Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 10/7/2024 9:11'(GMT+7)

Những đổi thay trên "sân chơi" công nghiệp của thế giới

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Công nghệ sinh học ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 26/11/2023. (Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN)

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Công nghệ sinh học ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 26/11/2023. (Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN)

Mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhưng chiến lược tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI) và hiệu quả hoạt động đã mang lại một lộ trình đầy hứa hẹn cho sức tăng trưởng và đổi mới của công nghiệp chế tạo.

Báo cáo thường niên về tình hình chế tạo - do công ty Fictiv cộng tác với Dimensional Research thực hiện - đã cho thấy tâm lý lo ngại dai dẳng về những căng thẳng đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu, về tình trạng hoạt động kém hiệu quả và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn.

Bất chấp những thách thức đang diễn ra, vẫn có một điểm sáng: các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và xu hướng sản xuất theo yêu cầu (MOD) đã mang lại hiệu quả và mở ra hướng phát triển tốt.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều áp lực kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công ty trong năm 2024. Có thể kể đến những trở ngại kinh tế như tình trạng lạm phát, chính sách lãi suất và nguy cơ kinh tế sa sút, cùng với chi phí lao động tăng và tình trạng thiếu hụt nhân lực. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang lo ngại về tác động của xu hướng suy yếu trong nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều "điểm nóng" xung đột, chiến tranh thương mại leo thang và sự bất ổn chung đang hiện diện ở nhiều thị trường. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi những căng thẳng quốc tế đang ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng dài hạn.

Phần lớn các doanh nghiệp đều lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh thương mại trong vài năm tới và chắc chắn những căng thẳng trên quy mô toàn cầu đang được cân nhắc trong kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp. Những mối lo ngại này không phải là không có cơ sở khi Nhà trắng mới đây đã tuyên bố sẽ tăng thuế mạnh đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một thông tin đáng chú ý là các sự kiện "nóng" trên vũ đài chính trị như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dường như không gây quá nhiều áp lực đối với giới lãnh đạo doanh nghiệp. Theo khảo sát, chỉ 21% trong số các nhà quản lý được hỏi nhận định rằng sự không chắc chắn (về kết quả bầu cử) sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực chế tạo. Nhóm thực hiện báo cáo trên đã tiến hành phỏng vấn 178 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kỹ thuật, chuỗi cung ứng, sản xuất và phát triển sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ thiết bị y tế, robot, ô tô, hàng không vũ trụ,..tới điện tử tiêu dùng.

Hiện nay, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với lĩnh vực công nghiệp chế tạo của thế giới. Theo báo cáo trên, trong năm thứ ba liên tiếp, việc cải thiện khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng và sản xuất đứng đầu danh sách ưu tiên của doanh nghiệp; tiếp theo là khả năng phục hồi và sự linh hoạt - hiện được xếp hạng là ưu tiên quan trọng thứ hai.

Có thể khẳng định một thực tế là công nghệ và đổi mới đang làm thay đổi "sân chơi công nghiệp" của thế giới. Dữ liệu khảo sát năm nay cho thấy 88% số doanh nghiệp được hỏi đã triển khai AI trong hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.

Giới lãnh đạo cũng ngày càng nâng cao nhận thức rằng AI rất quan trọng đối với thành công trong tương lai của doanh nghiệp. Các giải pháp AI đang được triển khai phổ biến trong quản lý chuỗi cung ứng, thiết kế sản phẩm và kiểm soát chất lượng.... Ngoài ra, 78% các nhà lãnh đạo tham gia khảo sát đã dự đoán AI sẽ khiến hoạt động tuyển dụng giảm trong hai năm tới.

Vậy là bốn năm sau khi nền kinh tế thế giới trải qua những gián đoạn chưa từng có, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo đang tập trung hơn bao giờ hết vào việc cân bằng giữa đổi mới, lợi nhuận, triển khai AI và các vấn đề liên quan đến năng suất.

Để đáp ứng các mục tiêu về doanh thu và chi phí ngày càng khắt khe, mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng cần phải linh hoạt, tìm ra hiệu quả hoạt động và tối ưu hoá công nghệ để kiến tạo cơ hội phát triển./.

HƯƠNG GIANG (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất