Vai trò của Trung Quốc, cường quốc kinh tế số 2 thế giới và nước Nga - quốc gia nằm trên hai châu lục Á-Âu có nền kinh tế mới nổi và là cường quốc quân sự có thể cạnh tranh ngang ngửa về tiềm lực hạt nhân chiến lược với Mỹ đang ngày một thể hiện rõ nét. Do đó, trật tự thế giới năm 2014 đang diễn ra quá trình cạnh tranh gay gắt giữa một bên là Hoa Kỳ đang ra sức duy trì "khoảnh khắc trật tự thế giới đơn cực" sau Chiến tranh lạnh, thực chất là bằng mọi cách kéo dài quá trình kết thúc chu kỳ tích lũy tư bản Mỹ đã từng tồn tại gần một thế kỷ, với bên kia là Trung Quốc và Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Hoa Kỳ lãnh đạo và chủ trương xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, đa cực, trong đó đang diễn ra mạnh mẽ chu kỳ tích lũy tư bản châu Á mà biểu hiện tập trung nhất và rõ ràng nhất là sự nổi lên của các nước có nền kinh tế mới nổi, hay còn gọi là Nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Cộng hòa Nam Phi).
U-crai-na: Điểm nhấn cạnh tranh địa-chính trị trong năm 2014
Cuộc khủng hoảng U-crai-na bùng phát từ cuối năm 2013 dẫn tới cuộc đảo chính nhà nước vào ngày 22-2-2014. Trong đó, các lực lượng phát xít mới và dân tộc cực đoan nhận được sự ủng hộ và tiếp tay của một số thế lực ở Mỹ và phương Tây nổi lên lợi dụng làn sóng biểu tình của người dân phản đối quyết định của Tổng thống Y-a-nu-cô-vich tạm hoãn ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), đã dùng bạo lực lật đổ chính thể hợp hiến ở Ki-ep. Đáng chú ý là, hành động đảo chính nhà nước này diễn ra ngay sau khi các lực lượng đối lập và Tổng thống Y-a-nu-cô-vich vừa đạt được một thỏa thuận lịch sử để giải quyết cuộc khủng hoảng với sự chứng kiến của bộ trưởng ngoại giao ba nước châu Âu là Đức, Pháp và Ba Lan chỉ vẹn vẻn trước đó một ngày (21-2-2014). Điều này chứng tỏ, các thế lực đứng đằng sau các lực lượng phát xít mới và dân tộc cực đoan ở U-crai-na không phải đến từ châu Âu mà là từ Oa-sinh-tơn. Biểu hiện công khai đầu tiên về sự dính líu này là nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo chính trị ở Mỹ đã ngang nhiên xuống đường hòa nhập vào hàng ngũ các lực lượng đòi lật đổ Tổng thống Y-a-nu-cô-vich và phân phát bánh mì, áo ấm cho họ, cổ vũ họ và gọi họ là "những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và các khát vọng dân chủ".
Nghiên cứu toàn bộ diễn biến tình hình cuộc khủng hoảng U-crai-na trong năm 2014, nhiều chuyên gia trong giới phân tích chính trị ở Nga và phương Tây cho rằng, các thế lực đại diện cho các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ là người viết kịch bản và đạo diễn cuộc khủng hoảng U-crai-na, trong đó họ lợi dụng lực lượng này để thực hiện một loại hình chiến tranh kiểu mới, được gọi là "chiến tranh phức hợp", trong đó kết hợp các biện pháp bao vây cấm vận kinh tế, chiến tranh tư tưởng và tâm lý, lực lượng quân sự và hoạt động phá hoại để chống lại Nga, thậm chí là làm tan rã nước Nga từ bên trong, bởi Nga là vật cản lớn nhất, có tính quyết định nhất đối với tham vọng của Mỹ duy trì trật tự thế giới đơn cực do họ lãnh đạo. Lịch sử đang được lặp lại: Trong thế kỷ XX, các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ đứng đằng sau giật dây gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới để thiết lập chu kỳ tích lũy tư bản Mỹ, thì hiện nay họ đang đứng đằng sau các thế lực phát xít mới, sử dụng U-crai-na làm bàn đạp để chống phá Nga.
Z.Brê-din-xki, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Ca-tơ và nay là Cố vấn không chính thức cho Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, đã từng đưa ra nhận định trong chuyên luận của ông với tựa đề “Bàn cờ lớn” ấn hành năm 1997: “Trật tự thế giới mới do Mỹ xây dựng sẽ dựa trên cơ sở làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền, trong đó U-crai-na là trụ cột của chiến lược này”. Còn P.C.Rô-ghêt nguyên Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân, căn cứ vào những tài liệu và các văn kiện mà ông có quyền tiếp cận, cho rằng, mục đích mà Mỹ theo đuổi trong cuộc khủng hoảng U-crai-na là: (1) Đẩy Nga ra khỏi căn cứ quân sự của Hạm đội Biển Đen ở cảng Xê-ve-xtô-pôn; (2) Tạo ra cuộc thanh sát sắc tộc đẫm máu chống lại người Nga ở miền Nam và miền Đông U-crai-na, dẫn tới cuộc di cư ồ ạt người Nga từ U-crai-na về phía Nga; (3) Phá hoại tiềm năng sản xuất cực kỳ quan trọng ở các thành phố Ki-ep ở Đông-Nam U-crai-na hiện đang thực hiện các đơn đặt hàng quân sự của Nga; (4) Mỹ và NATO sẽ triển khai căn cứ quân sự ở U-crai-na, trong đó có căn cứ quân sự ở Cri-mê; (5) Ở U-crai-na sẽ hình thành các trung tâm huấn luyện khủng bố để tấn công vào các mục tiêu tại khu vực Bắc Cap-ca, Xi-bê-ri và nhiều khu vực khác ở Nga; (6) Kịch bản cuộc đảo chính nhà nước ở Ki-ep sẽ được áp dụng ở Mat-xcơ-va và các khu vực khác trong không gian hậu Xô-Viết.
Do đó, quyết định của Tổng thống Nga V.Pu-tin đáp ứng nguyện vọng của người dân Cri-mê sáp nhập vùng đất này trở về với "đất mẹ" Nga cũng như ủng hộ nguyện vọng của người dân vùng Đông-Nam U-crai-na giành quyền độc lập nhiều hơn với chính quyền trung ương ở Ki-ep không phải là sự "can thiệp" hay "xâm lược" U-crai-na mà là nhằm cứu quốc gia Đông Âu này tiếp tục lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa lòng châu Âu sau Chiến tranh lạnh. Nếu như Tổng thống Nga V.Pu-tin không cứu Cri-mê và cứu người dân Đông-Nam U-crai-na, châu Âu sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà kết cục có thể dẫn tới cuộc chiến tranh lớn trên châu lục này. Có thể thấy, đến thời điểm này, đề án dùng U-crai-na để chống nước Nga về cơ bản đã thất bại.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Phương Tây với Nga ở U-crai-na sẽ còn lâu dài bởi sau cuộc bầu cử ngày 26-10-2014, lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, các lực lượng quốc xã và phát xít mới không chỉ ngóc đầu dậy mà còn có chân trong Quốc hội nước này và gây áp lực để ép quốc gia Đông Âu này đi theo đường lối chống Nga. Tình hình U-crai-na hiện nay tương đồng với tình hình nước Đức đầu thập niên 1930 khi chủ nghĩa quốc xã lên cầm quyền và dẫn dắt quốc gia này tới Chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm tiêu diệt Liên Xô.
Trung Đông vẫn tiếp tục nóng bỏng
Từ đầu tháng 6-2014, thế giới hoàn toàn bất ngờ trước chiến dịch tấn công ồ ạt của tổ chức vũ trang mang tên “Nhà nước Hồi giáo I-răc và Cận Đông”, gọi tắt là ISIL (Islamic State in Iraq and the Levant), đánh chiếm nhiều thành phố của I-răc, thậm chí tiến sát thủ đô Bát-đa, đe dọa sự tồn tại của chính thể I-răc. Lần đầu tiên, một tổ chức khủng bố xuất hiện như một lực lượng chính quy và công khai tuyên chiến với quốc gia có chủ quyền, đẩy I-răc tới trước nguy cơ tan rã.
Lẽ ra, theo Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), trước hết Hội đồng bảo an LHQ (HĐBA LHQ) phải ra nghị quyết chống IS, sau đó các nước khác là thành viên LHQ căn cứ vào nghị quyết này để thực hiện. Trong trường hợp này, Mỹ lại làm theo cách hoàn toàn ngược lại, nghĩa là “tiền trảm hậu tấu”, bất chấp luật pháp quốc tế. Ngày 8-8-2014, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma công bố chiến lược toàn diện chống IS. Ngày 10-9-2014, ông ra lệnh ném bom trên lãnh thổ I-răc và ngày 22-9-2014 ra lệnh ném bom IS trên lãnh thổ Xy-ri. Đến ngày 24-9-2014, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tới chủ trì cuộc họp của HĐBA LHQ trong khuôn khổ khóa họp thường niên lần thứ 69 của Đại hội đồng LHQ để “ra tối hậu thư” cho tổ chức này thông qua Nghị quyết 2178 về chống IS.
Vì thế, chiến lược chống IS của Mỹ đang đặt Trung Đông và thế giới trước nhiều hiểm họa chưa thể dự báo hết được tính chất nghiêm trọng của nó, mà một trong những mục tiêu đề ra là tiêu diệt Tổng thống Xy-ri Ba-xa An At-xat, dựng lên ở Bat-đa một chính thể do Oa-sinh-tơn kiểm soát - điều mà họ đã không thực hiện được kể từ khi bùng phát phong trào mang tên "Mùa xuân A-rập" ở quốc gia này từ năm 2011.
Trung Quốc lộ diện tham vọng độc chiếm Biển Đông
Từ ngày 1-5-2014 đến đầu tháng 8-2014, Trung Quốc điều động một giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương 981, được Bắc Kinh đánh giá là “hòn đảo di động”, cùng với sự tháp tùng của hàng trăm tàu chiến và tàu cảnh sát biển xâm nhập và cắm chốt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến cả thế giới phải sững sờ đến kinh ngạc vì hành động này có tính ngang ngược, hiếu chiến, được dư luận nhìn nhận như một cuộc xâm lược. Sự kiện này đã bộc lộ toàn bộ bản chất ẩn dấu đằng sau những cam kết về “hòa bình”, “láng giềng tốt”, hay “đối tác tốt” của Trung Quốc.
Theo UNCLOS, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam đã được luật pháp quốc tế công nhận. Ngoài ra, việc Trung Quốc cho cả các tàu quân sự đi kèm giàn khoan và sử dụng “vũ khí lạnh” (vòi rồng nước áp suất lớn) tấn công tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật của Việt Nam đã là hành động xâm lược. Cùng với hành động này, Trung Quốc lại tiếp tục tuyên bố về chủ quyền của họ đối với gần 90% diện tích Biển Đông. Đây là biểu hiện của sự cường quyền từ phía Trung Quốc trong cách hành xử của họ trong quan hệ với các nước và thể hiện rõ bản chất của khẩu hiệu "trỗi dậy hòa bình" hay là "giấc mơ Trung Hoa".
Chủ trương của nhà nước Việt Nam là giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp đàm phán ngoại giao hòa bình. Chủ trương này đã thể hiện rõ nét qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Mi-an-ma: “Việt Nam xin thông báo và nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông như sau. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.
Điểm lại dư luận quốc tế, có thể thấy rất rõ, trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và cảm thông sâu sắc rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng
Ngày 1-7-2014 ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử Nhật Bản như là cột mốc quan trọng trong quá trình điều chỉnh chính sách quốc phòng để trở thành một “quốc gia bình thường”, thể hiện qua việc nội các nước này đưa ra lời giải thích mới về nội dung Điều 9 của Hiến pháp, theo đó Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia sứ mệnh phòng thủ tập thể bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 2-7-2014, Thủ tướng Sin-dô A-be cho biết, theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp, Nhật Bản có 4 phương án hành động để thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Phương án 1 là sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa đang bay nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Phương án 2 là triển khai Lực lượng phòng vệ trên biển JMSDF (Japan Maritime Self-Defense Force) của Nhật Bản một khi các tàu của Mỹ bị tấn công ở các vùng biển xa. Phương án 3 là sử dụng các Lực lượng phòng vệ Nhật Bản JSF (Japan Self-Defense Force) để thực hiện một cuộc phản công nếu một bộ chỉ huy liên quân có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia nào đó tấn công trên lãnh thổ nước ngoài. Phương án 4 là sử dụng lực lượng quân sự để loại bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bốn phương án này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của Liên minh Nhật-Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích an ninh của Nhật Bản. Như vậy, theo cách giải thích này, Nhật Bản vẫn tuân thủ chủ trương phòng vệ chứ không phải tiến công, kể cả khi phải đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Quyết định của Nhật Bản lần đầu tiên điều chỉnh chính sách quốc phòng kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II sẽ có tác động lớn tới cục diện chính trị ở khu vực Đông Á nói riêng, châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Liên minh kinh tế Á-Âu:bước phát triển lớn trong không gian hậu Xô-viết
Ngày 29-5-2014 sẽ đi vào lịch sử của hai châu lục lớn nhất thế giới là châu Á và châu Âu bằng sự kiện Tổng thống Nga V.Pu-tin, Tổng thống Bê-la-rut A.Lu-ca-sen-cô và Tổng thống Ca-dăc-xtăng N.Na-da-bai-ep chính thức ký Hiệp định thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu, gọi tắt là EEU (Eurasian Economic Union). Đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của các nước trong không gian hậu Xô-viết. EEU sẽ là trung tâm kinh tế Á-Âu với 170 triệu dân, có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ, chiếm 15% dự trữ dầu thế giới và tạo ra tuyến giao thông nối Á-Âu có giá trị không chỉ đối với khu vực mà còn có giá trị toàn cầu. Trong năm 2014, Cộng hòa Ac-mê-ni-a gia nhập EEU, còn Cộng hòa Kiêc-gi-xtăng đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để có thể ký Hiệp định EEU vào đầu năm 2015.
Hiệp định EEU sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 dựa trên 4 nguyên nguyên tắc chủ yếu: (1) Tôn trọng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế đã được thừa nhận như bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên; (2) Tôn trọng sự khác biệt về hệ thống chính trị của các nước thành viên; (3) Bảo đảm hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tính đến lợi ích quốc gia của các nước thành viên; (4) Tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh lành mạnh. Hiệp định EEP nhằm thực hiện nhiều mục tiêu, trong đó có các mục tiêu chính như tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định của quốc gia thành viên và nâng cao mức sống của người dân; tạo ra thị trường chung cho hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động trong Liên minh; hiện đại hóa toàn diện, hợp tác và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế quốc gia thành viên trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong chuyến thăm Nga vào tháng 7-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam sẽ tham gia đàm phán gia nhập Liên minh Thuế quan. Đến cuối năm 2014, Việt Nam và 3 nước thành viên Liên minh Hải quan đã hoàn tất nội dung đàm phán để ký kết Hiệp định vào đầu 2015.
Theo Tổng thống Nga V.Pu-tin, Hiệp định EEU là cột mốc lịch sử không chỉ đối với các nước trong không gian hậu Xô-viết, mà còn đối với tất cả các nước trên lục địa Á-Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một cơ chế không thể thay thế được, cho phép xây dựng quan điểm thống nhất về những vấn đề then chốt đối với khu vực và đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước thành viên. Hiệp định EEU còn tạo ra bước phát triển với chất lượng mới, mở ra triển vọng to lớn cho sự phát triển kinh tế, tạo ra khả năng cạnh tranh mới, cho phép các nước trên hai lục địa liền kề này hội nhập nền kinh tế và hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời tham gia thực tế vào quá trình soạn thảo và quyết định về quy tắc cuộc chơi trong tương lai. Một khi Hiệp định EEU có hiệu quả sẽ mở ra con đường dẫn dắt các nước thành viên tới vị thế xứng đáng trong thế giới đương đại. Chỉ bằng cách hợp tác cùng nhau, các quốc gia trong EEU mới có thể trở thành những quốc gia dẫn đầu sự tăng trưởng toàn cầu, sự tiến bộ của nền văn minh cũng như sự phát triển thịnh vượng. Hiện nay, GDP của ba nước tham gia EEU là khoảng 2.600 tỷ USD. Đến năm 2030, GDP sẽ tăng thêm 900 tỷ USD. Liên minh này có thể đóng vai trò là “chất keo” gắn kết các nền kinh tế các nước châu Âu với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động, trong đó có Việt Nam sắp ký kết gia nhập Liên minh Thuế quan, mở đầu quá trình lan tỏa của EEU tới Đông Nam Á.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2014 hướng tới trật tự kinh tế thế giới mới không do phương Tây áp đặt
Ngày 15-7-2014, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của Nhóm BRICS kết thúc thành công tại thành phố Phô-ta-be-la của Bra-xin. Chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2014 với nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu như cuộc khủng hoảng tại U-crai-na, cuộc tấn công của IS ở Trung Đông, cuộc tiến công của I-xra-en vào dải Ga-da, những tiết lộ liên quan tới hệ thống giám sát bí mật toàn cầu của Cục an ninh quốc gia Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo và các chính đảng trên thế giới. Kết quả đạt được tại Hội nghị này là sự thách thức trật tự kinh tế do phương Tây chiếm ưu thế.
Kết quả chủ yếu và quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2014 là các nước thành viên thông qua quyết định thành lập Ngân hàng phát triển mới NDB (New Development Bank). NDB là thành tựu lớn đầu tiên của BRICS kể từ khi thành lập năm 2009 để tạo ra tiếng nói lớn hơn của các quốc gia có nền kinh tế mới nổi trong trật tự tài chính toàn cầu do các cường quốc phương Tây tạo dựng sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Một quyết định quan trọng nữa tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2014 là thành lập Quỹ dự phòng rủi ro (CRA). Đây là một thể chế tài chính có chức năng tương tự như IMF với số vốn 100 tỷ USD. Quyết định của BRICS thành lập NDB và CRA sẽ là thách thức và tăng sức ép đối với Mỹ cũng như các nước trong Nhóm G-7 chấp nhận các biện pháp cải tổ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chắc chắn sẽ gia tăng ảnh hưởng của các nước có nền kinh tế mới nổi trong hai thiết chế tài chính quốc tế này. Ngoài ra, với hai thiết chế tài chính NDB và CRA cùng với tiềm năng chiếm 40% dân số thế giới và 1/5 GDP toàn cầu, các nước BRICS đang khẳng định vị thế của họ trong hệ thống tài chính thế giới lâu nay chỉ thuộc về chế độc quyền của IMF và WB.
Nhận định về tác động vào việc tái cấu trúc trật tự tài chính-kinh thế giới của các quyết định mà BRICS vừa thông qua, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2014, Tổng thống Bra-xin Đi-ma Ru-xep nhấn mạnh: "Chúng ta đã đưa ra một quyết định lịch sử là thành lập ngân hàng của BRICS và một thỏa thuận về Quỹ dự phòng. Đây là một đóng góp quan trọng nhằm thay đổi hệ thống điều hành kinh tế thế giới. Tổng thống Nga V.Pu-tin coi việc BRICS đạt được thỏa thuận là "một hành động rất mạnh mẽ nhằm ngăn chặn những khó khăn mới về kinh tế". Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, các nước BRICS cần cải thiện hệ thống kinh tế ở mức độ toàn cầu, tăng cường sự đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển. Sac-lơ Mô-vit, Giám đốc Chi nhánh châu Âu của hãng nghiên cứu và tư vấn IHS, nhận xét: "Đây sẽ là sự hình thành bước đầu một thế giới tài chính đa cực phản ánh một không gian địa-chính trị đa cực mà Tổng thống Nga V.Pu-tin từng mong muốn".
Định hình tương lai thông qua đối tác châu Á-Thái Bình Dương
Từ ngày 5 đến ngày 11-11-2014 diễn ra Tuần lễ Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gọi tắt là Diễn đàn APEC, lần thứ 22, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, mở đầu tiến trình xây dựng Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong bối cảnh các nước khu vực tuy có nhu cầu hợp tác mạnh mẽ nhưng vẫn còn mâu thuẫn và bất đồng về nhiều vấn đề cần phối hợp nỗ lực để hóa giải như căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ, Nga - Ôt-xtrây-li-a và Nga - Nhật Bản liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na; mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên biển; mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan tới chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Oa-sinh-tơn v.v. Vì thế, tại Diễn đàn APEC năm nay lãnh đạo nhiều nước đã tranh thủ cơ hội để thực hiện các cuộc gặp bên lề nhằm tạo điều kiện để hiểu biết lẫn nhau, hóa giải mâu thuẫn và tăng cường hợp tác.
Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 22 đã thông qua hai Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo APEC: Tuyên bố về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và Tuyên bố “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”. Có 4 văn kiện kèm theo 2 Tuyên bố này, gồm: Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương FTAAP; Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu; Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015-2025.
Kết quả đạt được tại APEC 2014 ở Bắc Kinh thêm một lần nữa chứng tỏ một cách sinh động rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bước vào một kỷ nguyên phát triển nhanh và năng động, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, tập trung 3 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản và các nền kinh tế đầy tiềm năng là Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Ôt-xtrây-li-a, các nước ASEAN. Diễn đàn APEC đang và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng để biến thế kỷ 21 thành “Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương”.
Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn nửa thế kỷ bao vây, cấm vận
Những thời khắc cuối cùng của năm 2014 chứng kiến một sự kiện được cả thế giới trông đợi từ lâu: ngày 17/12/2014, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô cùng tuyên bố hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ sau hơn nửa thế kỷ Oa-sinh-tơn thực hiện chính sách bao vây cấm vận đối với quốc đảo ở Ca-ri-bê. Đây là tin vui đối với nhân dân Cu-ba và đại đa số các quốc gia là thành viên Liên Hợp Quốc trong nhiều năm đấu tranh không mệt mỏi đòi Mỹ từ bỏ chính sách sai lầm chống Cu-ba; mở ra một giai đoạn mới trên con đường phát triển của một quốc đảo đã trở thành biểu tượng của những khát vọng hướng tới tự do, hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng. Đây cũng là xu thế chủ đạo của thế giới ngày nay.
Trong khi đó, đối với Mỹ, đây không chỉ là sự công nhận thất bại của chính sách bao vây cấm vận đối với Cu-ba đã từng bị cả thế giới lên án mà còn là sự điều chỉnh chủ trương và biện pháp của Oa-sinh-tơn trong việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để thay đổi chế độ chính trị ở La-ha-ba-na và nhiều nước khác ở Mỹ La-tinh nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Theo toan tính của Oa-sinh-tơn, thế hệ lãnh đạo hiện nay ở Cu-ba sắp được thay thế bằng thế hệ mới và để chuyển hóa chế độ chính trị ở quốc gia này, cần phải bình thường hóa quan hệ giữa hai nước để biến Đại sứ quán Mỹ ở La-ha-ba-na thành trung tâm chỉ đạo “cách mạng sắc mầu” ở quốc đảo này.
Tuy nhiên, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtrô tuyên bố, dù bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhưng Cu-ba vẫn không bao giờ từ bỏ con đường đã chọn là phát triển đất nước theo mô hình cập nhật chủ nghĩa xã hội. Vì thế, để tiến tới việc Mỹ hoàn toàn dỡ bỏ các biện pháp bao vây cấm vận Cu-ba, hai nước còn phải nỗ lực hóa giải bất đồng và tìm được tiếng nói chung vì lợi ích song phương cũng như vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở Mỹ La-tinh.
Trật tự thế giới: luật lệ mới hay cuộc chơi không có luật lệ
Tại Diễn đàn Câu lạc bộ quốc tế “Valdai” được tổ chức tại thành phố Xô-chi của nước Nga vào ngày 24-10-2014 để bàn thảo về tình hình thế giới đầy bất ổn hiện nay, Tổng thống Nga V.Pu-tin có bài phát biểu về chủ đề “Trật tự thế giới: những luật lệ mới hay là cuộc chơi không có luật lệ”. Bài phát biểu của ông đã phác họa những đường nét cơ bản về một trật tự thế giới mới, trong đó Mỹ và một số đồng minh phương Tây đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tiến hành cuộc chơi không có luật lệ nhằm áp đặt ý chí chính trị và “các giá trị” của họ cho phần còn lại của thế giới.
Tổng thống Nga V.Pu-tin nhận định: "Do thiếu vắng các công cụ pháp lý và chính trị, vũ khí đã đóng vai trò trung tâm trong chương trình nghị sự toàn cầu, trong đó người ta tùy tiện sử dụng chúng ở bất kỳ đâu, bằng bất cứ cách thức nào, không cần được phép của HĐBA LHQ. Còn nếu HĐBA LHQ từ chối giải pháp sử dụng vũ lực thì người ta tuyên bố rằng tổ chức này là công cụ đã bị lỗi thời và không có hiệu lực”. V.Pu-tin cho rằng, sự thống trị đơn phương và sự áp đặt ý chí chính trị của một quốc gia nào đó cho phần còn lại của thế giới sẽ đem lại kết quả ngược lại: thay vì giải quyết xung đột là leo thang xung đột; thay vì tạo ra các quốc gia có chủ quyền và bình yên là một không gian bất ổn ngày một mở rộng; thay vì tạo ra dân chủ là sự ủng hộ một nhóm người đáng ngờ. Theo Tổng thống V.Pu-tin, phương Tây đã gây ra hàng loạt các cuộc xung đột trên thế giới như ở Li-bi, Xy-ri và I-răc. Chính sách của họ đã không tạo ra một nền hòa bình và dân chủ trên thế giới.
V.Pu-tin nói: “Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực chia nhỏ thế giới, tạo ra các đường phân định mới, thành lập các liên minh không theo nguyên tắc “ủng hộ” mà là chống lại một ai đó, hình thành hình ảnh “kẻ thù” tương tự như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và tạo dựng quyền lãnh đạo thế giới, nếu không muốn nói là sự chuyên chế độc quyền”. Về sự cấm vận trong quan hệ quốc tế, V.Pu-tin cho rằng, các biện pháp cấm vận đang tàn phá các cơ sở nền tảng của thương mại và các định chế của WTO, phá hoại các nguyên tắc sở hữu tư nhân, làm sụp đổ mô hình toàn cầu hóa thương mại tự do dựa trên cơ sở thị trường, tự do và cạnh tranh - một mô hình do chính các nước phương Tây đề xướng và chủ trương áp dụng phổ biến trên thế giới.
Có thể thấy, lúc này trật tự thế giới mới đang ở trong giai đoạn hình thành mang tính bước ngoặt chưa có tiền lệ trong lịch sử, trong đó các quốc gia cần phối hợp hành động để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ là tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia không phân biệt lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu. Chỉ khi đó thế giới mới có thể thể phát triển ổn định, loại trừ chiến tranh và xung đột ra khỏi đời sống quốc tế, ngăn chặn “cuộc chơi” không có luật lệ./.
Lê Thế Mẫu