Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 27/4/2009 17:9'(GMT+7)

Nhớ ngày Bác Hồ về Cổ Đô

UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tặng hoa & quà cho thương binh ở xã Cổ Đô (Ba Vì-Hà Nội) - Ảnh minh hoạ

UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tặng hoa & quà cho thương binh ở xã Cổ Đô (Ba Vì-Hà Nội) - Ảnh minh hoạ

Cách đây 31 năm, vào tháng 7-1958, hàng vạn ha lúa mùa của nhân dân thuộc huyện Quảng Oai, Sơn Tây (Ba Vì, Hà Nội) đột nhiên bị đại dịch sâu, bọ tàn phá có nguy cơ vụ mùa này mất trắng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mỗi người dân trong huyện.

Được tin, ngày 8-7, Bác Hồ đã về Cổ Đô, nơi xảy ra nạn dịch trầm trọng nhất. Người trực tiếp thị sát đồng ruộng, thăm hỏi chính quyền, nhân dân địa phương và phát động phong trào thi đua bắt sâu cứu lúa. Hưởng ứng lời Bác, hàng ngàn người, không kể già trẻ cùng cán bộ, đảng viên trong xã đã hăng hái xuống đồng. Ngày, đêm đồng ruộng Cổ Đô sáng rực đèn đuốc và bằng nhiều cách, phương tiện, chỉ trong vài ngày đã bắt được hàng tạ sâu bọ, kịp thời cứu được vụ mùa tưởng như sắp phải buông trôi.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tiếp nối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó, lại có hàng trăm thanh niên nam, nữ lên đường ra tiền tuyến chiến đấu. Nhiều người lập công lớn, không ít chiến sĩ đã hy sinh anh dũng ngoài mặt trận, góp phần vào chiến thắng của toàn dân tộc.

Hòa bình, thống nhất Tổ quốc, nhân dân xã Cổ Đô vì những thành tích và công lao to lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, với vị trí là xã ven Sông Hồng, nhưng không thuận cho phát triển giao thông đường thủy, chỉ duy nhất có một con đường đất đỏ nhỏ bé là nhánh rẽ của đường quốc lộ 32; không có thị tứ, cách xa thành phố Sơn Tây, nên có thể gọi Cổ Đô là địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, vì vậy việc sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa là vô cùng khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đa phần là tự cung tự cấp...

Nhớ lời Bác dặn, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân đã đoàn kết một lòng tìm ra nhiều cách làm mới, phá thế độc canh cây lúa, tạo thêm ngành nghề dịch vụ, mở mang chợ búa, xây dựng bến xe, nhà nước cùng nhân dân nâng cấp đường đất đỏ thành đường ô tô để giao thông thuận lợi, nhờ đó mà đời sống hàng ngàn dân trong xã đã dần dần được cải thiện. Nay không còn hộ đói, nghèo (tỉ lệ còn dưới 1%). Đường làng, lối xóm, đồng ruộng được thủy lợi hóa bằng bê tông, đời sống tinh thần phong phú, nề nếp sinh hoạt văn minh hơn, không có trẻ em thất học hay bị mù chữ.

Là một trong những địa phương có số học sinh đỗ vào đại học cao nhất trong tỉnh Hà Tây (cũ), mỗi công dân làng xã Cổ Đô đều ý thức về truyền thống lâu đời mảnh đất mình đang sống và luôn tự hào về các bậc tiền nhân với không ít những tên tuổi lớn trong dòng văn hiến của dân tộc như hai vị Trạng nguyên là Nguyễn Bá Lân và Nguyễn Sư Mạnh đã để lại cho đời những dấu ấn quan trọng trong văn học Hán Nôm (Hậu Lê). Tiếp nối truyền thống văn vật đó, Cổ Đô có đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ đông đảo hoạt động trong nhiều lĩnh vực, không hổ thẹn với cha ông. Đặc biệt ngày nay, có trên 30 họa sĩ được đào tạo trong các trường nghệ thuật quốc gia, sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị. Để bảo tồn vốn quý đó cho làng xã, Bộ Văn hóa-Thông tin đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà bảo tàng Mỹ thuật xã. Nơi ấy còn để cho mọi tầng lớp nhân dân đến nghỉ ngơi giải trí, học tập. Với bề dày lịch sử và sự hoạt động sôi nổi, đạt được nhiều thành tựu cùng với thiết chế làng xã, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa làng xã trong sáng, Cổ Đô đã được Nhà nước tặng Danh hiệu xã văn hóa trong thời kỳ đổi mới.

Nhân dân xã Cổ Đô, mỗi khi nhắc đến ngày 8-7-1958 là dịp ghi sâu lời căn dặn của Bác. Để ghi nhớ ngày trọng đại đó, cán bộ, nhân dân địa phương đã trồng cây đa, làm nhà lưu niệm, dựng tượng Bác bằng đồng cùng bia đá để lại cho muôn đời sau kể về sự thật một bậc vĩ nhân, về lãnh tụ, về Người cha của dân tộc Việt Nam là Hồ Chí Minh đã đứng ở đây trong thời điểm mang tính lịch sử quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân vượt qua những thời khắc khó khăn, ổn định sản xuất. Nhờ đó mà nhân dân Cổ Đô đã được hun đúc tinh thần, nghị lực vươn lên bảo vệ đất nước, xây dựng quê hương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Ngô Bình Thiểm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất