Diễn ra tại Quảng trường Liên hợp quốc ở Geneva, hoạt động đã thu hút không chỉ những người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thụy Sĩ, những người bạn quốc tế yêu mến và quan tâm đến Việt Nam mà ngay cả nhiều du khách tại thành phố quốc tế Geneva.
Triển lãm về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông tập hợp khoảng 110 bản đồ cổ, tài liệu, tư liệu, hình ảnh, thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Trong số các bản đồ, tư liệu cổ được trưng bày, đáng chú ý có một số trích đoạn của Đại Nam thực lục tiền biên (bộ sách sử quan trọng nhất của triều đại nhà Nguyễn, 1802-1945, do chính nhà Nguyễn tổ chức biên soạn trong 88 năm từ 1821 đến 1909), tư liệu chính thức đầu tiên xác nhận từ đầu thế kỷ 18, chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đã xác lập và thực thi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra còn có các bản đồ do các nhà hàng hải người Hà Lan, Bồ Đào Nha… thực hiện hồi cuối thế kỳ 16, đầu thế kỷ 17, về khu vực Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, xác nhận chủ quyền tự nhiên và lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo này.
Bên cạnh đó còn có các bản đồ cổ của Trung Quốc cũng như của nhiều nước chứng minh Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Gần đây hơn, triển lãm giới thiệu các tài liệu, tư liệu, hình ảnh về việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, 1994 và các hình ảnh thể hiện Trung Quốc có những hành động phi pháp bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông từ đầu năm 2014 đến nay, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực.
Triển lãm đã nhận nhiều sự quan tâm và đánh giá tích cực từ người tham quan. Những bản đồ, tư liệu nói trên đã từng được trưng bày tại một số nước châu Âu như Pháp và Đức và lần này, triển lãm đến với Geneva với mong muốn của các nhà tổ chức là giúp những người tham quan có một góc nhìn cụ thể hơn về vấn đề Biển Đông.
Cũng trong khuôn khổ của sự kiện trên, buổi tọa đàm về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông đã diễn ra với sự tham gia của luật sư Pierre Schifferli từ Đoàn luật sư Geneva và Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, bà Anjuska Weil.
Tại đây, hai diễn giả đã lưu ý về mức độ nguy hiểm và diễn tiến nhanh chóng của những tranh chấp tại Biển Đông, vấn đề không chỉ liên quan đến các quốc gia trong khu vực mà thực sự chứa đựng những yếu tố vượt ra ngoài khu vực như vấn đề an ninh hàng hải.
Bà Anjuska Weil cảnh báo: "Thế giới ngày nay rất nhỏ bé, sự bất ổn khu vực có thể lan toả nhanh chóng tạo ra những bất ổn toàn cầu". Liên quan đến việc giải quyết cuộc tranh chấp phức tạp này trong bối cảnh hiện nay, luật sư Pierre Schifferli khẳng định sử dụng các biện pháp hoà bình, theo luật pháp quốc tế là phương thức số một.
Sau cùng, các nhà tổ chức và những người tham gia đã cùng ký "Thỉnh nguyện thư" gửi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhằm phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Với tên gọi "Cùng chung sức góp tiếng nói phản đối mạnh mẽ", thỉnh nguyện thư nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hành động xâm chiếm, quân sự hóa Biển Đông, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Những người ký thỉnh nguyện thư cũng đề nghị Tổng Thư ký LHQ, Tòa án quốc tế về Luật Biển, các tổ chức quốc tế có trách nhiệm và lãnh đạo các nước trên thế giới lên án hành động của Trung Quốc, hỗ trợ các nước tại Đông Nam Á và có hình thức can thiệp cần thiết để giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông.
Tiếp tục các hoạt động vì hòa bình trên Biển Đông, Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ và Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, dự kiến sẽ tổ chức một cuộc biểu tình với chủ đề “Hòa bình cho Việt Nam - Hòa bình trên Biển Đông” vào ngày 23/4, tại thành phố Zurich (Thụy Sĩ), nhằm phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc đang quân sự hóa trên Biển Đông.
Đây là hoạt động tiếp nối của quầy thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, được tổ chức từ nhiều tuần nay bởi những người Việt Nam tại Zurich và Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam.
Cụ thể, vào các dịp cuối tuần ngay tại khu phố trung tâm Bahnhofstrasse thành phố Zurich, các nhà tổ chức phân phát hàng trăm tờ thông tin cho mọi người trên đường phố và giải thích rõ cho bạn bè quốc tế về tình hình biển Đông và chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
TTXVN