Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 18/10/2015 11:16'(GMT+7)

Những chuyển động mới trong quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc hiện nay

1. Quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng trầm trọng, kể từ sau “Chiến tranh lạnh”

Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, “cuộc cách mạng cam” lần 2 do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn tiến hành ở U-crai-na (lật đổ chính quyền thân Nga của Tổng thống Y-a-nu-kô-vích, lập chính quyền thân phương Tây do Tổng thống Pô-rô-sen-kô đứng đầu), không chỉ đẩy U-crai-na vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, mà còn là “cú đấm” làm đổ vỡ những nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác Mỹ - Nga, đẩy quan hệ hai nước xuống “vực sâu”. Để trả đũa việc Crưm sáp nhập vào Nga, Mỹ và EU liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính, ngoại giao đối với Nga, v.v. Nhà Trắng cũng cáo buộc Mát-xcơ-va hậu thuẫn lực lượng ly khai gây bất ổn định ở miền Đông U-crai-na để đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu; phối hợp với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh biên giới Nga để phô trương sức mạnh và răn đe quân sự với Mát-xcơ-va, khiến tình hình hết sức căng thẳng.

Trước đây, khi bước vào Nhà Trắng, với cái gọi là “chính sách ngoại giao thông minh”, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã thực hiện chủ trương “cài đặt quan hệ đối tác” với Nga theo hướng mềm mỏng, uyển chuyển hơn. Theo đó, Mỹ và Nga đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 2 (START-2) vào năm 2010; cơ quan tình báo hai nước thiết lập cơ chế trao đổi thông tin tình báo trong lĩnh vực chống khủng bố, v.v. Tuy nhiên, Mỹ và Nga vẫn nghi kỵ nhau về mục tiêu, lợi ích chiến lược, nhất là cách Mỹ đối xử áp đặt, thiếu bình đẳng đối với Nga, khiến quan hệ giữa hai nước “nóng”, “lạnh” thất thường. Phân tích quan hệ Mỹ - Nga, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, mặc dù đã làm thay đổi chế độ chính trị ở Nga, nhưng giới chức Mỹ vẫn bị ám ảnh bởi sức mạnh quân sự và sự cạnh tranh địa chiến lược của nước này. Vì thế, về mặt ngoại giao, Mỹ chủ trương tăng cường hợp tác với Nga, nhưng trên thực tế lại tìm mọi cách để kiềm chế Mát-xcơ-va. Và rằng, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuy tuyên bố chấp nhận một thế giới đa cực, nhưng vẫn theo đuổi mục tiêu nắm quyền “lãnh đạo” thế giới. Điều đó được thể hiện rõ khi Mỹ đối xử với Nga như đối tác “hạng hai”, vẫn tìm cách ép Nga vào quỹ đạo của Mỹ, sâu xa là bao vây, kiềm chế làm Nga suy yếu, không thể thách thức vị thế số 1 của mình. Tuy vậy, nước Nga, dưới thời của Tổng thống V. Pu-tin, đang lớn mạnh và có vai trò, vị thế quốc tế  lớn, là một cực của thế giới mà Mỹ phải tôn trọng, đối xử bình đẳng. Bởi vậy, Nga đã “phản ứng” với cách ứng xử bất bình đẳng của Mỹ trong các vấn đề quốc tế quan trọng, như ở Xy-ri, U-crai-na…, để khẳng định vị thế quốc tế của mình; đồng thời, cảnh báo phương Tây rằng, “Nga không để cho ai bắt nạt và không ai có thể bắt nạt được Nga, kể cả Mỹ”. Nga phản đối mưu đồ của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, mở rộng NATO sát biên giới Nga. Giới chức Nga cũng tuyên bố, thời kỳ thế giới đơn cực của Mỹ đã chấm dứt.

Quan hệ Mỹ - Nga đang ở thời kỳ căng thẳng nhất, kể từ sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, mà khủng hoảng U-crai-na là “nút thắt” không dễ tháo gỡ. Mỹ và EU vẫn đe dọa gia tăng trừng phạt kinh tế, tài chính, đối ngoại đối với Nga, nếu Nga “dính líu” vào U-crai-na. Đặc biệt, mới đây, lần đầu tiên sau hơn 20 năm quan hệ “đối tác” với Nga, Mỹ lại coi Nga là “quốc gia nguy hiểm nhất” đang “phá hoại an ninh khu vực và thế giới”. Tư duy thù địch này có thể đẩy Mỹ - Nga vào cuộc “Chiến tranh lạnh” mới. Tuy nhiên, theo nhiều chiến lược gia phương Tây, những đòn trừng phạt của Mỹ và EU hơn 1 năm qua tuy làm Nga bị thiệt hại nặng nề, nhưng không thể làm Nga suy sụp. Điều đáng nói là, các đòn trừng phạt Nga cũng gây “hiệu ứng ngược” khiến Mỹ, EU cũng là bên bị thiệt hại không nhỏ. Hơn nữa, trong giải quyết các vấn đề quốc tế, Mỹ vẫn cần sự hợp tác, giúp đỡ của Nga, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, v.v. Chính vì thế, dư luận cho rằng, quan hệ đối đầu của hai nước hiện nay sẽ không có lợi cho cả Mỹ, Nga và toàn thế giới.

2. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang nổi “sóng gió”

Giới phân tích quốc tế cho rằng, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đẩy quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc vào một trong những thời điểm “xám mầu” nhất trong hơn 3 thập kỷ hai nước thiết lập quan hệ. Hiếm có khi nào mà cả Chính phủ và hai viện Quốc hội Mỹ đều cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ yêu sách chủ quyền “Đường lưỡi bò” và gần đây là việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông; coi đây là hành động “đang gây mất an ninh, ổn định” ở khu vực. Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực để răn đe; tích cực thông qua các diễn đàn khu vực, tăng cường hợp tác, liên kết với các đồng minh, các nước đối tác để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược quân sự mới của Mỹ coi Trung Quốc là “đối tượng tiềm tàng nguy hiểm”. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng phản đối, coi việc Mỹ “chèn ép” Trung Quốc ở Biển Đông là tư tưởng cổ hủ của thời “Chiến tranh lạnh”, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ nước khác. Và rằng, Mỹ đang vu cáo Trung Quốc, lấy đó làm cái cớ để gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực hòng thực hiện mưu đồ chiến lược “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương”. Đánh giá quan hệ Mỹ - Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông, nhiều chuyên gia nhận định, Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng; là tuyến đường giao thông biển huyết mạch, nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á; có 5 trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Vùng biển này được dự báo là có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Đối với Mỹ, Biển Đông là địa chiến lược trọng yếu trong chiến lược “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương”. Đối với Trung Quốc, Biển Đông là “không gian sinh tồn”, “cửa ngõ” để Trung Quốc tiến ra thế giới, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” của mình. Bởi vậy, cạnh tranh lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông còn diễn biến phức tạp, kéo dài; đặc biệt, nó có thể biến nơi đây thành “điểm nóng” đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới trong thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, hai nước vẫn chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác, coi đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Thực hiện chính sách đối ngoại “can dự với cả kẻ thù”, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đặt ưu tiên trong quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng chủ trương xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ. Đến nay, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đã thành tốp kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Mới đây, bất chấp những căng thẳng trên Biển Đông, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự, được đánh giá là “bước tiến mới” trong quan hệ hai nước. Thời gian tới, Mỹ và Trung Quốc dự kiến tổ chức các cuộc tập trận chung, với sự tham gia của lực lượng không quân, hải quân, nhằm thông qua quy tắc ứng xử trên không, trên biển và trên đất liền, v.v.

Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là quan hệ nước lớn phức tạp nhất. Các chính quyền Mỹ đều thực hiện chính sách hai mặt với Trung Quốc. Một mặt, ra sức kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị, quân sự, v.v. Mặt khác, lại phải coi trọng tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, đối tác Mỹ - Trung Quốc. Khó khăn lớn nhất của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc là cán cân giữa hai nước đang dần thay đổi nghiêng về phía Trung Quốc. Mỹ hiện là “con nợ” lớn nhất của Trung Quốc và trong chiến lược toàn cầu, Mỹ vẫn rất cần tới vai trò của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế. Cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn đã từng bộc bạch: “làm sao mà Mỹ có thể “chơi rắn” với chính ông chủ ngân hàng của mình?”.

3. Quan hệ Nga - Trung Quốc có bước cải thiện,  phát triển

Trong tình thế bị Mỹ gia tăng sức ép, Nga và Trung Quốc đã có bước cải thiện, phát triển quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới, bao gồm cả phương diện kinh tế và chính trị. Vừa qua, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận có giá trị lớn về thương mại hai chiều, nhất là hợp đồng dầu khí Nga - Trung Quốc lên tới hàng trăm tỷ USD, cho phép Nga thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng do bị Mỹ, EU bao vây, cấm vận. Nga và Trung Quốc cũng coi trọng tăng cường hợp tác nhằm nâng cao vai trò, vị thế của hai nước trong trung tâm Á - Âu thông qua dự án “Một con đường, một vành đai” và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), v.v. Hai nước cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, nhất là nâng cấp việc đối thoại, trao đổi đoàn quân sự cấp cao, mở rộng giao lưu quân sự (diễu binh, duyệt binh, giao lưu sĩ quan trẻ…), tập trận chung có sự tham gia của các lực lượng hải - lục - không quân để nâng cao khả năng phối hợp tác chiến đối phó với các mối đe dọa, nguy cơ khủng bố, các thảm họa môi trường, v.v.

Theo giới phân tích quốc tế, quan hệ Nga - Trung Quốc hiện đang ở thời điểm “thăng hoa” nhất, mà chính sách “thù địch” của Mỹ đối với Nga, Trung Quốc là tác nhân chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực, quốc tế phức tạp, lợi ích giữa các nước đan xen nhau, Nga và Trung Quốc đều chủ trương giữ quan hệ hai nước ở mức “vừa đủ” để phục vụ lợi ích của mỗi nước và đối trọng với Mỹ; tránh không để quan hệ Nga - Trung Quốc “đi quá xa”, trở thành “đối đầu” với Mỹ. Tổng thống Nga V. Pu-tin đã khẳng định, quan hệ Nga - Trung Quốc không nhằm mục tiêu thành lập liên minh; đồng thời tuyên bố, sẵn sàng mở cánh cửa hợp tác với Mỹ, EU. Mát-xcơ-va cũng đang xem xét khả năng tham gia cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - động thái được cho là thiện chí của Nga nhằm “tái cân bằng” quan hệ trong tam giác Mỹ - Nga - Trung.

Dư luận cho rằng, Mỹ, Nga, Trung Quốc đều là các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có vị thế và vai trò quan trọng trên thế giới; vì thế, quan hệ giữa các nước này có tầm ảnh hưởng quyết định đến các quan hệ quốc tế, cũng như cục diện chính trị - an ninh của thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Mỹ, Nga, Trung Quốc thay vì cạnh tranh chiến lược ích kỷ, cần tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; phát huy vai trò, vị thế quan trọng của mình trong giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Theo Kiều Loan (TCQPTD)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất