Theo báo cáo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), trong
trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận toàn tập đoàn tăng trưởng
30,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó lợi nhuận công ty mẹ tăng 30,4%.
Đây là một tín hiệu vui, bởi lẽ VNPT của năm nay đã không còn MobiFone và kết quả này chứng tỏ việc tái cơ cấu của VNPT đang đi đúng hướng.
Bên lề Triển lãm “Niềm tin lịch sử-Vững
bước tương lai” được VNPT khai mạc sáng 10/8, Tổng Giám đốc VNPT Phạm
Đức Long đã trả lời phóng viên về những điểm mấu chốt trong
giai đoạn 2 tái cơ cấu tập đoàn này.
- Thưa ông, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy
việc tái cơ cấu VNPT đang đi đúng hướng. Ở giai đoạn 2 của tái cơ cấu,
VNPT sẽ tập trung vào vấn đề cốt lõi nào?
Ông Phạm Đức Long: Những kết quả bước đầu trên đã
khẳng định tính đúng đắn trong việc tái cơ cấu VNPT dưới sự chỉ đạo của
Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây cũng là tiền đề, nền tảng
để VNPT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng chuyên biệt, khác biệt
và hiệu quả.
Tái cơ cấu là một quá trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ công nhân viên, lãnh đạo VNPT.
Việc quan trọng trong thời gian tới chính là phải nhanh chóng tổ chức ổn
định bộ máy của các tổng công ty để đồng hành cùng 63 Viễn thông tỉnh
thành, hình thành ra một thị trường, một mặt trận và nhanh chóng chiếm
lĩnh thị trường. VNPT phải đẩy nhanh việc cung cấp hạ tầng mạng băng
siêu rộng cáp quang tới khách hàng cũng như các dịch vụ di động, phương
án triển khai 4G, chuẩn bị hạ tầng, tiếp cận khách hàng…
Khi Tổng Công ty chuyên về kinh doanh (VNPT VinaPhone) ra đời, phải xây
dựng hệ thống kênh bán hàng rộng khắp, hiện đại để cung ứng những sản
phẩm, năng lực đã đầu tư đến khách hàng…
Tôi tin với kết quả ban đầu và nếu VNPT tiếp tục tập trung, đi đúng
hướng theo chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông thì
việc tái cơ cấu sẽ thành công.
- Điều khó nhất của tái cơ cấu giai đoạn 1 chính là phá bỏ rào cản
tâm lý của cán bộ nhân viên. Vậy, ở giai đoạn 2, đâu là điểm khó nhất?
Ông Phạm Đức Long: Giai đoạn 1 là thời điểm khởi xướng
tái cơ cấu và đây là lần đầu tiên VNPT tái cơ cấu một cách mạnh mẽ như
vậy. Chúng tôi phải sắp xếp lại vị trí cho 19.000 lao động trong tập
đoàn, tương đương xấp xỉ 50% cán bộ công nhân viên. Điều này dẫn đến
việc tâm tư tình cảm của người lao động khi sắp xếp lại công việc bị ảnh
hưởng không ít. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lãnh đạo tập đoàn cũng như
của cán bộ công nhân viên, VNPT đã vượt qua cái khó khăn này.
Ở giai đoạn tiếp theo, VNPT đi theo hướng chuyên biệt, khác biệt hiệu
quả thì mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị là điều mấu chốt. Khi làm
việc theo dây chuyền, phải đảm bảo tất cả các mắt xích trong dây chuyền
ấy phải được vận hành một cách đồng bộ.
Do đó, việc quan trọng của VNPT là làm thế nào tạo ra sự vận hành thống
nhất các mắt xích ấy, làm thế nào để tạo động lực cho toàn bộ dây chuyền
vận hành tốt nhất, đem lại hiệu quả tốt nhất...
- Trước kia, VNPT dường như chỉ chú trọng vào viễn thông, nhưng gần
đây VNPT đã có bước chuyển mình khi tập trung khá nhiều vào công nghệ
thông tin, thưa ông?
Ông Phạm Đức Long: Đúng là trước đây chúng tôi tập
trung và lớn mạnh về viễn thông. Đối với công nghệ thông tin, VNPT tập
trung làm chủ yếu cho nội bộ, chưa hướng nhiều đến khách hàng…
Những năm gần đây, VNPT đã thực sự chuyển mình. Mục tiêu tái cơ cấu của
VNPT trong thời gian tới không chỉ phát triển mạnh về viễn thông mà còn
phát triển mạnh về công nghệ thông tin.
Vừa qua, chúng tôi đã triển khai mạnh mẽ việc xây dựng các giải pháp
công nghệ thông tin cho chính phủ điện tử. VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác
với 45 tỉnh thành phố, đã triển khai công nghệ thông tin xây dựng chính
phủ điện tử như các hệ thống điều hành văn bản điện tử, cổng thông tin
điện tử và chính phủ 1 cửa cho các tỉnh thành đã ký kết hợp tác…
Ngoài ra, VNPT cũng triển khai ứng dụng công nghệ trong ngành y tế, bao
gồm hệ thống giám định bảo hiểm, quản lý điều hành khám chữa bệnh… triển
khai theo mô hình 3 cấp tỉnh, huyện, xã…
Đáng chú ý, VNPT thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về thuê dịch vụ
công nên các Sở Y tế, Bệnh viện… không phải quan tâm tới vấn đề lập dự
án mà quan tâm xem đơn vị nào cung cấp dịch vụ chất lượng đảm bảo, giá
thành tốt thì sử dụng.
- Thưa ông, 2015 là năm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Bưu
điện và cũng là thời điểm VNPT thực sự chuyển mình khi bước vào giai
đoạn 2 của tái cơ cấu. Ông có chia sẻ gì trong thời điểm ý nghĩa này?
Ông Phạm Đức Long: 2015 là thời điểm kỷ niệm 70 năm
ngày thành lập ngành. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với
VNPT, đặc biệt khi đây lại là thời điểm bản lề trong việc thực hiện tái
cơ cấu.
70 năm qua, VNPT luôn đồng hành cùng với chính quyền các cấp, người dân
để triển khai xây dựng mạng lưới bưu chính viễn thông hiện đại, góp phần
xây dựng cơ sở hạ tầng lớn mạnh cho đất nước. Đến hôm nay, VNPT bước
sang trang sử mới khi tiến hành tái cơ cấu theo hướng trẻ trung, sáng
tạo và nhân văn.
Chúng tôi đã thành lập ra mô hình các Tổng Công ty theo tính rất chuyên
nghiệp như Tổng công ty VNPT VinaPhone theo hướng kinh doanh xuyên
suốt; VNPT Net bảo đảm quản lý toàn bộ nguồn lực mạng lưới của VNPT
thống nhất; VNPT Media chuyên nghiên cứu, phát triển dịch vụ. Và, tổng
hòa trong mối quan hệ ấy chính là mục tiêu hướng đến khách hàng…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Triển lãm “Niềm tin lịch sử-Vững bước tương lai” là một trong những sự
kiện VNPT tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Bưu điện
(15/8) tại trụ sở của đơn vị này, số 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Tại triển lãm, nhiều tư liệu quý được lưu trữ trong 70 năm qua tại Bảo
tàng Bưu điện Việt Nam đã được trưng bày. Triển lãm kể câu chuyện lịch
sử của ngành Thông tin và Truyền thông và của VNPT, về những đóng góp
của người làm thông tin liên lạc trong suốt các cuộc kháng chiến thần
thánh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
|
Trung Hiền (Vietnam+)