Vừa qua “Ủy ban Taliavini”, do EU tiến cử để tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cuộc xung đột quân sự 5 ngày giữa Nga và Gru-di-a tại Nam Ô-xê-ti-a tháng 8-2008, đã công bố bản báo cáo về kết quả điều tra, trong đó xác định Gru-di-a đã nổ phát súng đầu tiên, khơi mào cho cuộc chiến. Xin trích giới thiệu với bạn đọc bình luận của Bộ Ngoại giao Nga về bản báo cáo của “Ủy ban Taliavini”.
Nga đã chú ý đón đợi sự xuất hiện bản báo cáo của Ủy ban EU về nguyên nhân và những người có lỗi trong cuộc xung đột xảy ra vào tháng 8 năm 2008. Nga từng hi vọng rằng nguồn tư liệu và bằng chứng dồi dào mà Ủy ban này có được sẽ giúp chỉ ra rõ ràng một lần ai là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tấn thảm kịch xảy ra, và nhờ đó ngăn chặn việc tái diễn những hành động tội ác tương tự trong tương lai.
Dù Nga không tham gia thành lập Ủy ban này vào tháng 12 năm ngoái, nhưng Nga đã có thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm đối với các yêu cầu của Ủy ban Liên minh châu Âu. Người đứng đầu Ủy ban - bà H. Ta-li-a-vi-ni (H.Taliavini), từ lâu đã được biết đến ở Nga là một nhà ngoại giao uy tín của Thụy Sĩ, người có khả năng đưa ra những đánh giá và kết luận độc lập. Phía Nga đã chuyển cho các thành viên và chuyên viên của Ủy ban nhiều tài liệu về tấn thảm kịch năm ngoái thuộc các lĩnh vực quân sự, pháp lý và nhân đạo. Đại diện chính thức của các bộ, ngành của phía Nga đã nhiều lần gặp bà Ta-li-a-vi-ni và các cộng sự của bà, chuyển cho họ những giải trình chi tiết về bản chất và trình tự diễn biến của các sự kiện tháng 8 năm trước.
Bên cạnh việc đánh giá tốt hình thức minh bạch của việc trình bày báo cáo và việc đồng thời giới thiệu nội dung báo cáo đó cho phần lớn các bên quan tâm, Nga hi vọng rằng các tác giả của bản báo cáo đó sẽ tìm ra cách thức phù hợp để chuyển báo cáo đến các đại diện của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a.
Nga cho rằng, những nỗ lực của Ủy ban EU đã không bị phí hoài – bất kỳ người nào biết tư duy đều sẽ rút ra kết luận cốt yếu từ bản báo cáo được công bố ngày 30-9-2009, rằng ban lãnh đạo đương nhiệm của Gru-di-a đã gây ra cuộc chiến xâm lược chống lại Nam Ô-xê-ti-a vào đêm 8-8-2008. Rút cuộc đó là kết quả chính trong công tác của “Ủy ban Taliavini”. Nói cho đúng ra, khó có thể hình dung một cách khác đi nếu nhớ lại nội dung Quân lệnh số 2 gửi cho tham mưu trưởng lữ đoàn bộ binh số 4 các lực lượng vũ trang Gru-di-a: “Nhóm tác chiến có nhiệm vụ tiến hành chiến dịch quân sự tại khu vực Samachablo (Nam Ô-xê-ti-a) và trong vòng 72 giờ phải đánh tan kẻ địch. Khôi phục lại chủ quyền pháp lý cho Gru-di-a tại khu vực này”.
Một điều quan trọng nữa là trong tài liệu đã công bố có trực tiếp chỉ ra những quốc gia đã trang bị vũ khí và huấn luyện quân đội Gru-di-a.
Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng bao hàm nhiều ý nước đôi. Cụ thể, phần nói rằng dường như phía Nga sử dụng sức mạnh không cân xứng đã gợi ra nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, ngay trong bản báo cáo cũng có thể tìm được những lý lẽ cho thấy tính chất giả tạo của những lập luận tương tự. Chẳng hạn, kết luận rất đáng chú ý của giáo sư Đức O. Luchterhandt, người tham gia công tác của “Ủy ban Taliavini” với tư cách chuyên viên độc lập, cho rằng “Nga có thể biện hộ cho chiến dịch quân sự chống lại Gru-di-a của mình bằng quyền tự vệ (theo điều 51 Hiến chương LHQ), cũng như quyền tự vệ tập thể cùng với Nam Ô-xê-ti-a chống lại sự tấn công vũ trang từ phía Gru-di-a”. Những lời bình luận ở đây, như người ta vẫn nói, là thừa. Còn liên quan tới luận điểm về “tính không cân xứng”, thì phía Nga đã áp dụng sức mạnh chỉ để trấn áp những cứ điểm trên lãnh thổ Gru-di-a được sử dụng để tấn công vào Nam Ô-xê-ti-a.
Trong bất kỳ trường hợp nào, bản báo cáo của Ủy ban Liên minh châu Âu cũng tạo thêm điều kiện để suy xét về sự nguy hiểm khi trông cậy vào việc sử dụng sức mạnh để giải quyết các cuộc xung đột, và cho thấy những hành động phiêu lưu tương tự sẽ dẫn đến việc chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia bị phá vỡ và làm tình hình quốc tế thêm căng thẳng nói chung.
Điều quan trọng là làm sao để cộng đồng quốc tế sau này không bỏ lỡ khả năng chú ý kỹ càng tới những kết luận được nêu trong báo cáo của Ủy ban EU. Như phía Nga hiểu, một số cách diễn đạt mơ hồ và nước đôi vẫn phản ánh quan điểm bị chính trị hóa của nhiều nước Liên minh châu Âu đối với các sự kiện tháng 8 năm 2008 và hậu quả của nó. Tuy nhiên, điều này không thể lấn át nổi kết luận chính của bản báo cáo, là Tbi-li-xi có lỗi trong việc gây ra cuộc chiến xâm lược chống Nam Ô-xê-ti-a hòa bình, và những hành động của Gru-di-a là bất hợp pháp./.
(Theo: QĐND)