Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 3/4/2009 9:52'(GMT+7)

Nhức nhối bản quyền tác giả trong mỹ thuật

Tại một cửa hàng sao chép tranh ở HN

Tại một cửa hàng sao chép tranh ở HN

Hội thảo do Hội Mỹ thuật VN phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT Đà Nẵng, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Dự án Điêu khắc Đà Nẵng, Hiệp hội Phát triển Bản quyền Na Uy (NORCODE), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH, TT & DL) tổ chức.

Tranh giả: vô tội vạ!

Họa sĩ  Trịnh Hoàng Tân (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Trị) bức xúc, nạn tranh giả đang trở thành vấn đề nhức nhối của mỹ thuật Việt, không những ảnh hưởng đến tên tuổi của các danh hoạ nổi tiếng mà còn tác động không nhỏ đến uy tín của cả nền mỹ thuật quốc gia. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đô thị cổ Hội An... hiện có hàng trăm các cửa hàng bán tranh, trong đó tranh giả, tranh nhái được bày bán ngang nhiên như thách thức. Tranh của các danh hoạ VN được sao chép vô tội vạ, đơn cử là chuyện một hãng đấu giá nước ngoài mới đây đã công khai đấu giá tranh giả của danh hoạ Bùi Xuân Phái để kiếm lời. Tranh sao chép tác phẩm của các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ... cũng nhiều vô kể. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005, trong số các tác phẩm đoạt giải, có tác giả “đạo tranh”, song chỉ bị thu hồi giải thưởng mà không bị pháp luật xử lý  nghiêm khắc.

Họa sĩ Trần Nhơn (Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng) cho biết, ở Hội An có một số họa sĩ từ các nơi khác đến sinh sống, họ tự thuê nhà, tự mở gallery, tự vẽ, tự mình bán tranh của mình. Người dân phố cổ Hội An cũng tự trang hoàng nhà cửa của mình, đi học tiếng Anh rồi cũng tự vẽ tranh và tự bán. Giá cả tùy theo thoả thuận giữa chủ và khách du lịch. Nhưng đáng buồn là bên cạnh đó còn có không ít người làm tranh nhái, tranh giả với nhiều thủ thuật khác nhau. Thị trường tranh ở Hội An vì thế ít nhiều đã làm mất lòng tin của du khách, ảnh hưởng đến diện mạo của một phố cổ nổi tiếng trên thế giới.

Trước tiên là Bùi Xuân Phái và các tác phẩm của ông, thứ đến là Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng  và Nguyễn Phan Chánh thuộc "nhóm nguy cơ". Có thể nói bây giờ khó mà trông thấy một bức tranh tự tay Nguyễn Phan Chánh vẽ. Tương lai là Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tiến Chung,... ngay cả những họa sĩ đang sống và còn trẻ như Đỗ Quang Em, Bùi Hữu Hùng, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong,... tranh giả đầy rẫy mọi nơi. (Nhà PBMT Phan Cẩm Thượng)

Gỡ rối thế nào?

Họa sĩ Vi Kiến Thành (Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH,TT & DL) nêu: Cần tổ chức hiệp hội các Gallery nghệ thuật để có sự phối hợp, phổ biến, bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm trong các hoạt động của Gallery ở trong và ngoài nước. Các cơ quan báo chí cần phối hợp và ủng hộ tuyên truyền, lên án những vụ việc vi phạm để tạo áp lực xã hội đối với những hành vi vi phạm quyền tác giả trong mỹ thuật. Đồng thời, cần có sự phối hợp của các Bộ, Ban, ngành và toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chính ý thức, đạo đức nghề nghiệp của các nghệ sĩ.

Còn theo họa sĩ Uyên Huy (Chủ tịch Hội  Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), mặc dù 4 năm qua đã nghe nói nhiều về Công ước Berne về quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ, Quyền Sở hữu công nghiệp, nhưng trên thực tế  có đến trên 80% giới sáng tác chưa tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ vấn đề này.

Hội thảo cũng là dịp để giới mỹ thuật VN trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cùng phía Na Uy trong việc quản lý bản quyền đối với các nghệ sĩ mỹ thuật ở đất nước này.

Họa sĩ Đỗ Phấn nhấn mạnhviệc hướng đến một công chúng mỹ thuật lành mạnh, trình độ thẩm mỹ cao. Ông cho rằng, ngay đến họa sĩ cũng không phải tất cả đều biết xem tranh. Và cũng không thể ao ước có một số lượng đông đảo như công chúng của điện ảnh, bóng đá, ca nhạc, hoa hậu... Không có cách nào khác việc tôn vinh giá trị tác phẩm và tác giả mỹ thuật bằng các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên trong lĩnh vực này cũng cần hết sức lưu ý đến trình độ chuyên môn của những người viết về mỹ thuật.  

        Vanhoa 0nline

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất