Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 28/1/2009 21:54'(GMT+7)

Thị trường Tết Kỷ Sửu: Hàng hóa nhiều, giá biến động nhẹ

Chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) với nhiều mặt hàng phong phú phục vụ nhân dân

Chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) với nhiều mặt hàng phong phú phục vụ nhân dân

Tuy hàng hóa, dịch vụ, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết, giá có tăng hơn so với những ngày tháng bình thường cuối năm trước, nhưng mức độ tăng không lớn.

Hoạt động của thị trường, sự vận động của giá cả dịp Tết Nguyên đán năm nay có một số đặc điểm cơ bản nổi bật như sau: lượng cung hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Các dịch vụ, nhất là dịch vụ giao thông, du lịch được các DN chuẩn bị khá tốt, bảo đảm nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí.

Ðiểm nổi bật là hàng sản xuất trong nước đã chiếm thị phần tới 80% - 95% (nhiều siêu thị, trung tâm thương mại có khối lượng hàng sản xuất trong nước chiếm tới 95% lượng hàng dự trữ cho dịp Tết); các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nguội, bánh, kẹo, đồ uống, trái cây, giỏ quà Tết các loại... sản xuất trong nước được tiêu thụ khá mạnh.

Giá cả thị trường sau khi chỉ số giá tiêu dùng tính từ ngày 15-12-2008 đến ngày 15-1-2009 tăng nhẹ 0,32%, bước sang những ngày chuẩn bị cho Tết về tổng thể không biến động nhiều; trong những ngày giáp Tết (26, 27, 28, 29) giá nhiều nhóm hàng có những biến động trái chiều nhau: có những loại tăng như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản tăng khoảng 5% đến 20% (tùy loại); các loại hoa, cây cảnh tăng khoảng 1,5 đến 2 lần so Tết năm trước; giá một số hàng hóa khác cũng tăng nhẹ như: ga, đồ uống và thuốc lá... Nhưng một số loại hàng, dịch vụ có giá ổn định như: xăng, dầu, xi-măng, phân bón, cước vận chuyển hàng không, xe buýt nội đô... và có những loại hàng giá giảm như lương thực, hàng điện máy, quần áo, đồ gia dụng...

Ðáng chú ý là trong hệ thống cung ứng hàng hóa trên thị trường thì hàng hóa thuộc hệ thống chợ giá tăng, nhưng ở hệ thống siêu thị giá tương đối ổn định, thậm chí nhiều siêu thị còn bán giá thấp hơn thị trường khoảng 5% đến 10%. Giá vàng và tỷ giá cũng có biến động nhẹ: giá vàng từ khoảng 17,7 triệu đồng tăng lên hơn 18 triệu đồng/lượng; tỷ giá USD trên thị trường tự do từ khoảng 17.580 đồng lên khoảng 17.700 đồng/USD. Thị trường chứng khoán không có biến động nhiều, tại phiên giao dịch cuối cùng, chỉ số VN Index ở mức 303,21 điểm, HaSTC Index 99,93 điểm.


Người dân mua hàng ở siêu thị Metro Thăng Long (Hà Nội).

Tuy nhiên, bước sang ngày 30 Tết, giá thị trường có những biến động đáng quan tâm: Bên cạnh giá những loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn như nêu trên thì giá hoa, cây cảnh các nơi giảm mạnh từ 50% đến 70% (giá đào, quất cảnh ở Lạng Sơn, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh... giảm 50%; Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội giảm khoảng 70%...). Giá một số dịch vụ ở Hà Nội tăng mạnh: Dịch vụ rửa xe giá tăng gấp hai, ba lần (ngày thường 10 nghìn đồng/xe máy, ngày 30 Tết lên 25 - 30 nghìn đồng; tương tự ô-tô 30 nghìn đồng lên 60 nghìn đồng/xe); cắt tóc tăng 1,5 - 2,5 lần; trông giữ xe máy ở các điểm trông giữ tạm thời, tự phát giá tăng từ hai đến ba lần... Nhưng giá các thực phẩm thiết yếu ở một số thị trường có xu hướng giảm nhẹ; giá rau xanh cũng giảm, có nơi giảm mạnh tới 30%, như ở Lạng Sơn...

Bên cạnh những hàng hóa được bán trên thị trường có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, cũng xuất hiện một số loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là bánh, kẹo, hoa quả...; tình trạng buôn lậu tại khu vực biên giới phía bắc Tết năm nay tuy không nhiều, nhưng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là ở các mặt hàng trứng, gia cầm, hoa quả, bánh, kẹo, pháo...

Sở dĩ Tết năm nay thị trường bình ổn, giá biến động không nhiều chính là do chúng ta đã triển khai có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá trong dịp Tết; cụ thể là:

Thứ nhất, triển khai sớm công tác bình ổn giá trong dịp Tết. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 35/2008/CT-TTg ngày 9-12-2008 về tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa và bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, các bộ, ngành đều có những chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị, DN trong ngành triển khai thực hiện chỉ thị nêu trên.

Thứ hai, chủ động thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa, tăng cung ra thị trường. Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty thuộc các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã chủ động chuẩn bị lực lượng hàng hóa khá lớn phục vụ Tết. Các DN ở các địa phương cũng chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ Tết với trị giá khá cao như: Hà Nội khoảng 9.000 tỷ đồng, Cần Thơ 814 tỷ đồng, Ðà Nẵng 89 tỷ đồng, Lâm Ðồng 177 tỷ đồng, Ninh Thuận 87 tỷ đồng, Tiền Giang 137 tỷ đồng, An Giang 281 tỷ đồng, Ninh Bình 140 tỷ đồng, Nghệ An 4.200 tỷ đồng... UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ vốn với lãi suất 0% cho các DN chiếm thị phần lớn trên địa bàn để đầu tư cho vùng sản xuất, chủ động chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất chủ đạo của đồng Việt Nam thêm 1,5%, như lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7%, lãi suất tái cấp vốn từ 9,5% xuống 8%, lãi suất tái chiết khấu từ 7% xuống 6%, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay xuống còn khoảng 10,5%, góp phần tích cực cho các DN sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn trước, giảm chi phí sản xuất và giá thành để bình ổn giá đầu ra.

Thứ tư, Bộ Tài chính chủ động giảm thuế nhập khẩu xăng để ổn định giá xăng; triển khai chủ trương giảm, giãn thuế thu nhập DN; chỉ đạo thực hiện tiếp chủ trương giữ ổn định giá các loại mặt hàng dầu, điện, than bán cho sản xuất điện, cước vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, xe buýt trong nội đô... Chỉ đạo toàn ngành kiểm soát chặt chẽ các phương án giá hàng hóa, dịch vụ đặt hàng thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa còn được trợ giá, trợ cước. Kho bạc Nhà nước bảo đảm kịp thời các nhu cầu chi tiêu của các đơn vị thụ hưởng ngân sách những ngày trước Tết Nguyên đán; chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội...; đẩy mạnh hơn công tác kiểm soát chi cuối năm, từ chối thanh toán 2.574 triệu đồng... các khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

Thứ năm, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận thuế, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá cũng được chú trọng hơn trước. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc giám sát các DN được hỗ trợ vốn, lãi suất kinh doanh những mặt hàng phục vụ Tết thực hiện đúng cam kết việc niêm yết giá và thực hiện bán hàng hóa, dịch vụ thấp hơn giá thị trường. Nhiều tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý các vụ vi phạm trong kinh doanh.

NGUYỄN TIẾN THỎA
Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính
(Báo ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất