Cuộc họp tại Bratislava vừa qua được coi như "hội nghị cấp cao" đầu tiên
giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua
tại quốc gia này. Ông Omer Celik, trưởng đoàn đàm phán quá trình Thổ Nhĩ
Kỳ gia nhập EU, đã trấn an ngoại trưởng các nước EU rằng thỏa thuận
EU-Thổ Nhĩ Kỳ được thông qua hồi tháng 3 vừa qua về giải quyết vấn đề
người di cư vẫn được thực thi vì lí do nhân đạo, ngay cả khi điều kiện
mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra cho EU liên quan đến việc miễn thị thực cho
công dân nước này đi du lịch ngắn ngày tới châu Âu (hy vọng được thực
hiện trong tháng 6 vừa qua) chưa được thực thi.
Đầu tháng 8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa
"lật" thỏa thuận này nếu việc miễn thị thực đến tháng 10 vẫn không được
thực hiện. Ông Erdogan đã từng tuyên bố nếu yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ
không được đáp ứng, quốc gia này sẽ không nhận lại người di cư Syria đến
từ Hy Lạp.
Trên thực tế, châu Âu đòi hỏi Thổ
Nhĩ Kỳ "giảm nhẹ" luật chống khủng bố nhưng câu trả lời của Bộ trưởng
Celik ở Bratislava là "không thể khi mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại".
Thổ Nhĩ Kỳ thực sự vẫn quay cuồng bởi những sự kiện diễn ra hồi giữa
tháng 7 vừa qua. Đó cũng là lý do mà họ cho rằng cần phải thông qua các
biện pháp đặc biệt. "Cần phải đảm bảo an ninh để bảo vệ nền dân chủ của
chúng tôi", Bộ trưởng Celik nhấn mạnh. Và khi phương Tây báo động về
việc bắt giữ giáo viên hoặc thẩm phán, Bộ trưởng Celik lảng tránh câu
trả lời mà lại cho rằng biên giới của họ với Iraq và Syria đang xảy ra
chiến tranh.
Quan chức phụ trách đối ngoại của
EU, bà Federica Mogherini, sẽ tới Ankara cùng ủy viên EU phụ trách đàm
phán gia nhập liên minh Hahn để tiến hành cuộc "đối thoại chính trị cấp
cao" với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Bộ trưởng Omer Celik nhấn mạnh sự tôn trọng
thỏa thuận hiện hành với EU, ông cũng sẽ đồng thời cho biết không có bất
cứ sự dàn xếp nào với Brussels về vấn đề người nhập cư khi mà Thổ Nhĩ
Kỳ vẫn chưa được hưởng cơ chế tự do hóa thị thực.
Ngoài
điểm mâu thuẫn lớn này, cuộc họp ở Bratislava chủ yếu là dịp để hai bên
nói chuyện thẳng thắn. Bà Mogherini cho biết châu Âu tái cam kết đối
thoại với Thổ Nhĩ Kỳ để hai bên lắng nghe nhau nhiều hơn và hiểu nhau
hơn. Theo bà, đối với châu Âu, đây là thời điểm "tái cam kết" với đối
tác quan trọng và là ứng viên gia nhập EU này.
Về
phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này chấp nhận EC giám sát việc áp
dụng luật tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bỉ Didier
Reynders cho rằng vẫn phải nhấn mạnh về những gì người Thổ Nhĩ Kỳ làm,
để bày tỏ mối quan ngại về việc quốc gia này đang nhen nhóm quay lại áp
dụng án tử hình cũng như những quan ngại về phạm vi của luật chống khủng
bố của nước này.
Theo Tin tức