Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon mới đây nhận định rằng với những gì xảy ra trong năm 2014, thế giới không chỉ đối mặt với mối đe dọa về chung sống hòa bình, mà ngay cả sự tồn vong của nhân loại cũng đứng trước những thách thức lớn. Rõ ràng, trong năm 2014, Liên hợp quốc đã phải đứng ra giải quyết nhiều vấn đề nan giải, nhưng vẫn còn không ít khó khăn chưa được tháo gỡ.
Nan giải với cuộc khủng hoảng Ukraine khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phái thân phương Tây lật đổ, dẫn tới khủng hoảng trong quan hệ giữa nước này với Nga qua việc Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và làn sóng đòi độc lập gia tăng ở miền Đông Ukraine. Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh với việc hai bên liên tục thực hiện các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau.
Thực tế một lần nữa cho thấy trừng phạt không bao giờ là giải pháp. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang làm cho nền kinh tế Nga trở nên khó khăn hơn, nhưng bản thân những nước khởi xướng trừng phạt cũng bị thua thiệt không kém.
Việc hai bên thực hiện các biện pháp trừng phạt lẫn nhau càng khiến mối quan hệ Nga - Ukraine và Nga - phương Tây căng thẳng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc đã nhiều lần đề nghị Nga, Ukraine, EU và Mỹ cùng kiềm chế, hợp tác để tìm giải pháp, nhưng vẫn chưa có kết quả bởi Nga quyết không chấp nhận một Ukraine bị phương Tây sử dụng như một bàn đạp để chống lại nước này.
Những diễn biến liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm cho diễn đàn Liên hợp quốc sôi sục suốt một năm qua. Chưa bao giờ Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc, lại họp nhiều và họp liên tục chỉ để bàn về vấn đề Ukraine, song dường như mọi rắc rối vẫn chưa được giải quyết.
Một vấn đề nan giải nữa là cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua ở Syria. Nhờ sáng kiến mang tính tháo ngòi nổ của Nga hồi năm ngoái, vấn đề vũ khí hóa học của Syria xem như đã được giải quyết khá ổn thỏa. Tuy nhiên, khi một năm nữa sắp qua đi, mọi giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria vẫn còn bỏ ngỏ và không ai dám chắc Mỹ đã ngừng hẳn kế hoạch tấn công quân sự để lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad sau khi đã mở các cuộc không kích dữ dội trong những tháng qua nhằm vào các cứ điểm của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, những hậu họa khôn lường do các phe nhóm và tổ chức khủng bố gây ra cho các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc cũng như các cộng đồng dân cư đang khiến thế giới lo ngại. Đặc biệt, sự trỗi dậy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo”(IS) tự xưng đang đe dọa an ninh toàn cầu. IS hiện đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria, giết người không ghê tay nhằm vào tộc người Yazidi và những người không cùng giáo phái ở hai quốc gia này, thậm chí còn dọa lật đổ chính quyền thân Mỹ ở Iraq.
Sự tàn bạo của IS nguy hiểm đến mức Hội đồng Bảo an phải tổ chức một phiên họp thượng đỉnh hiếm hoi (mới có 6 phiên họp như vậy trong lịch sử 70 năm của Liên hợp quốc) để ra riêng một nghị quyết về chống khủng bố. Tuy không chính thức, nhưng dường như Liên hợp quốc cũng đã “bật đèn xanh” cho Mỹ cùng các đồng minh không kích dữ dội các cứ điểm của IS ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, câu chuyện về IS và cuộc chiến chống lại tổ chức này chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực của báo giới vì dường như càng bị không kích, chúng càng trở nên táo tợn như thách thức với cộng đồng quốc tế.
Vấn đề hạt nhân của Iran tiếp tục lâm vào bế tắc khi hàng loạt cuộc đàm phán giữa Tehran và 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an và Đức với mong muốn đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng vào ngày 24-11 vừa qua đã không mang lại kết quả mà thêm một lần nữa bị lỡ hẹn, đành phải kéo dài đàm phán thêm 7 tháng nữa.
Liên hợp quốc đang ráo riết vận động các bên cố gắng thực hiện được mục tiêu trên, nếu không, vấn đề hạt nhân vốn gây tranh cãi nhiều năm qua của Iran sẽ tiếp tục chia rẽ thế giới, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa Iran và các nước phương Tây.
Trong khi đó, dịch bệnh và thiên tai tiếp tục hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, đáng chú ý nhất là dịch bệnh Ebola bùng phát tại một loạt quốc gia Tây Phi như Sierra Leone, Guinea và Liberia,... đã làm hơn 6.000 người thiệt mạng và gần 20.000 người nhiễm bệnh. Liên hợp quốc đã phát động một chiến dịch quy mô lớn chống Ebola do một đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đứng đầu, đồng thời đã cử nhiều đoàn chuyên gia, gửi tiền bạc, thuốc men, thiết bị y tế và lập các trung tâm dập dịch ở thực địa.
Bất chấp vô vàn khó khăn phải đối mặt trong năm 2014, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã khẳng định rằng với 70 năm kinh nghiệm, Liên hợp quốc đủ sức để giải quyết mọi vấn đề đặt ra cho nhân loại. Theo ông, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nếu Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 được các quốc gia thành viên thực hiện triệt để, chắc chắn đến năm 2030 khi chương trình này kết thúc, chúng ta sẽ được chứng kiến một thế giới bình yên và thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, đã đến lúc tất cả mọi người và mọi quốc gia phải đoàn kết và cùng chung tay hành động./.
Theo TTXVN