Theo Tổng cục Thống kê, tình hình thu chi ngân sách từ đầu năm đến nay có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, tổng thu từ đầu năm đến 15/4 đạt
201,4 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm còn thấp, thể
hiện tiến độ thực hiện kế hoạch còn chậm. Chính phủ không có chủ trương
điều chỉnh kế hoạch cả năm, nên nhiệm vụ còn lại từ nay đến hết năm còn
rất nặng nề (nếu bình quân 1 tháng tính từ đầu năm đến 15/4 mới đạt
57,54 nghìn tỷ đồng, thì 8,5 tháng còn lại phải thực hiện 72,24 nghìn tỷ
đồng/tháng. Đó là nhiệm vụ không dễ dàng. Cùng kỳ năm trước tỷ lệ thực
hiện cao hơn, nhưng phải đến những ngày cuối cùng của năm mới thực hiện
được dự toán.
Thứ hai, xét các khoản thu lớn, có thể thấy
sự chuyển dịch về cơ cầu và tỷ lệ thực hiện có sự khác nhau so với dự
toán năm. Thu từ nội địa là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng
thu đạt 133,9 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện khoản thu lớn này so với
dự toán năm thấp hơn tỷ lệ chung của tổng thu. Do vậy, tỷ trọng thu nội
địa trong tổng thu thực hiện thấp hơn tỷ trọng theo dự toán năm (66,5%
so với 67%). Trong tổng thu nội địa, thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt
40,1 nghìn tỷ đồng, mới đạt 23% dự toán cả năm. Đây là khoản thu lớn
nhất trong tổng thu nội địa, nhưng tỷ lệ đạt so với dự toán cả năm thấp
nhất, nên tỷ trọng khoản thu này trong tổng thu thực hiện đạt 29,9%,
thấp hơn tỷ trọng theo dự toán năm (31,9%). Thu từ doanh nghiệp có vốn
đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) - khoản thu lớn thứ hai
trong tổng thu nội địa - đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, đạt 29,2% dự toán cả
năm, cao nhất trong các khoản thu nội địa. Nhờ vậy, tỷ trọng trong tổng
thu này thực hiện đã cao hơn tỷ trọng theo dự toán thu (23,4% so với
19,6%).
Đạt được kết quả trên chủ yếu do khu vực FDI có tốc
độ tăng trưởng cao hơn khu vực kinh tế trong nước cả về sản xuất và xuất
khẩu (4 tháng so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của doanh
nghiệp FDI - không kể dầu thô - tăng 25,3%, trong khi của khu vực kinh
tế trong nước chỉ tăng 7% và dầu thô chỉ tăng 6,5%). Thu thuế công
thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước - khoản thu lớn thứ ba trong
tổng thu nội địa - đạt 28,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23,9% dự toán cả năm,
thấp hơn tỷ lệ đạt chung. Do vậy, tỷ trọng trong tổng thu nội địa của
khoản thu này thực hiện cũng thấp hơn dự toán (21,5% so với 22%). Thu
thuế thu nhập cá nhân là khoản thu lớn thứ tư trong tổng thu nội địa,
ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, đạt 28,3% dự toán năm, cao hơn tỷ lệ thực
hiện chung. Nhờ vậy, tỷ lệ trong tổng thu nội địa thực hiện đạt 11,4%,
cao hơn tỷ trọng theo dự toán (10%). Thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt
3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% dự toán cả năm - thấp hơn tỷ lệ thực hiện
của tổng thu, nên tỷ trọng trong tổng thu nội địa thực hiện thấp hơn dự
toán (2,5% so với 2,6%). Thu phí và lệ phí ước đạt 2,7 nghìn tỷ đồng,
bằng 25,8% dự toán cả năm, cao hơn tỷ lệ thực hiện chung. Tỷ trọng trong
thu nội địa thực hiện cao hơn tỷ trọng theo dự toán (2% so với 1,2%).
Thu từ dầu thô ước đạt 34,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35%
dự toán cả năm - cao nhất trong các khoản thu. Kết quả này đạt được do
lượng xuất khẩu dầu thô đạt gần 2,8 triệu tấn, tăng 16,6%, kim ngạch đạt
gần 2,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tỷ lệ đạt so
với dự toán như trên, nên tỷ trọng trong tổng thu ngân sách thực hiện đã
cao hơn tỷ trọng trong dự toán (17,2% so với 12,1%).
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu
ước đạt 32 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 19,2% dự toán cả năm - thấp xa so với
tỷ lệ thực hiện của tổng thu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng khá
(16,9%) nhưng nhập khẩu tăng cao hơn trước (18%) do một số mặt hàng có
thuế suất cao thì kim ngạch lại bị giảm so với cùng kỳ năm trước, như ô
tô (giảm 1,2%), xe máy (giảm 27,5%, trong đó nguyên chiếc giảm 8%)...
Mặt khác, theo cam kết hội nhập, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ ngày một
giảm. Tỷ trọng thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong
tổng thu ngân sách thực hiện thấp hơn tỷ trọng theo dự toán năm (15,9%
so với 20,4%).
Thứ ba, tổng chi tính từ đầu năm đến 15/4
ước đạt 258 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% dự toán cả năm, trong đó chi đầu
tư phát triển đạt 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 27,2% dự toán năm, chiếm
18,5% tổng chi; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an
ninh, quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể ước đạt 182,1 nghìn tỷ đồng, bằng
27% dự toán năm, chiếm 70,6% tổng chi; chi trả nợ, viện trợ đạt 28,2
nghìn tỷ đồng, bằng 26,8% dự toán năm, chiếm 10,9% tổng chi.
Thứ tư, do tổng chi lớn hơn tổng thu và tỷ
lệ so với dự toán năm của tổng chi cao hơn của tổng thu, nên tỷ lệ của
bội chi thực hiện đến 15/4 so với dự toán cả năm cao hơn của thực hiện
so với dự toán năm của tổng thu. Cần chú ý, do tốc độ tăng giá tiêu dùng
năm nay thấp, nên tốc độ tăng GDP tính theo giá thực tế năm nay sẽ
không cao. Vì vậy, với mục tiêu bội chi/GDP là 4,8%, thì mức bội chi
tuyệt đối cũng có thể không lớn như dự toán. Đây là một cảnh báo cần
thiết, bởi thu, chi ngân sách không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ
máy Nhà nước, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, mà bội chi
còn ảnh hưởng đến nợ công, đến lạm phát...
Trong phiên họp thường kỳ tháng 4/2013, Chính phủ đã
tái khẳng định, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2013 là rất nặng nề, đòi hỏi
phải quyết liệt, năng động sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhóm giải
pháp để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tập trung vào một số
nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ về tài chính. Về mặt này,
Chính phủ đã đề ra “kiên quyết bảo đảm kế hoạch thu, chi, bội chi ngân
sách Nhà nước. Trước hết, đối với nhiệm vụ chi quan trọng, nếu có khó
khăn sẽ xem xét áp dụng các biện pháp như tạm ứng, cho vay. Đồng thời,
phải tăng cường thực hiện tiết kiệm chi, nhất là chi hội họp, tiếp
khách, đi nước ngoài...”
Trong điều kiện không điều chỉnh kế hoạch thu, chi,
bội chi ngân sách thì cần quan tâm đến khâu thu ngân sách, với 2 vấn đề
đáng chú ý, đó là nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, bởi thu ngân sách
là hiệu quả của hiệu quả, đồng thời chống thất thu, nhất là thất thu do
buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế...
Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn