Giáo dục ĐH cần xác định mô hình của trường ĐH đó là phi
lợi nhuận hay có lợi nhuận để có chính sách, pháp luật phù hợp. Cụ thể,
với trường không vì lợi nhuận thì các cổ đông sẽ không được chuyển
nhượng vốn. Trong suốt quá trình hoạt động, trường không vì lợi nhuận
không thể chuyển sang mô hình ĐH vì lợi nhuận (tuy nhiên, ngược lại, với
các trường ĐH có lợi nhuận, trong quá trình hoạt động có thể chuyển
sang mô hình ĐH phi lợi nhuận). Đặc biệt, không được tuyên bố phá sản
hay giải thể…
Từ thực tiễn rút ra từ hoạt động của một
trường ĐH tư thực, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH
Nguyễn Tất Thành cho biết, cần tiếp tục điều chỉnh Luật theo hướng tăng
cường tính tự chủ của cho các trường, gắn với tự chịu trách nhiệm, không
phân biệt công tư. Đặc biệt, tăng cường tính tự chủ toàn diện cho các
trường đã được kiểm định về chất lượng.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã có một
số ý kiến đề xuất cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành đề nghị đẩy mạnh
tự chủ với ĐH tư thục để phát triển và tạo sự bình đẳng giữa các trường
ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân như tinh thần của Nghị quyết
29-NQ/TW.
Cụ thể, ĐH tư thục khi phát triển về
chất lượng và quy mô cần được quyền tự chủ chọn mô hình cơ cấu tổ chức
phù hợp với quy mô phát triển của chính mình, trong đó bao gồm chọn mô
hình ĐH. Luật hiện nay phân biệt cơ cấu tổ chức cho trường ĐH và ĐH. Các
cơ sở GDĐH tư thục mặc nhiên chỉ cơ cấu theo trường ĐH. Điều này hạn
chế quy mô phát triển cho giáo dục ngoài công lập. Vì vậy, Luật nên điều
chỉnh theo hướng mở, cho phép các trường ĐH tư thục lựa chọn mô hình tổ
chức phù hợp với quy mô phát triển của chính họ.
Bên cạnh đó, theo xu hướng của thế giới,
các trường ĐH được đánh giá chất lượng thông qua các tổ chức kiểm định
trung gian. Bởi vì, kiểm định chính là cách thực hiện trách nhiệm giải
trình và minh bạch cao nhất. Chính vì vậy, Luật nên điều chỉnh theo
hướng giao quyền tự chủ tối đa cho các trường đã được kiểm định. Có như
vậy mới thúc đẩy các trường đẩy mạnh kiểm định, nâng chất lượng đào tạo
của mình./.
Theo chinhphu.vn