Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 3/2/2009 16:4'(GMT+7)

Những cây cầu bắc qua sông Hồng: Một phần không thể thiếu của Thăng Long - Hà Nội

Cầu Chương Dương- Cây cầu của nội lực Việt Nam

Cầu Chương Dương- Cây cầu của nội lực Việt Nam

Con người nơi đây đã biết nương theo thế đó. Nhiều công trình lớn đã và đang phát triển không ngừng hai bên sông. Và không thể không nhắc đến những cây cầu vượt sông, thể hiện sức mạnh của con người, nhưng hòa hợp với tự nhiên.

1. Cách đây hơn 1 thế kỷ, người Hà Nội rất tự hào với cầu Long Biên, cây cầu lớn, đẹp nhất khu vực. Trên thế giới khi ấy, Long Biên là cây cầu dài thứ hai, chỉ sau một cây cầu ở Mỹ. Cầu Long Biên dài 1.682m với 19 nhịp, chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung 61m. Giữa là đường xe hỏa, hai bên là đường đi bộ. Đây được xem là "tháp Eiffel nằm ngang" tại Hà Nội.

Cầu Long Biên đã 107 tuổi. So với lịch sử gần 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì không thấm tháp gì, nhưng chiếc cầu này đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử Thủ đô và của cả dân tộc Việt Nam. Cầu Long Biên do người Pháp xây dựng với rất nhiều đóng góp công sức thi công của người Việt Nam. Công nghệ thi công khi đó còn lạc hậu, người thợ phải ngồi trong những "thùng sắt" lặn xuống nước đào đất, đặt đá làm trụ, hết sức cực nhọc, nguy hiểm. Người thợ An Nam còn thực hiện những phần việc khéo léo, làm đinh tán thủ công độc đáo cho cầu. Và đến bây giờ, Long Biên vẫn được đánh giá là cây cầu đẹp trên sông Hồng, vẫn có đóng góp lớn cho giao thương, đi lại ở Hà Nội, khi các thế hệ cầu "con, cháu" chưa đủ khả năng gánh vác.

2. Cầu Thăng Long là biểu tượng của mối tình hữu nghị Việt - Xô, được khởi công xây dựng ngày 26-11-1974 để nối tới khu Xuân Hòa (lúc đó dự kiến là Thủ đô mở rộng). Nhiều nhà khoa học đầu ngành của Liên Xô được cử tới trực tiếp tham gia công trình. Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân hai nước, ngày 9-5-1985, cầu khánh thành, vượt kế hoạch 7 tháng, trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội và đội ngũ xây dựng cầu đường Việt Nam. Lúc ấy, cầu Thăng Long có quy mô lớn nhất nước với kết cấu hiện đại 2 tầng, dưới dành cho xe lửa, xe thô sơ (mỗi bên 3,5m); trên dành cho xe cơ giới, người đi bộ. Mặt cầu rộng 15m, gồm 4 làn xe, 2 bên dành cho người đi bộ (2,25m). Cầu đường sắt dài 5.503m, đường ô tô là 3.116m, đường thô sơ 2.688m. Không chỉ có vai trò đặc biệt quan trọng nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, một thời, cầu Thăng Long chính là điểm tham quan của du khách khi có dịp tới Thủ đô.

3. Năm 1979, Bộ GT-VT đã đề xuất phương án làm cầu treo tại bến Chương Dương. Tuy nhiên, tiến độ thi công rất chậm, đến năm 1982 không xong 2 trụ chính. Ngày 10-10-1983, "cầu cứng" dầm thép vĩnh cửu được khởi công xây dựng thay cho cầu treo "Mùa xuân" và lấy tên là Chương Dương. Sau 1 năm 9 tháng thi công, ngày 30-6-1985, cầu hoàn thành, vượt tiến độ 12 tháng. Cầu dài hơn 1,2km, rộng 19,76m, gồm 4 làn xe, mặt đường bê-tông, gồm 9 nhịp dầm dẫn, 11 dầm chính, 21 mố trụ. Dù nhỏ hơn so với cầu Thăng Long, nhưng cầu Chương Dương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô. Cây cầu này còn thể hiện khả năng tự làm chủ, sáng tạo, đánh dấu sự phát triển mới của ngành cầu đường nước nhà.

4. Thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế Việt nam nói chung, Hà Nội nói riêng có bước phát triển vượt bậc. Bước sang thiên niên kỷ mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển, Chính phủ đã quyết định xây dựng thêm một loạt cầu bắc qua sông Hồng. Đây là những cây cầu lớn, thiết kế đẹp, hiện đại và sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của Thủ đô. Cây cầu đầu tiên trong số đó được khởi công xây dựng là cầu Thanh Trì (30-11-2002). Sau gần 5 năm thi công, ngày 2-2-2007, phần cầu chính hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực rộng nhất Việt Nam, rộng 33,1m, dài 3.084m.

Tiếp đó, ngày 3-2-2005, cầu Vĩnh Tuy được khởi công. Đây là cây cầu hết sức đặc biệt đối với người dân Thủ đô. Đặc biệt không chỉ bởi đây là cầu bê-tông hiện đại nhất, có khẩu độ nhịp dài nhất Việt Nam (135m) hay chuỗi dầm đúc hẫng dài nhất (990m) được khởi công khi ấy. Cây cầu này còn được xây dựng bằng chính nội lực của nhân dân Thủ đô. Chính phủ đã cho phép Hà Nội phát hành trái phiếu huy động sức mạnh toàn dân làm cầu thay vì chỉ sử dụng vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA. Cùng với cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực trọng điểm kinh tế phía Đông Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tới đây cầu Nhật Tân sẽ được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, Nhật Tân là cầu dây văng, bảo đảm cho 8 làn xe chạy, trong đó có 6 làn xe cơ giới. Chiều dài toàn tuyến là 8,4km, trong đó cầu chính dài 3,9km. Nằm cạnh cầu Nhật Tân có thể còn có cầu Tứ Liên. Khi hoàn thành, hai cây cầu này sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc sông Hồng.

5. Hà Nội đang có dự án táo bạo, chỉnh trị xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các cây cầu đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi cây cầu mọc lên là một cột mốc đánh dấu sự phát triển mới của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nếu chỉ tính đến 5 cây cầu đã và đang từng bước soi bóng trên dòng Hồng Hà (Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì và Vĩnh Tuy) có thể thấy điều đó. Khả năng tự chủ (cả về công nghệ và vốn), rồi quy mô, sự phát triển về công nghệ thi công qua mỗi cây cầu đã phần nào phản ánh được thế "rồng bay" của đất kinh kỳ nói riêng, cả nước nói chung.

Nguyễn Đức(HNMOnline)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất