Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 31/1/2009 21:53'(GMT+7)

Bài toán "Tam nông": Cần thêm "khoán 10"

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết, đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp những năm qua thấp. Năm 2006, tính trung bình mỗi lao động nông thôn có thu nhập là 506.000 đồng/tháng. Mỗi hộ gia đình chỉ tích lũy được khoảng 5 triệu đồng/năm và không đủ sức để tái sản xuất mở rộng. Số hộ sản xuất theo mô hình trang trại các loại chỉ chiếm 1%.

Thực tế, những hạn chế trong công tác "tam nông" không phải bây giờ mới được nhận diện khi những "bờ xôi ruộng mật" đã bị lấy quá nhiều để phát triển công nghiệp, an ninh xã hội ở một số nơi bị thu hồi đất bất ổn, tình trạng khiếu kiện tập thể về đất kéo dài... Nhiều năm qua, người nông dân chịu rất nhiều sức ép từ phía các doanh nghiệp qua giá vật tư, phân bón, thức ăn gia súc đến giá thu mua. Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để cải thiện đời sống người nông dân, phát triển nông nghiệp và nông thôn nhưng chúng chưa thực sự phát huy hết tác dụng trong thực tế.

Trong khi đó, đến năm 2020 đất nông nghiệp chưa sử dụng sẽ được đưa vào canh tác gần hết. Cả nước hiện chỉ còn khoảng 3 triệu ha đất ở trạng thái không có tiềm năng khai thác, nghĩa là có đưa vào diện đất nông nghiệp sản xuất thì cho hiệu quả thấp. Điều này dẫn đến nguồn dự trữ đất nông nghiệp của chúng ta gần như đã cạn. Rõ ràng những thách thức về an ninh lương thực, trật tự xã hội... là thách thức lớn cho bài toán "tam nông" hiện nay.

Trên diễn đàn khoa học Vietsciences, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: Chủ trương dồn điền, đổi thửa là bước đầu của quá trình tập trung đất canh tác, giúp nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, tăng thêm diện tích canh tác và nâng cao năng suất cây trồng.

GS Nguyễn Lân Dũng lấy dẫn chứng từ tỉnh Hưng Yên rằng nhờ dồn điền, đổi thửa mà diện tích canh tác ở tỉnh này đã từ 89.000 ha tăng lên 92.309 ha. Tuy nhiên tại 9 tỉnh Đồng bằng Bắc bộ mới chỉ có 2 tỉnh hoàn thành bước đầu công việc này. Gọi là bước đầu vì ngay như ở Bắc Ninh, tỉnh được coi là đã hoàn thành, thì trung bình mỗi hộ vẫn còn đến 7 thửa ruộng. Khó khăn rất đáng kể là chi phí cho việc đo đạc, cấp sổ đỏ cho dân còn quá tốn kém, trung bình từ 4 đến 11 triệu đồng/ha. Một số địa phương đã phải bán đất công ích để hoàn thành việc này. Số lao động nông thôn dôi dư ra phải được học nghề để chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ hay xuất khẩu lao động. Không thể để thanh niên nông thôn tự phát ồ ạt lao ra thành thị tìm kiếm việc làm và dễ sa vào các cạm bẫy khi đang nghèo túng và mất phương hướng.

- Kết quả kiểm kê đất đai năm 2005 cho thấy, tổng diện tích đất trồng lúa của cả nước là gần 4,2 triệu ha, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 2 triệu ha. Giai đoạn 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp tới trên 366.000 ha, tức bình quân khoảng 73.000 ha/năm.

- Diện tích đất canh tác của Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0,12 ha/người, chỉ đứng trên Hàn Quốc, Băng-la-đét, Ai Cập. Trong khi đó "đối thủ" về xuất khẩu gạo của Việt Nam là Thái Lan đạt trung bình 0,3 ha/người. Vì thua Thái Lan 2,5 lần diện tích đất nên để tăng sản lượng lúa, lượng phân bón hóa học sử dụng hằng năm ở ta cao gấp 2 lần Thái Lan.

Nguồn: Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam

GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường trong một lần trả lời phỏng vấn Hànộimới đã cho rằng, bài toán phân vùng đối với các tỉnh là điều rất quan trọng. Ví dụ: tỉnh A thì vùng nào là công nghiệp, vùng nào là dịch vụ, vùng nào là nông nghiệp, vùng nào là lúa, vùng nào là đay… Trong những tỉnh thuần nông, thì sẽ lấy bao nhiêu đất để làm hạ tầng, trồng cây ăn quả, trồng lúa, cây công nghiệp là bao nhiêu... Trong toàn vùng lớn thì phân cho từng tỉnh và từng tỉnh thì cũng có sự phân công cụ thể cho từng địa phương.

Không chỉ là vùng lớn và tỉnh, mà đến từng huyện cũng nên như vậy để bảo đảm làm sao mỗi quy hoạch cho mỗi vùng, mỗi địa phương phải có nội dung cụ thể và bảo đảm thống nhất với tổng thể từng vùng và của cả nước. GS cũng khẳng định: Nhất định là không để quy hoạch đất nông nghiệp từ trên xuống dưới chỉ là một nội dung, chồng chéo lên nhau. Việc quy hoạch sử dụng đất có mấy nhiệm vụ: Thứ nhất là phải bảo đảm đầu vào của đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội; thứ hai là cân đối được cung cầu về đất đai, tức là ngoài mục tiêu phát triển chung của đất nước thì còn có những nhu cầu của thị trường. Nhu cầu của xã hội, của thị trường, của doanh nghiệp… phải tính được và dự báo.

Để đạt được mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngay bây giờ chúng ta phải có một cuộc cách mạng thực sự từ tư duy đến hành động trong vấn đề "tam nông". Cách đây trên 20 năm, Đảng ta đã thành công với quyết sách "khoán 10" và bây giờ cũng là thời điểm đất nước đang cần một định hướng lớn tương tự...

Văn Giang Hà Nội mới

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất