Cho đến hôm nay, tôi vẫn lưu giữ một kỷ
niệm sâu sắc đối với Ông là vào đầu xuân năm 1971, vừa ăn Tết được một
tuần, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thép Mới mời tôi lên phòng làm việc
truyền đạt ý kiến của Tổng Biên tập Hoàng Tùng: Cử Hồng Vinh ngày mai
bám theo xe của Ban Thanh niên xung phong 67 vào Trường Sơn làm nhiệm vụ
Phóng viên quân sự.
Anh Thép Mới chỉ nói ngắn gọn: Vào Ban 67, họ sẽ
giúp cậu liên hệ với Đại tá Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 và Đại tá
Đặng Tính, Chính ủy để các anh ấy giúp đỡ thâm nhập cuộc sống lao động
và chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong trên các tuyến mặt trận
để viết bài cổ vũ khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Trên đường từ Hà Nội vào Trường Sơn, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì
được nhập đoàn quân ra trận, nhưng lo vì cả hai người lãnh đạo Đoàn 559,
tôi chưa hề biết mặt. “Bảo bối” trong túi tôi chỉ là bức thư của anh
Thép Mới gửi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính. Vì vậy, đến
trạm gác thứ ba để vào trung tâm “đại bản doanh” của Đoàn 559 đóng ở cây
số 10, đường 33, tôi bị chặn lại vì “không có Quyết định của Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử vào Trường Sơn công tác”.
Chờ
đến quá nửa đêm, Đại tá Đặng Tính, quần xắn trên đầu gối, lội suối ra
gặp tôi ở phòng chờ và thông báo: “Bọn mình vừa báo cáo qua đường dây
việc Hồng Vinh vào đây, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào hoan
nghênh và nói: “Các thủ tục sẽ bổ sung sau. Trước mắt, cần tạo điều kiện
cho Hồng Vinh sớm tiếp cận thực tế lao động và chiến đấu trên các tuyến
đường Trường Sơn”. Thực hiện Chỉ thị đó, 19 giờ tối mai, cậu chuẩn bị
đi xe cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên xuống một số binh trạm kiểm tra công
tác chiến đấu”. Tôi thở phào nhẹ nhõm và xếp gọn tư trang để dễ dàng
“nhập cuộc”.
Đúng 19 giờ, một chiếc xe U-oát do Liên Xô chế tạo dừng
trước cửa, một người cao to, vạm vỡ, đầu đội mũ sắt, mở cửa xe bước ra,
giọng miền trung: “Chào Hồng Vinh đã vô đây chia lửa với bọn mình”. Vừa
nói, Ông vừa cầm cái mũ sắt đã chuẩn bị sẵn, chụp lên đầu tôi và dặn: “Ở
đây bom đạn giội xuống bất thình lình, cậu cần luyện đức bình tĩnh, làm
theo nghiêm túc các chỉ lệnh của mình nhé!”.
Chiếc xe lao đi trong đêm
lắc lư, nghiêng trái, nghiêng phải, bên cạnh là vực sâu hun hút, chốc
chốc trên trời lại lóe lên chùm pháo sáng từ máy bay địch. Đến hai giờ
sáng thì xe chạy trên đoạn suối, dài hàng ki-lô-mét, nước ngập lưng ống
chân, bên trên có nhiều cây xòe tán như các vòng ngụy trang nhân tạo.
Ông quay sang hỏi tôi: Cảm xúc ban đầu của nhà báo thế nào? Tôi thưa:
“Có rất nhiều cảm xúc ạ, nhưng em yên tâm vì được đi cùng Tư lệnh”.
6
giờ sáng, xe dừng lại Trung tâm chỉ huy Binh trạm 31, các đồng chí lãnh
đạo đã tề tựu đông đủ. Ông giới thiệu tôi và căn dặn đơn vị phải tạo
điều kiện cho phóng viên có nhiều tư liệu viết bài đăng trên báo Đảng.
Sau khi chỉ thị các công việc rất cụ thể cho Binh trạm, Ông nói: “Hồng
Vinh ở đây thâm nhập thực tế nhé, ba hôm sau mình sẽ quay lại đón đến
Binh trạm khác”. Đúng hẹn, Ông lại đón tôi sang Binh trạm 37;
Ông yêu cầu lãnh đạo đơn vị phòng không dẫn tôi ra các ụ pháo và xem
nơi ăn, chốn ở tạm thời. Không khí thân tình và niềm lạc quan của bộ đội
và thanh niên xung phong ở hai binh trạm đã giúp tôi quên cả mệt nhọc
và nỗi lo bom đạn; ba bài viết của tôi nhanh chóng được ra đời trong căn
hầm chìm sâu dưới lòng đất, bên ngọn đèn dầu lạc, muội đèn đen cả cằm,
má và hai lỗ mũi...
Ông căn dặn các binh trạm tìm cách nhanh nhất gửi
bài viết của tôi ra Tòa soạn tại 71 Hàng Trống, Hà Nội. Tôi đã vỡ òa
hạnh phúc sau 13 ngày đêm, bài phóng sự “Theo Bác mở đường” đã được đọc
toàn văn qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Những bài viết sau này qua
nhiều Binh trạm và các đơn vị chiến đấu trên đường Trường Sơn, tôi không
thể nào quên sự quan tâm, động viên của Ông dành cho tôi từ những ngày
đầu...
Năm 1974, biết tin Ông là một trong hai Đại tá được phong quân hàm
vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, tôi mang hoa đến chúc mừng, Ông cười
đôn hậu: “Đó là chiến công chung của Đoàn 559, trong đó có sự góp sức
động viên khí thế chiến đấu, mở đường của nhiều nhà báo, nhà văn”. Tôi
vui lây vì hiểu rằng, phần thưởng cao quý ấy (sau này, ông được nhận
thêm Huân chương Sao vàng) dành cho vị Tư lệnh có trí tuệ và bản lĩnh,
đã chỉ đạo thành công một chủ trương lớn của Bộ Chính trị lúc bấy giờ
là: tăng cường đưa các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào Trường Sơn để
mở đường bằng cơ giới là chính, nhằm đáp ứng yêu cầu vận chuyển đạn
dược, lương thực, thuốc men với khối lượng ngày càng lớn để kịp phục vụ
các chiến dịch, nhất là lúc ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đoàn 559, Ông thân tình mời
tôi góp ý kịch bản và duyệt phim truyền thống. Trong quá trình ấy, qua
việc tìm hiểu nhiều tư liệu, tôi mới hiểu rõ cuộc đời oanh liệt của vị
tướng, mà trước năm 1945 từng tham gia Ban chỉ đạo Tổng khởi nghĩa Tháng
Tám, là Tỉnh đội trưởng Quảng Bình; là một trong những đại biểu trẻ
nhất mới 23 tuổi, được bầu vào Quốc hội khóa I đầu tiên của nước ta năm
1946.
Năm 1977, theo yêu cầu của Đảng, Ông rời quân ngũ, nhận nhiệm vụ
Bộ trưởng Bộ Xây dựng; năm 1982, Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ
Chính trị khóa V (khóa VI là Ủy viên Bộ Chính trị), giữ chức Phó Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; năm 1986
phụ trách xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, bưu điện.
Năm 1979, Ông
được điều động trở lại Quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu
Thủ đô.
Điều có ý nghĩa lịch sử là, về cuối đời, mặc dù tuổi đã cao,
Ông vẫn được Đảng tín nhiệm giao nhiệm vụ là cố vấn đặc biệt của Thủ
tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo nhà nước về xây dựng quốc lộ Hồ
Chí Minh (quốc lộ Trường Sơn). Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trường
Sơn vui mừng được gặp lại vị tướng năm xưa đã cùng sẻ chia đạn bom, gian
khó, nay lại đi khảo sát mở con đường mới mang tên Bác Hồ.
Hơn tám thập
niên tham gia cách mạng, dù ở cương vị nào, Ông đều làm việc hết mình,
sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân.
Tôi nhớ lời Ông tâm
sự: “Công việc trong chiến tranh và hòa bình đều có những áp lực, nhưng
mang tính chất khác nhau. Điều quan trọng là, không thể khư khư bám giữ
quan điểm chỉ đạo chiến tranh để áp dụng trong chỉ đạo thời bình xây
dựng”.
Ông tâm đắc câu của Tổng Bí thư Trường Chinh đầu năm 1986: “Đổi
mới hay là chết?”. Chính vì vậy, các lĩnh vực then chốt trong nền kinh
tế, như xây dựng, giao thông vận tải, bưu điện; và khi có nguy cơ phá
rừng lan rộng trên nhiều địa phương, Ông đều được cấp trên tín nhiệm
trao trọng trách làm “Tư lệnh” với tinh thần và ý chí đổi mới.
Lý luận
gắn liền với thực tiễn cùng tư duy về kinh tế luôn được bổ sung, điều
chỉnh đã giúp Ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những nhà
báo chúng tôi kính trọng Ông - một người đa tài, đa năng, với trái tim
nhiệt huyết đã dành trọn cuộc đời cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát
triển đất nước.
Cầu mong Ông thanh thản an nghỉ nơi chín suối!
Xin kính cẩn vĩnh biệt Ông!/.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên TBT Báo Nhân Dân
(Nguồn: nhandan.com.vn)