(TCTG)- Kết quả cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm thứ sáu (02/10) tại Ai Len cho thấy có khoảng 67,13% cử tri nói “có” với hiệp ước Lisbon. Sự kiện này đã được đông đảo dư luận châu Âu đánh giá cao, tuy nhiên, những cản trở tư pháp và chính trị tại 4 nước châu Âu khác sẽ có thể làm chậm tính hiệu lực của bản hiệp ước này.
Tại Cộng hoà Séc, là người có tư tưởng hoài nghi về EU, Tổng thống Vaclav Klaus sẽ làm tất cả để trì hoãn thông qua bản hiến pháp cho dù được Quốc hội tán thành. Sau chiến thắng tại Ai Len, ông đã từ chối tuyên bố ngày ông quyết định ký hay không ký Hiệp ước Lisbon. Hôm thứ 7 (03/10), ông đã tuyên bố: “Tôi vẫn chưa có kế hoạch để trả lời những câu hỏi dạng này”. Mặt khác, hôm thứ ba tuần trước, một nhóm các nghị sỹ tự do Séc đã trình lên Toà án Hiến pháp một bản kháng án mới. Từ nay, Tổng thống Séc sẽ có thể lấy lý do bản kháng án này để trì hoãn phê chuẩn Hiệp ước. Nếu Toà án chấp nhận xem xét bản kháng án trên thì sẽ mất từ 3 đến 6 tháng để đưa ra quyết định.
Sự chậm trễ này có thể cho phép những người bảo thủ Anh, họ có may mắn lớn giành chiến thắng tại các cuộc bẩu cử lập pháp vào mùa xuân này, phong toả Hiệp ước.
Tại Ba Lan, Tổng thống bảo thủ Lech Kaczynski cũng đã từ chối ký kết Hiệp ước trước khi người Ai Len đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, ông đã tuyên bố rằng ông sẽ ký nếu người Ai Len thông qua.
Cuối cùng tại Phần Lan, một cuộc xung đột nội bộ sẽ có thể cản trở việc phê chuẩn. Một vài người trong số 30 nghị sỹ được bầu của các đảo Aaland, một quần đảo nhỏ tự trị của Phần Lan, đe doạ nói “không” trong trường hợp những yêu cầu của họ không được Helsinki đáp ứng. Các cuộc xung đột thường xuyên nhất liên quan tới đánh cá và săn bắn, và Aaland cũng muốn chính quyền trung ương dành cho họ quyền được bán loại thuốc lá “snus” truyền thống của Thuỵ Điển bị EU cấm sử dụng, nhưng được cho phép tại Thuỵ Điển.
Aaland, với nguồn thu nhập chủ yếu đến từ việc buôn bán miễn thuế cho các tàu khách du lịch muốn mua hàng giá rẻ, đánh giá rằng việc cấm trên sẽ tạo thuận lợi cho các tàu của Thuỵ Điển. Tại Bruxelles, người ta đánh giá thấp mối đe doạ phủ quyết Hiệp ước. Một nhà ngoại giao châu Âu đánh giá: “Đó là một vấn đề nội bộ của Phần Lan. Điều liên quan tới EU, đó là một Nhà nước được thông qua hay không tại cấp độ quốc gia. Nếu có một vấn đề, chính Chính phủ Phần Lan phải giải quyết”.
Theo báo LEMONDE.fr