Chủ Nhật, 1/5/2016 8:56'(GMT+7)
Kiều bào với Trường Sa:
Những món quà nghĩa tình hướng về đảo xa
Sau chuyến đi Trường Sa năm 2015, Trần Hải Linh cùng với các thành viên còn tổ chức nhiều hoạt động để đưa những thông tin chính xác nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cũng như bạn bè quốc tế và nhân dân Hàn Quốc. Nhóm đã tổ chức các cuộc triển lãm tranh lớn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và những hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không cũng như an ninh trong nước và khu vực trên các vùng miền của Hàn Quốc
Sau khi trở về từ chuyến thăm huyện đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức vào năm 2015, đại diện Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã vận động cộng đồng ở đây chung tay đóng góp và có các món qu à thiết thực tặng những người con Việt đang ngày đêm bảo vệ Trường Sa trong chuyến đi lần này.
* Đưa công nghệ hiện đại... phục vụ lính đảo
Những ai từng đặt chân đến các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa hay nhà giàn DK1 mới hiểu hết những khó khăn của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất đã được cải thiện nhiều nhưng thời tiết khắc nghiệt, gió bão giữa mênh mông biển nước nên các chiến sĩ phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt hay rau xanh để ăn.
Thấu hiểu thực tế ấy, sau chuyến thăm Trường Sa lần đầu tiên năm 2015, Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cùng một số thành viên đã suy nghĩ, quyết tâm thành lập quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam; đồng thời, vận động cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc xây dựng dự án tặng Trường Sa một món quà thật đặc biệt, gồm máy hút độ ẩm không khí thành nước ngọt, máy phát điện năng lượng mặt trời và hệ thống dàn rau đất, thủy canh với tổng trị giá 28.000 USD.
“Có đi mới thấy hết những khó khăn của các chiến sĩ ở Trường Sa. Do đó, trong chuyến trở lại Trường Sa lần này, nhóm chúng tôi mong muốn ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như chia sẻ những kiến thức chuyên môn của mình để cải thiện đời sống của các chiến sĩ nơi đảo xa”, Trần Hải Linh tâm sự.
Là một giảng viên tại trường Đại học quốc gia Chonbuk với chuyên ngành công nghệ sinh học, Linh có điều kiện tiếp cận với những công nghệ tiến bộ ở Hàn Quốc. Do đó, ngay sau khi quay trở về Hàn Quốc, anh đã bàn bạc với một số đơn vị, bạn bè ở Hàn Quốc để nghiên cứu máy hút độ ẩm không khí thành nước ngọt. Chỉ cần độ ẩm không khí ở mức 65% trở lên, hệ thống máy này có thể chuyển đổi thành 20 lít nước ngọt/giờ. Đây là một thành tựu khoa học công nghệ mới chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Không những thế, để đảm bảo có năng lượng cho máy hoạt động, nhóm cũng mang tới hệ thống máy phát điện năng lượng mặt trời đủ công suất cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các chiến sĩ.
Ngoài ra, nhóm người Việt tại Hàn Quốc cũng mang ra một số dàn rau trồng thủy canh và dàn rau đất để tìm ra cách nuôi trồng hợp lý, phục vụ thêm nhu cầu rau xanh cho cán bộ chiến sĩ ngoài Trường Sa. Những giống rau này được nhóm tập hợp mang về từ Hàn Quốc, với các đặc tính chịu mặn và nhiệt cao, phù hợp với khí tượng thủy văn ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Theo anh Nguyễn Trung Kiên, thành viên của nhóm đồng thời là Phó chủ nhiệm quỹ Vì chủ quyền biển đảo cho biết: Ưu điểm của công nghệ trồng rau mới của Hàn Quốc là có hệ thống tưới nước tiết kiệm, rất dễ dàng sử dụng trong điều kiện sóng gió rất khắc nghiệt như ngoài đảo xa và có thể di chuyển thuận lợi hệ thống bảo vệ rau khi bão gió lớn.
Những thiết bị trên được nhóm người Việt tại Hàn Quốc trao tặng cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm Colin, Đá Lát và Nhà giàn DK1/17. Việc vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam rồi mang ra Trường Sa là cả một vấn đề, có lẽ họ khó có thể làm được nếu thật sự không có tâm huyết với đất nước. Đặc biệt, khi đến Nhà giàn DK1, những người con xa quê hương ấy đã không quản ngại khó khăn, vất vả cùng các chiến sĩ đưa các thiết bị máy móc lên để lắp đặt trong điều kiện sóng to gió lớn.
* Hướng về Trường Sa
Ngay từ khi sinh ra, ông Lý Thừa Vĩnh (Lee Soung Young), Chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc đã được nuôi dạy như một hoàng tử. Cách đây 22 năm, ông cùng một số thành viên trong dòng họ đã về Bắc Ninh nhận gia phả và làm lễ cúng tổ tiên. Trong một xã hội khá khép kín như Hàn Quốc trước đây, việc tự nhận là một người gốc Việt không phải là một điều dễ dàng. Song từ lúc còn nhỏ , bản thân ông đã ý thức mình là người Việt và luôn tự hào về điều đó. Trong chuyến đi này, ông nổi bật với chiếc áo thun màu đỏ có ngôi sao vàng trước ngực, tượng trưng cho lá cờ đỏ của Việt Nam, phía sau lưng là hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .
Ông Lý Thừa Vĩnh chia sẻ, ngay từ khi đi học, bản thân ông đã biết có sự tồn tại của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng hầu như không quan tâm lắm. Đến khi cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có những cuộc đấu tranh, biểu tình ôn hòa phản đối sự xâm chiếm trái phép tại quần Trường Sa, ông mới bắt đầu quan tâm, hỏi thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và xem thông tin trên Internet để hiểu hơn về tình hình biển đảo ở quê hương.
“Khi có một số đài, báo nước ngoài và một số người gọi quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, tôi đã lên tiếng phản đối và cải chính ngay với người bên cạnh rằng: Đây là Trường Sa, Hoàng Sa nằm trong khu vực Biển Đông của Việt Nam. Ở Hàn Quốc những thông tin này không nhiều, tôi lại không biết nhiều về tiếng Anh hay tiếng Việt nên nhờ chuyến đi này, được thấy tận mắt biển đảo quê hương đã giúp tôi củng cố niềm tin hơn”, ông Lý Thừa Vĩnh chia sẻ.
Trở lại với câu chuyện của Trần Hải Linh, sau chuyến đi Trường Sa năm 2015, anh cùng với các thành viên còn tổ chức nhiều hoạt động để đưa những thông tin chính xác nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cũng như bạn bè quốc tế và nhân dân Hàn Quốc. Nhóm đã tổ chức các cuộc triển lãm tranh lớn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và những hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không cũng như an ninh trong nước và khu vực trên các vùng miền của Hàn Quốc . Đồng thời, đưa vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra một hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Busan vào năm 2015 với những giáo sư đầu ngành trên những lĩnh vực luật pháp quốc tế và luật pháp về biển.
Đặc biệt, trước những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông như đưa máy bay quân sự ra đảo đá Vành Khăn của Trường Sa cũng như các tên lửa, ra đa tại đảo Phú Lâm (huyện Hoàng Sa, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc trong tháng 3 vừa qua đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa đúng theo luật pháp của Chính phủ Hàn Quốc tại thành phố Seoul và Busan. Hội người Việt tại Hàn Quốc cũng đưa ra tuyên bố chung của cộng đồng bao gồm 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Hàn và Trung; qua đó thể hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc luôn sát cánh với đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Sự sẻ chia, tâm huyết của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đã gây nhiều ấn tượng với các kiều bào khác trong chuyến đi và tạo ra một “làn sóng” ủng hộ Trường Sa một cách thiết thực./.
Hứa Chung/TTXVN