Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 16/10/2015 10:7'(GMT+7)

Nhìn lại “nghìn ngày” tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) luôn có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) luôn có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng.

 “Đập chuột không vỡ bình”

Đó là cách nói hình tượng của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Liên Việt PostBank) về cuộc “đại phẫu”, tái cơ cấu ngành ngân hàng hơn 3 năm qua. Ông Hưởng nhấn mạnh, tái cơ cấu ngành ngân hàng giống như việc “đập chuột không vỡ bình” khi chúng ta đánh vào hội đồng quản trị và cổ đông các ngân hàng, nhưng tiền của dân không mất đi. Nhờ sự định hướng rõ ràng nên chúng ta đã bảo vệ quyền lợi nhân dân, tránh hiện tượng đổ vỡ "đô-mi-nô" toàn hệ thống. Bởi trên thực tế, chỉ cần một ngân hàng đổ vỡ thì người dân sẽ rút tiền toàn bộ, ngân hàng mạnh nhất cũng không trụ nổi... Đề án này đã thực sự khôi phục niềm tin cho chúng ta, niềm tin chính là kết quả tốt đẹp nhất đạt được.

Còn theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, mục tiêu chính của Đề án 254 đặt ra là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Đề án 254 cũng xác định rõ kết quả cơ cấu lại đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là tiền đề để đến năm 2020. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nhận định, sau hơn 3 năm triển khai, mặc dù điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và toàn ngành ngân hàng, Đề án 254 đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra. Đặc biệt, đây có thể coi là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì vị trí chủ đạo, đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các TCTD. Từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.


Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, sau quá trình tái cơ cấu, đến nay năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện một bước, nhất là những chỉ tiêu quan trọng. Đặc biệt, niềm tin vào hệ thống ngân hàng ngày càng tăng cao. Mặc dù khẳng định, trong bốn lĩnh vực kinh tế tái cơ cấu (TCTD, DNNN, đầu tư công, nông nghiệp) thì việc tái cơ cấu các TCTD được xem là đạt hiệu quả rõ rệt nhất, song ông Lực cũng cho rằng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề xử lý nợ xấu là quá trình phức tạp, lâu dài. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể thành công trọn vẹn nếu các lĩnh vực tái cơ cấu khác không đồng bộ.

Nợ xấu có còn xấu?

Nhằm triển khai một số nội dung của Đề án 254, NHNN đã xây dựng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (VAMC), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013. Với tất cả nỗ lực và giải pháp của ngành ngân hàng và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, một khối lượng lớn nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 8-2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9-2012). Trong đó xử lý nợ xấu qua VAMC chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản bảo đảm, chuyển nợ thành vốn góp. Qua đó, đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao ở những năm trước đây về mức 3,21% tháng 8-2015 và dự kiến vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn. Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả. Kết quả đạt được đến nay cũng ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Công ty VAMC ra đời bước đầu khẳng định đây là công cụ chính sách quan trọng để góp phần giảm nhanh nợ xấu. Mô hình hoạt động của VAMC đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ, đã đến lúc nợ xấu không còn xấu lắm vì VAMC mua toàn chỗ có tài sản bảo đảm nên nợ xấu càng để lâu càng có giá. Cần tiếp tục tái cơ cấu từ gốc, sửa lại, bổ sung Luật TCTD và quy định của các ngân hàng cổ phần. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, kể từ khi ký hợp đồng mua khoản nợ xấu đầu tiên của Agribank, tính đến nay đã có 39 TCTD bán nợ cho VAMC với 23.206 món nợ của 15.257 khách hàng, tổng dư nợ gốc là 224.869 tỷ đồng, giá mua là 190.807 tỷ đồng. Đối với các TCTD, VAMC đã góp phần đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của TCTD, kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro từ 5-10 năm, giảm áp lực về tài chính cho TCTD. Đặc biệt TCTD có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn của NHNN, tạo nguồn kinh doanh… Bên cạnh đó, VAMC cũng tích cực xử lý nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đến nay đạt 9.827 tỷ đồng.
Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, nợ xấu là bạn đồng hành bất đắc dĩ của mọi TCTD, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi TCTD. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất