Thứ Năm, 10/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 15/11/2011 20:24'(GMT+7)

Những lý do khiến Mỹ và I-xra-en chưa thể tấn công I-ran

Chiến hạm và trực thăng chiến đấu của Hải quân I-ran trong một cuộc tập trận ở eo biển Hoóc-mút. (Ảnh: FARS).

Chiến hạm và trực thăng chiến đấu của Hải quân I-ran trong một cuộc tập trận ở eo biển Hoóc-mút. (Ảnh: FARS).

1. Kết cục bi thảm phía trước

Tấn công các cơ sở hạt nhân của I-ran được ví như việc cắt cỏ: Nếu không diệt tận gốc, cỏ sẽ mọc trở lại. Tuy nhiên, gần như chắc chắn là không có một chiến dịch không kích nào có thể hủy diệt toàn bộ những cơ sở và kho nhiên liệu hạt nhân của I-ran. Quốc gia Hồi giáo này sở hữu nhiều cơ sở kiên cố ở những địa điểm bí mật rất khó bị tấn công. Thậm chí ngay cả khi chiến dịch quân sự có thể phá hủy toàn bộ các cơ sở hạt nhân của I-ran thì nước này có thể tập trung toàn lực đầu tư và phục hồi sản xuất chỉ trong vòng từ 2 tới 3 năm. Như vậy I-xra-en sẽ phải tấn công I-ran “theo định kỳ” 18 tháng một lần. Nếu trường hợp này xảy ra, I-xra-en và I-ran sẽ ở trong trạng thái đối đầu thường trực và Trung Đông sẽ bị nhấn chìm trong biển lửa.

2. Mỹ sẽ tổn thất nặng nề

I-ran nắm giữ những quân bài quan trọng có thể làm cho nền kinh tế Mỹ phải “lao đao”. Nếu I-ran phong tỏa tuyến hàng hải nhộn nhịp qua eo biển Hoóc-mút (con đường vận chuyển 40% lượng dầu mỏ của thế giới) sẽ đẩy nền kinh tế “mỏng manh” mới hồi phục của Mỹ gánh chịu giá dầu mỏ tăng vọt. I-ran cũng có thể can thiệp vào Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, khiến tình hình an ninh tại các quốc gia này trở nên hỗn loạn. Về khả năng quân sự, I-ran khó có thể vươn tới Mỹ nhưng dễ dàng tới khu vực Trung Đông, Bắc Phi… Và họ “có thừa” khả năng phát động một cuộc thánh chiến chống lại các lợi ích của Mỹ và I-xra-en tại đây.

3. Tấn công quân sự sẽ “nâng tầm” ảnh hưởng của I-ran

Cấm vận không bao giờ có thể ngăn I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân nếu họ thực sự muốn, nhưng đã cô lập hóa quốc gia Hồi giáo này. Một vụ tấn công do I-xra-en thực hiện sẽ phá bỏ đi sự cô lập kể trên và mang lại nhiều tác dụng xấu, đặc biệt trong thời điểm thế giới A-rập đang rối loạn bởi các cuộc biểu tình như hiện nay. Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia A-rập sẽ “vui vẻ” nếu I-ran bị kiềm chế và suy yếu nhưng một vụ tấn công trực tiếp của I-xra-en sẽ để lại một “bãi lầy” mà Mỹ sẽ phải vất vả để dọn dẹp. Bởi thế giới Hồi giáo bị cuốn vào ý nghĩ về sự hiếu chiến của I-xra-en và “tiêu chuẩn kép” của Mỹ.

4. I-xra-en hay thế giới?

Vào thời điểm hiện tại, khi uy tín trên trường quốc tế đang ở trạng thái thấp và dính vào hai cuộc chiến chưa tìm thấy lối ra, Mỹ sẽ không muốn tham dự vào một cuộc chiến tranh mới. Hiện nay, lợi ích của Mỹ gắn chặt với I-xra-en. Nếu I-xra-en tấn công I-ran, Mỹ có thể gián tiếp tham gia thông qua các hành động như viện trợ vũ khí. Tuy nhiên, hai chiến trường khác của Mỹ là I-rắc và Áp-ga-ni-xtan hiện vẫn chưa kết thúc. Nếu tiếp tục sa vào một cuộc chiến nữa thì uy tín của Oa-sinh-tơn trên trường quốc tế sẽ bị giảm xuống cực điểm.

5. Gánh nặng ngân sách

Nền kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn phục hồi mong manh. Dù Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã tuyên bố rút quân khỏi I-rắc, nhưng việc phân bổ thêm nguồn lực cho khu vực Trung Đông sẽ lần nữa gây ra những vấn đề căng thẳng cho ngân sách Mỹ, vốn đang thâm hụt trầm trọng. Thêm một cuộc chiến nữa, cho dù sự tham gia của Mỹ là hạn chế, cũng sẽ đặt rất nhiều áp lực về tài chính lên chính quyền Ô-ba-ma, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần./.

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất