Thứ Sáu, 4/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 28/4/2012 14:38'(GMT+7)

Nhìn thẳng vào yếu kém, vượt qua cám dỗ để hoàn thành nhiệm vụ

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh" VGP/Lê Sơn

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh" VGP/Lê Sơn

 Nghị quyết Trung ương 4 đang được cơ quan Thanh tra Chính phủ triển khai sâu rộng trong toàn ngành. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng để ngành Thanh tra nói riêng vừa đánh giá đúng thành tựu, vừa nhìn thẳng vào yếu kém, tồn tại để Nghị quyết của Đảng trở thanh kim chỉ nam cho hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và những trăn trở của mình với phóng viên CTTĐT Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được cơ quan Thanh tra Chính phủ triển khai như thế nào, thưa Tổng Thanh tra?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Nhận thức Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) có ý nghĩa rất quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm, vì thế, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã báo cáo nhanh kết quả hội nghị và nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 tới toàn thể đảng viên trong cơ quan Thanh tra Chính phủ; ban hành Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/02/2012 về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong tháng 4/2012, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ cũng đã phối hợp với Đảng ủy Thanh tra Chính phủ tổ chức 2 hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 15 - CT/TW ngày 24/02/2012, Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên của cơ quan Thanh tra Chính phủ và 1 hội nghị dành cho hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị.

Cuối tháng 4 vừa qua, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết TW4 với những mục đích, yêu cầu đặt ra là: kiểm điểm tự phê bình và phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, dựa trên nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, xác định rõ những thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân để có biện pháp khắc phục; giải pháp thực hiện phải đồng bộ, toàn diện, kiên trì, không nôn nóng, thận trọng, nghiêm túc; triển khai thực hiện nghị quyết gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, bảo đảm giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ.

Theo kế hoạch, trong tháng 5 Thanh tra Chính phủ sẽ xin ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân đối với tập thể và từng thành viên Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, sau đó là chuẩn bị báo cáo và tổ chức hội nghị kiểm điểm theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương vào khoảng cuối tháng 7/2012, hoàn chỉnh báo cáo gửi Trung ương trong tháng 8/2012; đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, việc kiểm điểm cũng phải hoàn thành trong tháng 8/2012.

Cần loại bỏ những hạn chế, yếu kém ở mỗi cán bộ thanh tra

Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm hạn chế của một số bộ phận cán bộ, đảng viên. Ông đánh giá  thực trạng này như thế nào trong cán bộ, đảng viên ngành Thanh tra hiện nay?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Những năm qua, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra đã tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Luôn cố gắng, nỗ lực trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của công chức, viên chức với Nhà nước, với nhân dân, thực hiện các quy định về văn hoá công sở, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra khi thi hành công vụ; không ngừng học tập nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả, thành tích công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và toàn ngành, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, việc thực hiện các quy định về văn hoá công sở và các quy chế trong hoạt động thanh tra của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế; hiệu quả công tác, tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao; tình trạng cục bộ, chọn việc dễ, tránh việc khó vẫn còn; tinh thần đoàn kết thống nhất, cộng đồng trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, có lúc, có nơi biểu hiện mất đoàn kết; cá biệt có người vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, phát ngôn thiếu văn hoá, hạch sách, gây phiền hà cho các đối tượng thanh tra để vụ lợi…, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra, đến uy tín của ngành Thanh tra.

Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, Cơ quan Thanh tra Chính phủ đã quyết định xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách 3 công chức, cảnh cáo 1 công chức, buộc thôi việc 1 công chức; cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 1 công chức lãnh đạo cấp Vụ về hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ.

Công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 ngày 27/02/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên là “sa vào chủ nghĩa cá nhân” và nếu “ không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”. Theo ông, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân ích kỷ” trong ngành Thanh tra cần được triển khai ra sao để việc này không chiếu lệ, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân?.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ thanh tra theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/02/2012 “Về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong thời gian tới cần tập trung triển khai nghiêm túc các nội dung trên, đồng thời thực hiên tốt những nhiệm vụ, giải pháp lớn như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ công chức ngành thanh tra. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn cán bộ vào công tác trong ngành Thanh tra, đặc biệt là đảm bảo tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ và quy trình tuyển dụng cán bộ.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức, đồng thời chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ. Các cơ chế chính sách của Đảng và nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của ngành điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của thanh tra phải được quan tâm nghiên cứu để hoàn thiện, sửa đổi khi cần thiết  nhằm phục vụ kịp thời cho phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm.

Đặc biệt, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, trong toàn ngành, đặc biệt là: Công khai minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tập trung các lĩnh vực cụ thể như mua sắm tài sản công, quản lý dự án đầu tư, xây dựng, tài chính và ngân sách nhà nước, huy động sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, nghiên cứu khoa học, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác cán bộ và bố trí sắp xếp cán bộ cho các đoàn thanh tra…

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức thanh tra và Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra. Tiếp tục thực hiện minh bạch tài sản của cán bộ, công chức thanh tra theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu theo Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ Quy định chế độ, trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/ 9/2006 của Chính phủ Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách…

Thưa ông, thanh tra là một ngành nhạy cảm, vất vả nhưng cũng thường xuyên đối mặt với các cám dỗ về vật chất, quyền lợi. Vậy, ngành Thanh tra đã và sẽ làm gì để hạn chế những cám dỗ đó?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Xin cám ơn sự cảm thông của phóng viên đối với những khó khăn vất vả, phức tạp của công tác thanh tra. Cũng từ nhận thức được điều đó nên Ban cán sự đảng và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã và sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau: Thường xuyên chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành; phát huy tính tự giác, tinh thần tiền phong gương mẫu trong công tác cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, tuyên truyền giáo dục pháp luật, tổ chức học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động trong ngành thanh tra.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy chế của ngành (quy chế hoạt động đoàn thanh tra, Quy chế văn hóa công sở, Quy tắc ứng xử của thanh tra viên…), việc chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị số 345/CT-TTCP ngày 23/02/2012 “Về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát của các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ; đổi mới công tác tuyển dụng công chức làm công tác thanh tra nhằm lựa chọn được người thực sự có tâm, có tầm, hết lòng vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng và  nêu gương điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, cương quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, pháp luật, vi phạm quy chế hoạt động đoàn thanh tra, quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức thanh tra…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất