Thứ Sáu, 8/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 28/1/2014 22:23'(GMT+7)

Nhìn lại tình hình chính trị thế giới năm 2013


Cục diện chính trị thế giới năm 2013 tuy khác về “chất” nhưng có những điểm gần giống với tình hình thế giới đầu thế kỷ XX, trong đó cũng đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; các nước lớn mới trỗi dậy cũng theo đuổi tham vọng thách thức hiện trạng và bắt đầu có biểu hiện thực hiện chính sách chính trị cường quyền. Chỉ có điều, nếu sự cạnh tranh đầu thế kỷ XX từng dẫn tới cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I, thì cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn 100 năm sau khó dẫn tới chiến tranh lớn, do họ nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt lớn và do đan xen với sự hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo thế giới trong những năm tới.
Chuyển biến tích cực trong các chương trình nghị sự toàn cầu
Năm 2013 có những diễn biến tích cực trong các chương trình nghị sự toàn cầu được thể hiện tại Khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) lần thứ 9 và Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 19).
Khóa họp thường niên năm 2013 của ĐHĐ LHQ khai mạc ở Mỹ ngày 24-9-2013 với chủ đề “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”, đã để lại dấu ấn lịch sử bằng việc thông qua những quyết định quan trọng. Đó là, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhất trí thông qua Nghị quyết số 2118 dựa trên cơ sở sáng kiến do Nga đề xuất, xác định lộ trình tiêu huỷ vũ khí hoá học của Syria vào cuối năm 2014, đồng thời loại bỏ hoàn toàn nguy cơ chiến tranh xâm lược vào quốc gia này. Cũng tại Kỳ họp này, Mỹ tuyên bố chính thức ký tham gia Hiệp ước kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu (ATT). Là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, quyết định này của Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng.
Lần đầu tiên kể từ năm 1979, bên lề Hội nghị của ĐHĐ LHQ, lãnh đạo Mỹ và Iran có cuộc tiếp xúc lịch sử, thể hiện sự tan băng trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu với thông điệp “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” trong phiên thảo luận chung tại diễn đàn. Dư luận quốc tế đánh giá cao bài phát biểu này bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tính thời đại cấp thiết của nó, được đúc kết từ chính những trải nghiệm thực tế đầy hy sinh, đau thương và mất mát của Việt Nam trong các cuộc đấu tranh lâu dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 68 tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung 14 quốc gia thành viên mới trong tổng số 47 ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Số phiếu ủng hộ Việt Nam là 184 trên tổng số phiếu bầu 192, đã thể hiện sự ủng hộ của lương tri và lẽ phải của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu về nhân quyền mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc đổi mới hiện nay. Điểm nhấn được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là tại Khóa họp lần thứ 68 ĐHĐ LHQ, tuyệt đại đa số các nước thành viên bỏ phiểu đề nghị bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. 
Năm 1913 cũng là năm đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu với thỏa thuận đột phá mang tính lịch sử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Inđônêxia ngày 7-12-2013 đã đạt được sự đồng thuận về gói cam kết thương mại Bali. Đây là bước đột phá mang tính lịch sử đối với WTO nhằm khai thông các vòng đàm phán Đôha về tự do hóa thương mại toàn cầu từng bị bế tắc suốt 12 năm qua. Một khi thỏa thuận này được thực thi sẽ đem lại 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và tạo ra 21 triệu việc làm.
Cũng trong năm qua, sự kiện siêu bão Haiyan mạnh nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua, gây ra thiệt hại khủng khiếp đối với Philippin, đã có tác động mạnh tới quan điểm của các thành viên tham dự Hội nghị thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-19) được tổ chức tại Vacxava (Ba Lan) từ ngày 11 đến 2-11-2013. COP-19 đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính cho thỏa thuận mới chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Đây là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia hạn chế lượng khí thải độc hại thải ra bầu khí quyển Trái đất.
Điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước lớn
Năm 2013 có thể được coi là “năm của các nước lớn” bởi trong năm nay Tổng thống Barack Obama chính thức nhậm chức nhiệm kỳ 2 ở Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức nhậm chức nhà lãnh đạo đầy quyền lực ở Trung Quốc và ở nước Nga Tổng thống V. Putin bắt đầu triển khai chiến lược phát triển quốc gia tới năm 2020 sau khi trở lại cầm quyền nhiệm kỳ 3 trong năm 2012. Lãnh đạo của ba cường quốc này sẽ góp phần quan trọng tạo ra cục diện chính trị-an ninh quốc tế không chỉ trong năm 2013 mà còn trong nhiều năm tới.
Mỹ: Năm 2013 là năm Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện những giới hạn nhất định của sức mạnh Mỹ ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trong nước, Nhà Trắng tập trung nỗ lực hóa giải mâu thuẫn và bất đồng giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ để khai thông bế tắc liên quan tới việc thông qua ngân sách liên bang trong năm tài chính 2014 và nâng mức trần nợ công lên hơn 17 ngàn tỷ USD. Vì thế, ông đã không thể tham dự Diễn đàn APEC năm 2013 và kết hợp thăm một số nước Châu Á như dự kiến. Nhiều chuyên gia nghiên cứu ở Mỹ nhận định, trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống Barack Obama lựa chọn sự kết hợp giữa “sự rút lui có tổ chức” hay là “sự rút lui có trật tự“ ra khỏi sự dính líu của Mỹ ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới, với những sáng kiến mới nhằm ổn định và phát triển kinh tế, đồng thời duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Theo sáng kiến đó, năm 2013, Mỹ xúc tiến quá trình đàm phán về 2 diễn đàn thương mại là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Hai hiệp định này được coi là trụ cột trong chiến lược toàn cầu của Mỹ trong điều kiện mới, còn được gọi là “Học thuyết Obama”. Tuy nhiên, báo chí thế giới tiết lộ về hệ thống giám sát toàn cầu của Mỹ với quy mô, phạm vi lớn chưa từng có và tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trong đó Mỹ đã từng nghe lén điện thoại của nguyên thủ quốc gia hàng chục nước, trong đó có cả các đồng minh được coi là then chốt của Mỹ như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.. đẩy quan hệ của Mỹ với thế giới còn lại vào sự nghi kỵ và mất tin tưởng chưa từng có. Đây là vụ bê bối chính trị nghiêm trọng nhất kể từ vụ nghe lén điện thoại Oatơghêt (Waterghate) đầu những năm 70 thế kỷ trước ở Mỹ. Vụ bê bối chính trị này đặt “Học thuyết Obama” trước nguy cơ phá sản. 
Nga: Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, nước Nga đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao G-20, xác định chiến lược của Nga tham gia Nhóm các nền kinh tế đang nổi lên BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và thể hiện tiếng nói có ảnh hưởng lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8. Tại Hội nghị G-8, Tổng thống Nga V. Putin đã bảo vệ thành công quan điểm của Nga về vấn đề  Syria trong điều kiện 7 thành viên còn lại của G-8 đều phản đối Nga. Diễn ra trong bầu không khí căng thẳng do mâu thuẫn của lãnh đạo các nước thành viên về chương trình nghị sự, Hội nghị Thượng đỉnh G-8 lần thứ 39 kết thúc với bản Thông cáo chung, nhận được sự đồng thuận của tất cả các bên.
Lần đầu tiên Liên bang Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn các nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi (G-20), với kỳ vọng về một chương trình nghị sự phong phú, tích cực, thiết thực và có hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề chung liên quan đến tất cả các nước trên thế giới. Đồng thời khai thác vai trò Chủ tịch G-20 để giải quyết các vấn đề quốc gia dài hạn, củng cố vị thế của Nga trong hoạt động quản lý nền kinh tế toàn cầu. Cũng trong năm 2013 còn chứng kiến sự điều chỉnh chiến lược của Nga đối với Châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD). Theo đó, Nga chủ động và tích cực tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế CA-TBD; chú trọng hợp tác với các nước khu vực Đông Á; tăng cường liên kết và hợp tác với các nước Đông Nam Á; nhằm mục tiêu dài hạn là xây dựng Liên minh Á-Âu thành một trung tâm của các quá trình liên kết trong tương lai trên lục địa Á-Âu và khu vực CA-TBD. Theo hướng đó,  trong năm 2013, Tổng thống Nga V.Putin đã có chuyến thăm rất thành công tới Việt Nam và Hàn Quốc.
Trên hướng Trung Đông, trong năm nước Nga đã có những bước đi gây ảnh hưởng lớn đối với khu vực này. Đó là sáng kiến “đổi vũ khí hoá học lấy hòa bình ở Syria”; quyết định tái lập quan hệ bình thường với Ai Cập tại Hội thảo theo công thức 2+2 gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước với kết quả Ai Cập sẽ mua vũ khí của Nga trị giá 2 tỷ USD; Nga thiết lập quan hệ bình thường với Irăc với hợp đồng mua bán vũ khí, theo đó Irăc sẽ mua vũ khí của Nga trị giá gần 4 tỷ USD. Năm 2013 đánh dấu sự “khai tử” chủ trương “cài đặt lại” quan hệ giữa Mỹ và Nga do Tổng thống Barack Obama đề xuất sau khi bước vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 1 năm 2009. Giải thích quyết định không gặp Tổng thống Nga V.Putin bên lề Hội nghị G-20 ở Xanh Pêtecbua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng ông cần có “một khoảng lặng để suy ngẫm” về quan hệ Mỹ-Nga. 
Trung Quốc: Chính sách đối ngoại chuyển hướng từ kỷ nguyên “im lặng chờ thời” sang kỷ nguyên chủ động, tích cực trong các quan hệ quốc tế và thể hiện dáng dấp của một quốc gia theo đuổi chiến lược toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc “can dự” ngày càng sâu vào các thể chế chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế. Thể hiện rõ nhất sự chuyển hướng đó là trong chuyến thăm Mỹ tháng 6-2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc cần được Mỹ đối xử như với một đối tác bình đẳng trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Đặc biệt, ngày 23-11-2013 Trung Quốc tuyên bố về quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm không phận trên các nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc-hai đồng minh chiến lược của Mỹ. Oasinhtơn đã tuyên bố, đây là “hành động khiêu khích” và yêu cầu Trung Quốc không nên thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở những khu vực khác ở Đông Á.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 9 đến 12-11-2013. Diễn ra trong bối cảnh thế hệ lãnh đạo thứ 5 bắt đầu thực hiện chiến lược “chấn hưng Trung Hoa” với những thời cơ và thách thức mới trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, Hội nghị đã thông qua những quyết sách mang tính đột phá để tiếp tục công cuộc cải cách sâu rộng và toàn diện ở một quốc gia có dân số gần 1,3 tỷ người và nền kinh tế số 2 thế giới.
Các “điểm nóng” tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lớn
Trong năm 2013 hình thành nhiều “điểm nóng” tiềm ẩn nguy cơ bùng phát chiến tranh lớn, trong đó có cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến tranh ở Mali, chính biến ở Ai Cập, cuộc chiến ở Syria và bạo loạn chính trị ở Ukraina…
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang tới mức chưa từng có, dường như chiến tranh sắp nổ ra giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ và nhật Bản. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng Triều Tiên đã “chuyển sang tình trạng thời chiến” với Hàn Quốc, rằng “Triều Tiên sẽ tiến công đối phương trong trường hợp bị khiêu khích” và “sẽ sử dụng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân để tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ”. Tuy nhiên, đúng vào lúc “điểm nóng” Triều Tiên đang sôi sục, thì ngày 24-5-2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Triều Tiên Choe Ryong-hae và là Đặc sứ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Trung  Quốc và chuyển thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong buổi tiếp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh với Đặc sứ của Bình Nhưỡng rằng, dù cục diện có thay đổi ra sao thì cũng nên kiên trì mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.  Sau chuyến thăm này, “điểm nóng” Triều Tiên bất ngờ hạ nhiệt. Xem ra, trong kịch bản chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có vai trò quyết định của Trung Quốc.
Cũng ở Đông Bắc Á, vào ngày 23-11-2013, việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đã đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên mức cẳng thẳng mới đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản quyết định thành lập Hội đồng an ninh quốc gia theo mô hình của Mỹ và tăng ngân sách quốc phòng để nâng cao khả năng phòng thủ đất nước.
Còn với các “điểm nóng” ở châu Phi, mở đầu là sự kiện ngày 11-1-2013, quân đội Pháp mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali với danh nghĩa “tiêu diệt khủng bố tận cùng”. Đây là cuộc chiến tranh gây nhiều tranh cãi cả bên trong và bên ngoài nước Pháp, cả bên trong và bên ngoài Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương mà Pháp là một thành viên, bởi do đâu trong bối cảnh đang “sa lầy” trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay chưa có lối thoát, nước Pháp lại “dấn thân” vào một “cuộc chiến chống khủng bố” mới. Những câu hỏi khó trả lời nhất là hơn 10 năm nay, một đội quân đông tới gần 150.000 người của Mỹ và NATO đã và đang bị sa lầy trong “cuộc chiến chống khủng bố” ở Apganistan, thì lực lượng của quân đội Pháp chỉ vẻn vẹn vài ngàn người với sự trợ giúp của vài ngàn quân của một số nước châu Phi liệu có thể “tiêu diệt đến tên khủng bố cuối cùng” như tuyên bố của Paris?
Tuy nhiên, “điểm nóng” nhất trong năm 2013 là cuộc xung đột ở Syria bởi đây là cuôc canh tranh và xung đột địa-chính trị cực kỳ phức tạp kéo dài đã gần 3 năm nay. Mượn cớ “Syria sử dụng vũ khí hoá học ở ngoại ô thủ đô Đamat ngày 21-8-2013”, Mỹ và một số đồng minh đã ráo riết điều động binh lực tới các khu vực xung quanh quốc gia này để sẵn sàng tiến hành can thiệp quân sự với cớ “trừng phạt Syria về tội sử dụng vũ khí hoá học giết hại dân thường”. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, vì Syria đã “vượt quá ranh giới đỏ” và do đó Mỹ sẽ phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào quốc gia này mà không cần được phép của HĐBA LHQ. Để sẵn sàng can thiệp quân sự nhằm vào Syria, Mỹ đã tập trung một lực lượng khá hùng hậu ở Trung Đông. Tuy nhiên, kế hoạch chiến tranh này đã bị phá sản sau khi Nga đề xuất sáng kiến chuyển toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria vào quyền kiểm soát của LHQ và sau đó loại bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2014. Sáng kiến này đã được Syria chấp nhận. Trên cơ sở đó, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 2118 về Syria, theo đó, bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào Syria, dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ lý do gì, đều phải thông qua HĐBA LHQ.
Năm 2013 còn chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị ở hai quốc gia tại hai khu vực khác nhau, nhưng đều xuất phát từ cùng một căn nguyên là cạnh tranh và xung đột địa-chính trị lớn trong thế kỷ XXI. Đó là cuộc chính biến ở Ai Cập và làn sóng bạo loạn chính trị ở Ukraina. Ở Ai Cập, cuộc chính biến dẫn tới lật đổ Tổng thống Môhamet Mơxi ngày 3-7-2013 là dấu hiệu phá sản chủ trương chiến lược của Mỹ sử dụng Hồi giáo chính trị như một công cụ để “bình định” vành đai địa-chính trị cực kỳ quan trọng mang tên Trung Đông lớn. Sự kiện này đã dẫn tới sự dịch chuyển địa-chính trị lớn ở Trung Đông, trong đó có sự rạn nứt khó hàn gắn giữa Mỹ với đồng minh chiến lược Arập Xêut, còn Nga và Trung Quốc bắt đầu lấy lại ảnh hưởng ở khu vực này.
Trong khi đó, ở châu Âu, tại Ukraina, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tổ chức vào ngày 28-11-2013 tại thủ đô Vinhut của Cộng hòa Litva, Tổng thống Ukraina, ông Yanucôvich, bất ngờ đưa ra quyết định tạm ngừng ký Hiệp định liên kết Ukraina với Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mạnh mẽ cả ở Ukraina, Mỹ và nhiều nước châu Âu, làm bộc lộ bản chất ván cờ địa-chính trị lớn trên lục địa Á-Âu mà Z.Brezinski - người đã từng là Cố vấn an ninh quốc gia của nguyên Tổng thống Mỹ Gimi Catơ, tác giả của “chiếc bẫy chính trị” dụ Liên Xô vào Apganixtăng đầu những năm 1980 để rồi sa lầy ở đó, đã từng dự báo trong chuyên luận nổi tiếng của ông có tựa đề “Bàn cờ lớn” ấn hành vào năm 1997. Zbignev Brezinski nhận định: “Không có Ukraina, Nga sẽ không bao giờ trở thành siêu cường. Một khi giữ được Ukraina, nước Nga sẽ trở thành siêu cường. Trật tự thế giới mới với vai trò bá chủ của Mỹ sẽ được hình thành để chống lại Nga và dựa trên “các mảnh vỡ” từ sự sụp đổ của nước Nga. Đối với Mỹ, Ukraina là tiền đồn của phương Tây không để Nga phục hồi vị thế siêu cường như Liên Xô trước đây”.
Khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng giá trị châu Âu
Trong cả năm 2013 giới lãnh đạo và dư luận ở châu Âu ít nhắc đến chuyện khủng hoảng nợ bởi dường như tình hình ở khu vực sử dụng đồng tiên chung euro (Euroxone) đã đi vào “ổn định tương đối”. Tuy nhiên, sự “ổn định” đó chỉ là cái vẻ hào nhoáng bên ngoài. Cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp tiếp ngay sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Italia trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3-2013 đã bộc lộ tất cả, làm tiêu tan hy vọng về một sự phục hồi để đi vào phát triển. Thậm chí, giới phân tích chính trị quốc tế đưa ra nhận định không chút cường điệu rằng, cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế ở Liên minh châu Âu (EU) tiếp sau cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008 đã dẫn tới thảm hoạ nhân đạo, thể hiện ở chỗ sụp đổ một thế giới mà người dân châu lục này đã từng quen sống, là sự sụp đổ quan hệ đối tác giữa nhà nước và xã hội, giữa chủ nghĩa xã hội và tư bản. Phạm vi và quy mô sút giảm các tiêu chuẩn sống trong xã hội châu Âu đang gây ấn tượng và tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân về các giá trị một thời đã từng làm cho châu lục này trở thành “miền đất hứa” của người di cư đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Thay vì áp dụng các biện pháp bảo hiểm xã hội, tiến hành phân phối lại thu nhập công bằng hơn và cứu trợ các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất, thì chính phủ các nước và lãnh đạo các cơ quan chung của EU lại thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Ngân sách của EU năm 2013 bị cắt giảm tới 25%, dẫn tới thâm hụt ngân sách 50 tỷ euro. Chính sách tài khoá của EU khiến cho các vấn đề xã hội ngày càng trở nên gay gắt, trầm trọng. Theo các chuyên gia phân tích hệ thống chính trị ở châu Âu, thế giới đang chứng kiến quá trình sụp đổ đề án đối tác xã hội trong các nước EU. Đề án này đã từng một thời có sức hấp dẫn đối với toàn thế giới và người ta thường gọi là châu Âu là “miền đất hứa”. Trong điều kiện hiện nay, châu Âu sẽ không thể tiếp tục phát triển kinh tế nếu không tiến hành phân tích một cách sâu sắc các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, không đánh giá lại các giá trị, không tư duy lại các nền tảng tư tưởng cho sự tồn tại của EU và không tìm kiếm các mô hình tương tác mới đối với thế giới còn lại. Sau hơn 4 năm “vật lộn” với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, cả bên trong và bên ngoài EU không còn ai nghi ngờ về cuộc khủng hoảng sẽ chưa thể kết thúc sớm. Vì thế, lãnh đạo nhiều nước thành viên EU nhận thấy đã tới lúc phải thay đổi EU một cách căn bản.
Sự vươn lên của châu Phi trong một thế giới bất ổn
Trên thế giới hiện nay, không một châu lục nào đứng trước sự bất ổn như châu Phi do nhiều nguyên nhân. Đó là, trong khi tàn dư của chủ nghĩa thực dân cũ chưa được khắc phục thì lại đứng trước nguy cơ chủ nghĩa thực dân mới thời đại toàn cầu hoá; nạn đói nghèo vẫn hoành hành; chủ nghĩa khủng bố lan tràn và sự giằng xé của các nước lớn trong cuộc cạnh tranh và xung đột địa-chính trị ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, trong điều kiện vô cùng khốn khó đó, lục địa đen vẫn đang cố vươn mình lên trong một thế giới đầy biến động. Những cuộc hội thảo, hội nghị, diễn đàn trong tháng 5 và 6-2013 đã chứng tỏ xu hướng đó như Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Trung Đông và Bắc Phi khai mạc tại thủ đô Aman của Gioocđani ngay 26-5-2013, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 21 và kỷ niệm 50 năm “Ngày châu Phi” 25-5--1963 với sự tham dự của lãnh đạo 53 nước thành viên và đông đảo đại diện các chính phủ, các tổ chức kinh tế, xã hội quốc tế. Cũng trong năm 2013, Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi-Arập lần thứ 3 diễn ra tại Côoet thể hiện mong muốn của hai khu vực có được những cam kết chung và muốn thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa.
Báo cáo 2013 về khả năng cạnh tranh của châu Phi do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) phối hợp soạn thảo, được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Phi lần thứ 23 (Diễn đàn 23), tổ chức tại thành phố Cape Town (Nam Phi), từ ngày  8 đến 10-5-2013, khẳng định những tiềm lực to lớn, sức cạnh tranh đang vươn lên mạnh mẽ của “lục địa đen”. Theo IMF, năm 2013, châu Phi vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ 5%-6% nhờ giá dầu thô vẫn giữ ở mức cao và một phần do tiêu dùng trong nước tăng. Trong số 20 nước trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2013-2017, châu Phi chiếm đa số với các đại diện, gồm Libi, Ginê, Nam Xuđăng, Ruanđa, Dămbia, Côtđivoa, Gana, Môdămbich, Cônggô, Tandania, Kênia, Êtiôphia./.

Đại tá Lê Thế Mẫu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất