Thứ Năm, 21/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Ba, 21/8/2018 14:11'(GMT+7)

Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn phức tạp

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đến nay, đội ngũ tàu khai thác hải sản đã phát triển nhanh, vượt bậc cả về số lượng lẫn công suất, chủng loại (tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới composite, nhiều tàu có công suất trên 800CV).

Tuy nhiên, nghề khai thác hải sản của ta có đặc điểm là nghề cá nhân dân, đội ngũ tàu cá phần lớn là tàu có công suất nhỏ, hoạt động ở phạm vi cá nhân, hộ gia đình. Do vậy, hoạt động khai thác hải sản có đặc điểm nhỏ lẻ, không theo tổ chức, quy củ, phần lớn ngư dân có trình độ dân trí thấp, ý thức tuân thủ pháp luật kém, thường sử dụng phương pháp khai thác tận diệt, khai thác hải sản cấm đánh bắt, xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài...

Điều này đã gây ra những hệ quả tiêu cực mà một trong số đó là việc Ủy Ban châu Âu (EC) áp dụng cảnh báo Thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào ngày 23/10/2017, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của ngư dân cũng như sự phát triển của ngành khai thác thủy sản. Do đó, việc đề ra các giải pháp để EC nhanh chóng gỡ bỏ biện pháp “thẻ vàng” là một đòi hỏi quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương cùng với sự ủng hộ của người dân.

Sau một thời gian thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, hiện trạng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể, trong đó tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển phải quán triệt và tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Bộ, địa phương mình, không để EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Phó Thủ tướng yêu cầu coi đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành thủy sản, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản cũng như công tác quản lý nhà nước ngành thủy sản.

Bộ NN-PTNT nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT làm Trưởng ban để tập trung chỉ đạo, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng cơ chế kiểm soát tàu và hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam bảo đảm thực hiện các quy định về biện pháp quốc gia có cảng. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền làm nghề thủy sản khi xuất, nhập bến; kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; trong đó chú trọng phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi vi phạm, chuộc tàu cá, ngư dân về trái phép. Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và hỗ trợ kịp thời tàu cá và ngư dân ta khi gặp sự cố, bị nước ngoài bắt giữ trái phép.

Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; lập danh sách và quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về; trước mắt chỉ đạo quyết liệt điều tra, xử lý các vụ điển hình để răn đe, giáo dục.         

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành liên quan khi vẫn để diễn ra tình hình tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, có hình thức chấn chỉnh phù hợp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không ngăn chặn được tình trạng vi phạm tại địa phương. UBND các tỉnh, thành phố ven biển triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, trong đó tập trung xử lý nghiêm đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Xác định, cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định là có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này. Thực hiện nghiêm công tác ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm đối với tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy khi hoạt động khai thác thủy sản./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất