Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 28/12/2008 18:6'(GMT+7)

Thúc đẩy Tây Nam bộ thành khu vực kinh tế năng động

Phó Thủ tướng cho rằng, yêu cầu trước mắt phải tập trung tháo gỡ cho sản xuất- Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng cho rằng, yêu cầu trước mắt phải tập trung tháo gỡ cho sản xuất- Ảnh: Chinhphu.vn

Đánh giá kết quả năm 2008, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế-xã hội trong vùng tiếp tục được duy trì ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương tuy chậm nhưng vẫn ở mức khá. Nhiều vấn đề xã hội được giải quyết tốt, công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách xã hội có nhiều cố gắng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhìn tổng thể, kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nhưng nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế. Việc triển khai thực hiện 3 lĩnh vực đột phá của vùng bao gồm giao thông, thuỷ lợi, giáo dục-đào tạo và dạy nghề đã bước đầu có kết quả, nhưng cần tập trung nhiều hơn nữa. Các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng .

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành trong vùng và các Bộ đã kiến nghị các vấn đề tháo gỡ cũng như các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vũ Luận, trong giai đoạn I của Chương trình kiên cố hoá trường lớp học, đã hoàn thành được 11.950 phòng học; giai đoan II (2008-2012) đang triển khai để xây dựng 23.986 phòng học và 94.986 m2 nhà công vụ cho giáo viên. Hiện nay, chi đầu tư quốc gia cho đào tạo khu vực ĐBSCL tăng hàng năm, cao hơn so với các khu vực trong cả nước.

Bộ GDĐT cũng đề nghị trong gói kích cầu nên dành một phần để triển khai xây dựng ký túc xá cho các trường trong khu vực này.

Liên quan tới lĩnh vực dạy nghề, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, nguồn lực cho dạy nghề năm 2008 tăng 41% so với năm 2007. Năm 2009, Bộ sẽ thí điểm khoa sư phạm nghề tại các trường đại học nghề để giải quyết việc thiếu giáo viên dạy nghề. Hướng tích hợp giáo viên vừa có tay nghề vừa có trình độ chuyên môn. Cũng trong năm 2009, Bộ sẽ thí điểm mô hình đặt hàng đào tạo, đã ký 6.000 chỉ tiêu đào tạo với các Tập đoàn, trong đó, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ ký kết hợp đồng đào tạo và sử dụng lao động của Hậu Giang với hơn 200 chỉ tiêu.

Mỗi tỉnh trong vùng sẽ có 1 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiếp cận trong khu vực

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bắt đầu từ năm 2009 và định hướng đến năm 2012, Bộ định hướng mỗi tỉnh trong vùng sẽ có 1 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiếp cận trong khu vực, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và cung cấp cho các tỉnh lân cận; Bộ sẽ tập trung đào tạo chuyên canh để mỗi gia đình có 1 người được đào tạo bài bản 1 nghề.

Về cơ sở hạ tầng, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện Quyết định 344/2005/QĐ -TTg ngày 26/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ đã triển khai cơ bản danh mục dự án đầu tư phát triển giao thông vận tải. Một số công trình đã bắt đầu hoàn thành như Cầu Rạch Miễu, Sân bay Cần Thơ, hoàn thành cơ bản tuyến chính đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Trung Lương…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ khu vực ĐBSCL có 45 dự án thuỷ lợi sử dụng trái phiếu Chính phủ, tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng , trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 12 dự án. Năm 2009, Bộ triển khai 7 dự án, nếu có kinh phí kịp thời sẽ hoàn thành đúng thời hạn.

Về Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn II, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, để chương trình này thành công như giai đoạn 1, các tỉnh cần rà soát lại các hộ dân thuộc đối tượng quy định, công tác phê duyệt quy hoạch các cụm tuyến dân cư giai đoạn II phải hoàn thành trong năm 2008.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, nguồn vốn giải ngân kê khai chậm, đặc biệt chậm trong vốn giao thông thuỷ lợi và y tế; qua việc giải ngân năm 2008, các Bộ, ngành cần có biện pháp đẩy nhanh hơn công tác giải ngân. Các dự án năm 2008 nếu chưa giải ngân hết thì các tỉnh được chuyển sang năm 2009, vì thế cần khẩn trương kê khai để đạt kế hoạch giải ngân.

Kêu gọi vốn doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng đây là chủ trương đúng, Ban chỉ đạo cần có chương trình chung để thực hiện có hiệu quả.

Ngay từ đầu năm 2009, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho các công ty lương thực thu mua lúa của nông dân

Về giải pháp hỗ trợ địa phương thu mua lúa của nông dân, Bộ Tài chính cho biết, đang cùng các Bộ liên quan thống nhất phương hướng Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho các công ty lương thực thu mua lúa của nông dân, chương trình sẽ triển khai ngay từ đầu năm 2009.

Còn theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đang được gấp rút hoàn thiện và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề kích cầu cho khu vực ĐBSCL, Bộ sẽ tổng hợp đưa vào trong gói kích cầu trình Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: BIDV đã trình Thủ tướng phương án kích cầu với phương án cho vay với lãi suất bằng 6,7- 7%/năm, thời hạn 8-10 năm. Trong đó gói kích cầu cho ĐBSCL khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng chủ yếu dành hỗ trợ cho xuất khẩu thuỷ sản.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, yêu cầu trước mắt là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, vì thế, các địa phương, Bộ, ngành cần phối hợp với nhau quyết liệt, nhanh chóng triển khai thực hiện các chương trình, giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Các Bộ cần phối hợp với địa phương chủ động rà soát lại tất cả các chương trình, quy hoạch chuyên ngành liên quan tới kinh tế-xã hội đang được triển khai tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ để bổ sung và thúc đẩy tiến độ. Ngân hàng nghiên cứu cơ cấu nợ tín dụng, thực thi chính sách ưu đãi tín dụng của Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tìm đầu ra sản phẩm của bà con nông dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đối với ĐBSCL, chiến lược phát triển cốt lõi từ nay đến năm 2020 là phải thay đổi cơ cấu lao động và các lao động phải được đào tạo bài bản và đây cũng là yếu tố quan trọng đối với vấn đề “ Tam nông”.

Miền Tây Nam bộ gồm 13 tỉnh: Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu. Dân số khoảng 17 triệu dân.

GDP trên địa bàn năm 2008 ước tăng 12,6%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 12,2% so với năm 2007.

Tạo việc làm mới cho trên 385.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 11,2%, giảm 1,6% so với năm 2007.


TG- Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất