Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 31/12/2008 21:31'(GMT+7)

Nhìn lại khủng hoảng tài chính thế giới 2008

Thay đổi đột ngột của toàn cảnh kinh tế

Trong 6 tháng đầu năm, cả thế giới "nhốn nháo" trước hiện tượng vật giá leo thang: từ giá năng lượng, đến nông phẩm đều tăng chóng mặt. Tính từ tháng 5/2007 đến khoảng tháng 3/2008, giá dầu thô tăng lên gấp ba. Đồng thời tại một số nước, lương thực, thực phẩm trở thành những mặt hàng xa xỉ.

Cho đến cuối mùa xuân, quan tâm hàng đầu của nhiều chính phủ là làm thế nào để kìm hãm lạm phát, đồng thời nâng cao sức mua của người dân trong bối cảnh đời sống ngày càng đắt đỏ. Thế nhưng ngay sau mùa Hè, ngành tài chính thế giới liên tục nhận được những gáo nước lạnh với sự kiện các "thành trì kiên cố" ở ngay trung tâm tài chính Phố Wall thi nhau suy sụp: Bear Stearns, Lehman Brothers, Merill Lynch hay hãng bảo hiểm AIG, Morgan Staley điêu đứng. Dư luận thực sự bất ngờ trước điều mà báo chí gọi là sự "đổ dàn" của nền tài chính Mỹ.

Nguyên nhân khủng hoảng

Trong suốt 7 năm qua, thị trường tài chính Mỹ vẫn được coi là nơi kiếm tiền an toàn nhất, cho nên tất cả các nước có tài sản đều mua trái phiếu của Mỹ. Trong số này có cả các nước Đông Nam Á vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính 1997. Khi ngoại tệ ở nơi khác tiếp tục đổ về, các tổ hợp đầu tư tài chính của Mỹ phát huy nhiều sáng kiến: thứ nhất họ mang vốn ra đầu tư thay vì chỉ làm nghiệp vụ trung gian; thứ hai, là đi vay thêm ở bên ngoài để đầu tư thêm với tỷ số nợ gấp mấy chục lần vốn có thực trong tay; thứ ba là chia các khoản nợ nói trên thành từng gói. Những sản phẩm này được gọi là "biến phiếu".

Cũng các công ty này dùng những gói nợ để coi đấy là tài sản để có thể vay thêm. Tiến trình nói trên được gọi là chứng phiếu hóa. Khi tình hình tốt đẹp, giá cổ phiếu cứ tăng lên thì các nhân viên môi giới còn được tiền thưởng. Tình trạng này kéo dài từ 2002 đến 2006. Khi tiền rẻ, tức là lãi suất rất thấp, dân chúng được khuyến khích tiêu thụ, họ dễ được cấp tín dụng. Mọi người đã phấn khởi vay tiền để tậu nhà. Hiện tượng này dẫn đến khủng hoảng tín dụng nhà đất. Một số ngân hàng bán công trong ngành địa ốc mạnh dạn cho vay để kiếm lời, như là trường hợp của hai ngân hàng bán công Fanny Mae và Fraddie Mac.

Vào giữa năm 2006, khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đề phòng lạm phát. Bong bóng đầu tư, đầu cơ địa ốc bắt đầu bị xì vì nhiều người vay tiền quá khả năng, giờ đây không có tiền trả nợ và nhà bị tịch biên. Khi đó mọi người mới khám phá ra rằng, trong những gói nợ đang lưu hành, có nhiều khoản "nợ xấu".

Hồi tháng 7/2008, nhiều ngân hàng châu Âu bắt đầu điêu đứng vì mua lầm "nợ xấu" của Mỹ, nhưng Mỹ vẫn "bình chân như vại" cho đến khi số khách hàng bị vỡ nợ, số nhà bị tịch biên tăng quá lớn. Các công ty tài trợ hết dám cho vay: nước Mỹ rơi vào cảnh "cạn kiệt tín dụng", trong khi kinh tế có dấu hiệu bị suy thoái. FED vội vàng hạ lãi suất nhưng đã quá muộn. Các ngân hàng trung ương khác hối hả bơm thêm tiền vào ngân hàng, nhưng vòi tín dụng vẫn bị nghẹt. Cổ phiếu các công ty tài chính tuột giá.

Tuần lễ 15 đến 21/9 cả thế giới chao đảo: từ Phố Wall đến Tokyo, Thượng Hải các chỉ số chứng khoán đều tuột dốc mạnh. Tại châu Âu, Paris, London, Frankfurt hay Amsterdam cùng chung số phận. Thị trường Mátxcơva cũng lâm vào tình trạng hoảng loạn đến nỗi phải tạm đóng cửa để chờ cho "cơn bão" đi qua.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, trị giá chỉ số Nikkei của Nhật mất giá đến 1/3, chỉ số Hangseng của Hong Kong mất 1/4 mà lý do đơn giản là các gói nợ xấu của Mỹ đã phá hỏng ngành tài chính ngân hàng tại rất nhiều quốc gia, đứng đầu là Anh với cả khu vực tài chính Luân Đôn. Chính vì vậy mà sau Mỹ, Anh là nước thứ nhì công bố một kế hoạch quy mô cứu nguy ngành ngân hàng: rót thêm 37 tỷ bảng Anh vào 3 ngân hàng đang bị kiệt quệ nhất.

Khủng hoảng và vấn đề giải quyết việc làm

Điều khó tránh khỏi là sự sụp đổ của ngành tài chính trên thế giới đã kéo nhiều nền kinh tế xuống vực thẳm. Ba cột trụ chính của thế giới, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong 2 quý cuối năm liên tục đưa ra những chỉ số bi quan: thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu thụ từ Âu sang Á đều bị chựng lại, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều đi xuống.

Chỉ số tin tưởng của các doanh nhân rơi xuống đến những mức thấp kỷ lục, đầu tư trong bối cảnh như vậy không thể khởi sắc. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển, sẽ có thêm từ 20 đến 25 triệu người thất nghiệp trong 2 năm sắp tới. Ở Mỹ, tìm việc làm mới thực sự là mối đau đầu, một thách thức lớn đối với chính quyền sắp tới của Tổng thống tân cử Barack Obama. Ở châu Á, giải quyết thất nghiệp đang trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc, vì đây là yếu tố quyết định sự ổn định xã hội ở nước đông dân nhất địa cầu.

Những bài học rút ra

Cho đến giờ, giới quan sát đưa ra kết luận là tài chính toàn cầu phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, chính sách tài chính của thế giới không còn là độc quyền của một nhóm những cường quốc công nghiệp phát triển nhất hành tinh, mà phải được mở rộng đến những nước ngày càng có trọng lượng lớn trên nền kinh tế của toàn cầu, trong số này phải kể đến Trung Quốc, Brazil ...

Riêng đối với các nước nhỏ đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, Giáo sư Trần Nam Bình, Đại học New South Wales, nhận định: "Những nước nhỏ không thể chỉ trông chờ vào xuất khẩu và coi đây là một yếu tố tăng trưởng lâu dài. Những nước này phải dần dần chuyển đổi để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, chuyển đổi từ sản xuất để xuất khẩu qua các dịch vụ". Theo ông, bài học chính chúng ta có thể rút ra được là: một nền kinh tế uyển chuyển, linh động có nhiều khả năng cạnh tranh vẫn là mô hình tối ưu trong mọi tình huống./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất