Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 20/1/2009 15:19'(GMT+7)

Nhìn lại năm 2008: Bước phát triển toàn diện của nông nghiệp

Thu hoạch lúa trên cánh đồng xã An Trường, huyện Càng Long.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng xã An Trường, huyện Càng Long.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực to lớn của bà con nông dân cả nước, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được những kết quả ấn tượng tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện kế hoạch năm 2009, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng và triển khai thực hiện Nghị quyết của Ðảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Năm 2008: Nông nghiệp được mùa

Năm 2008, ngành nông nghiệp trải qua nhiều biến động và khó khăn gay gắt: Thiên tai khốc liệt đã diễn ra trên diện rộng với những sự kiện có tính lịch sử: Rét đậm, rét hại kéo dài ở miền bắc làm hàng trăm ngàn trâu bò bị chết, hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại; mưa, lũ lớn tàn phá khốc liệt ở miền núi phía bắc; mưa lớn gây ngập úng ở Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng thiệt hại nặng nề về người và của; thiệt hại vật chất do thiên tai lên tới hơn mười nghìn tỷ đồng; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trên cây trồng tuy được khống chế nhưng vẫn luôn đe dọa; dịch "tai xanh" đã làm chết và phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn; thị trường nông sản đã có những biến động rất phức tạp, mạnh mẽ, nhanh chóng. Tất cả những "sự kiện" đó đều tác động mạnh tới đời sống nông dân, tới sản xuất nông nghiệp.

Khó khăn là vậy, nhưng với sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy và chính quyền các cấp, với nỗ lực to lớn của bà con nông dân trong cả nước, nông nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển tương đối toàn diện. Năm 2008 đã được đánh dấu bằng việc Hội nghị lần thứ 7 của BCH T.Ư Ðảng đã đề ra những quyết sách rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao nhanh hơn đời sống của nông dân.

Nhìn chung, có thể nói năm 2008 là năm nông nghiệp "được mùa". Sản lượng hầu hết các loại nông, lâm, thủy sản đều tăng mạnh, xuất khẩu nông sản cũng đạt kỷ lục ở mức 16,24 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2007, vượt 1,5 lần so với chỉ tiêu Ðại hội lần thứ X của Ðảng đề ra (10,8 tỷ USD). Trong điều kiện thắt chặt chi tiêu ngân sách nhưng Chính phủ vẫn dành nguồn vốn lớn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bộ đã cùng các địa phương nỗ lực giải ngân đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,79%, cao hơn năm 2006 và 2007, vượt mức Ðại hội X đề ra (từ 3 đến 3,2%); giá trị sản xuất tăng 5,62% (năm 2007, GDP toàn ngành đạt 3,4%; giá trị sản xuất năm 2007 đạt mức 4,6%).

Ðối với ngành trồng trọt, sản lượng cây có hạt năm 2008 đạt 43,16 triệu tấn, tăng ba triệu tấn so với năm 2007. Diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 7,4 triệu ha, tăng 200 nghìn ha, sản lượng đạt 38,6 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với năm 2007, là năm đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay. Diện tích ngô năm 2008 đạt 1,14 triệu ha, tăng 68,7 nghìn ha, sản lượng 4,53 triệu tấn, tăng 320 nghìn tấn.

Về chăn nuôi, sau đợt rét đầu năm, các địa phương đã tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù chăn nuôi lợn đạt 26,7 triệu con, chỉ tăng 0,53%; đàn bò thịt đạt 6,34 triệu con, giảm 5,75%; đàn gia cầm đạt 247,3 triệu con, tăng 9,4% nhưng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 3,487 triệu tấn, tăng so với năm 2007 là 9,5%.

Kinh tế thủy sản chuyển biến tích cực trên cả hai hướng khai thác và nuôi trồng. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,58 triệu tấn, tăng 9,2% so với năm 2007, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010 là 4 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng 2,45 triệu tấn, tăng 15,3%; sản lượng khai thác ước đạt 2,13 triệu tấn, tăng 2,9%.

Trong hoàn cảnh khó khăn, càng thấy rõ hơn vai trò của nông nghiệp cả về kinh tế và xã hội. Những kết quả đạt được của nông nghiệp đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy vậy, năm 2008 cũng làm bộc lộ rõ nét hơn những yếu kém của ngành cần có biện pháp nhanh chóng khắc phục. Nổi bật là hệ thống thống kê, dự báo, thông tin về sản xuất và thị trường còn yếu kém so với yêu cầu chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý, giúp định hướng sản xuất kinh doanh của bà con nông dân và các doanh nghiệp. Trong một số trường hợp sản xuất đã không được điều chỉnh kịp thời để phù hợp yêu cầu của thị trường, dẫn đến dư thừa khó tiêu thụ như lúa và cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đồng ruộng, chuồng trại mặc dù có tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập. Trong lúc giá nhiều loại vật tư đồng loạt lên cao nhưng chất lượng phân bón, thức ăn chăn nuôi của một số doanh nghiệp lại giảm xuống gây thiệt hại cho nông dân. Năng lực phòng, chống thiên tai còn yếu. Thêm vào đó, do tư tưởng chủ quan nên sự chuẩn bị sẵn sàng theo phương án "4 tại chỗ" ở nhiều địa phương chưa đúng mức nên khi có thiên tai lớn xảy ra gặp khó khăn trong đối phó.

Năm 2009: Gắng sức vượt "bão khủng hoảng"

Năm 2009 được dự báo sẽ là năm có nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp Việt Nam đang là ngành sản xuất hướng mạnh ra xuất khẩu. Thực tế, từ giữa năm 2008, giá nông sản trên thị trường thế giới đã giảm đột biến, đến tháng 12-2008 giá một số mặt hàng so với thời điểm cao nhất đã giảm mạnh, như cà-phê giảm 24%, gạo giảm 58%, cao-su giảm 48%, hạt điều, tiêu 20%, lạc nhân 39%. Vì vậy, từ tháng 9-2008 kim ngạch xuất khẩu nông sản luôn giảm so với các tháng trước đó: kim ngạch xuất khẩu của tháng 12-2008 đạt 1,15 tỷ USD giảm 34% so với tháng 7 - tháng đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 1,75 tỷ USD. Môi trường cạnh tranh trên thế giới và trong nước chắc chắn sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, hạn hán, giá rét có thể diễn biến bất thường; nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng còn cao. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trong nước và nhiều loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nước ta có sức cạnh tranh chưa cao.

Nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành năm 2009 là triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của BCH T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tập trung đối phó hiệu quả với các khó khăn thử thách, ngăn ngừa suy giảm, duy trì tăng trưởng của ngành; đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra, nhất là quản lý chất lượng vật tư, nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Một số chỉ tiêu của ngành cần phải phấn đấu đạt được: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản tối thiểu 2,8%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 4,3 - 4,6%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 14 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2009 đạt 39,8%.

Những giải pháp chính đã được ngành nông nghiệp thống nhất triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Trước hết cần rà soát điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp yêu cầu của thị trường; trước mắt đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân thắng lợi, tiếp tục mở rộng sản xuất ngô, đỗ tương, mía đường, muối; tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành cao-su, cà-phê, chè, hồ tiêu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; có tốc độ phát triển cá tra, tôm phù hợp khả năng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản; bảo vệ và tiếp tục phát triển các loại rừng, nhất là rừng kinh tế; hướng dẫn và hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp khoa học - kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của các loại nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề tháo gỡ khó khăn duy trì sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản với giá cả có lợi cho nông dân, nhất là xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu. Tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn gồm cả một số công trình hướng tới đối phó lâu dài với biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền trung. Ðẩy mạnh thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn, triển khai một bước các chương trình xây dựng nông thôn mới; đào tạo nhân lực nông thôn. Tiếp tục tăng cường năng lực và biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bảo vệ môi trường nông thôn. Mỗi địa phương rà soát chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ". Tiếp tục đổi mới quan hệ sản xuất, xây dựng bộ máy quản lý ngành thông suốt từ trung ương tới xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Kinh nghiệm năm 2008 cũng như những năm trước cho thấy, để bảo đảm thực hiện các mục tiêu và chủ trương đề ra, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải có sự quan tâm lớn thường xuyên, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự năng động, chủ động của bà con nông dân và doanh nghiệp. Thiên tai, dịch bệnh, thị trường có thể diễn biến phức tạp, mạnh mẽ và nhanh chóng nhưng với sự quan tâm, sâu sát, quyết liệt như vậy, nông nghiệp, nông thôn sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy lợi thế, đạt được những thắng lợi mới, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

CAO ÐỨC PHÁT
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất