Thứ Sáu, 17/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Hai, 19/12/2022 10:11'(GMT+7)

Những dấu ấn của thương mại Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới

Vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).

Vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).

Những dấu ấn của thương mại Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới
Mạng lưới thương mại không ngừng mở rộng.

Mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại tiếp tục “phủ sóng” trên các địa bàn, đáp ứng sự gia tăng cả về quy mô và trình độ phát triển, nhu cầu mua sắm của các tầng lớp dân cư. Cả nước hiện có 1.163 siêu thị và 250 trung tâm thương mại, với các thương hiệu mạnh đến từ các nước như: Lotte, Central Group, TCCGroup, Aeon, CircleK, KMart, Auchan, Family Mart,... Toàn quốc đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương. Có 8.581 chợ truyền thống (61 chợ đầu mối) cùng gần 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa đang duy trì hoạt động. Kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ (thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng trực tuyến (online) với trực tiếp (offline)); tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất.

Thương mại điện tử trở thành “đột phá khẩu”.

Với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD. Năm 2021, tăng 10,2% so với năm 2020, đạt 13 tỷ USD(1). Lần đầu tiên, mua sắm hàng hóa qua TMĐT đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông. Cũng lần đầu tiên, “Gian hàng quốc gia Việt Nam” - nơi tập hợp các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam được tổ chức, xây dựng trên sàn TMĐT JD.com, do Việt Nam chủ trì triển khai qua phương thức TMĐT xuyên biên giới.

Xuất, nhập khẩu là điểm sáng.

Thặng dư thương mại năm 2020 đạt 19,95 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,8 tỷ USD) và năm 2018 (6,5 tỷ USD); gấp hơn 10 lần năm 2017 và gần 13 lần so với mức thặng dư thương mại năm 2016. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và bảo hộ mậu dịch gia tăng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn bứt phá, thiết lập “kỳ tích” mới với kim ngạch đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Với tỷ lệ xuất, nhập khẩu/GDP năm 2021 đạt 184,7%, năm 2020 là 158,6% và năm 2016 là 136,7%, kinh tế Việt Nam có độ mở cao (đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 3 châu Á, thứ 4 thế giới).

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao ở những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như Mỹ: 24,2%; Trung Quốc: 15%; Liên minh châu Âu (EU): 14%; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): 25,8%; Hàn Quốc: 15,8%; Ấn Độ: 21%; Niu Di-lân: 42,5% và Ô-xtrây-li-a: 3,1%. Việt Nam gia nhập nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Điều này càng trở nên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm do làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát làm “tê liệt” chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kiểm soát nhập khẩu đã từng bước được cải thiện. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng trưởng chậm lại. Nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm 89% - 94% kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6% - 11%.

Thương mại biên giới sôi động.

Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam - Trung Quốc thực sự là động lực góp phần vào việc phát triển quan hệ, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước. Hoạt động xuất, nhập khẩu biên mậu biên giới phía Bắc trở nên sôi động, được tiến hành chủ yếu theo các hình thức: chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, kho ngoại quan, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới.

Sự phát triển của thương mại biên mậu làm cho thị trường miền núi, vùng cao, biên giới khởi sắc. Thương mại góp phần tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập và sức mua của người dân nhờ đó cũng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế - xã hội các tỉnh vùng cao biên giới từng bước dịch chuyển theo hướng tích cực, tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, yếu tố không chắc chắn trong buôn bán tiểu ngạch khiến thương mại biên mậu có độ rủi ro cao, tác động mạnh tới các hợp đồng thương mại chính ngạch.

Đến nay, nước ta đã có quan hệ thương mại với 224 đối tác; đã, đang đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA. Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. Với mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và xếp thứ 2 trong ASEAN về quy mô thị trường bán lẻ và TMĐT, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao trong thời gian tới. Để đạt được kết quả này, trong thời gian tới, trong nhiều giải pháp cần thực hiện đồng bộ, cần tiếp tục quan tâm tới cải cách thể chế, môi trường kinh doanh; tổ chức lại chuỗi cung ứng và thị trường; triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết; gia tăng xuất khẩu; đổi mới quản trị chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các chương trình mua sắm trực tuyến, gian hàng Việt trực tuyến quốc gia;... phối hợp với đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh TMĐT. Hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn trên các sàn giao dịch TMĐT...; cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển hệ thống thương mại, đặc biệt là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới, như hạ tầng logistics, chợ đầu mối...; xây dựng kế hoạch tổng thể để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới.../.

NGUYỄN THÙY

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất