Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, sáng 24/1,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn Cấp cao Việt Nam
rời Hà Nội, lên đường đi Ấn Độ, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ và
Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ, từ ngày 24 - 26/1.
Nhân chuyến thăm này, tờ Times of India của Ấn Độ đã trang trọng đăng
bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thúc đẩy
hơn nữa quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ
dựa trên những giá trị lâu dài vốn được tạo ra nhờ sự tương tác giữa
các nền văn hóa và truyền thống. Trong 25 năm hợp tác, ASEAN và Ấn Độ đã
thiết lập mối quan hệ hữu nghị truyền thống nhằm nuôi dưỡng nền tảng
vững chắc để xây dựng mối quan hệ chính trị đáng tin cậy, mở đường cho
sự hơp tác hiệu quả, toàn diện giữ hai bên vì hoà bình và thịnh vượng
chung.
Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần này được tổ chức
tại New Delhi là một cột mốc lịch sử thể hiện mối quan hệ tuyệt vời giữa
hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định với nền tảng vững chắc và to lớn
này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ phải nỗ lực đưa quan hệ đối tác
chiến lược lên tầm cao mới. Để đạt được mục tiêu, hai bên trước hết cần
xác định hợp tác thương mại và đầu tư là động lực chính thúc đẩy quan hệ
đối tác chiến lược, và tận dụng hết khả năng của hai khu vực kinh tế
năng động nhất, với tổng dân số 1,85 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội
(GDP) đạt 3.800 tỷ USD trong năm ngoái, cũng như thực hiện hiệu quả các
hiệp định thương mại và đầu tư để phát huy tiềm năng của hai bên.
Để có thể đẩy mạnh sự kết nối vốn là một động lực quan trọng thúc đẩy
mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự kết
nối song phương cần được xem là một ưu tiên chiến lược. Các dự án và các
cam kết như Cao tốc Ấn Độ-Thái Lan-Myanmar, các thỏa thuận về vận tải
hàng hải, hàng không và tín dụng...đều nằm trong những thỏa thuận có vai
trò đặc biệt quan trọng và cần được thực hiện một cách liên tục, xuyên
suốt để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với những tiến bộ trong
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Ấn Độ, với vai trò là nước dẫn đầu. có
thể thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong các lĩnh vực như đổi
mới, kết nối các ngành công nghiệp khác nhau và tham gia vào chuỗi giá
trị toàn cầu, từ đó sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển
của mối quan hệ song phương. Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng các nước
ASEAN để hiện thực hóa "Tầm nhìn ASEAN 2025" - với mục đích hình thành
một khối ASEAN dựa trên cơ sở luật pháp và lấy người dân làm trung tâm
trong một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng - kết nối với chính
sách Đông Nam Á của Ấn Độ.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với sự gia tăng những căng thẳng địa -
chính trị, những thách thức từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa
khủng bố, tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh mạng..., Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc cũng bày tỏ hy vọng về quan hệ hợp tác toàn diện trong nhiều
lĩnh vực với Ấn Độ trên cơ sở hòa bình, ổn định và tôn trọng pháp quyền
trong khu vực và trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2017 đã ghi nhận một số bước tiến
mới trong quá trình xây dựng COC, bao gồm việc ASEAN và Trung Quốc chính
thức thông qua dự thảo khung COC và tuyên bố khởi động tiến trình đàm
phán COC. Đây là những dấu hiệu tích cực và khả quan, và tất cả các bên
cần duy trì bầu không khí này cả trong quá trình đàm phán. Cụ thể, các
bên cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong Tuyên bố về ứng xử
của các bên ở Biển Đông (DOC) và thực thi những biện pháp nhằm xây dựng
lòng tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời nhấn mạnh việc duy trì hoà bình, ổn
định, an ninh, an toàn hàng hải và an toàn bay trên các đại dương nói
chung và trong khu vực nói riêng là một mục tiêu và sứ mệnh chung của
tất cả các nước. Để đạt được mục tiêu này, tất cả các nước cần tuân thủ
luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)
năm 1982 và các quy trình liên quan.
Theo Thủ tướng, do tình hình khu vực đang diễn biến theo chiều hướng
ngày càng phức tạp và tình trạng quân sự hóa có xu hướng gia tăng, việc
đạt được COC mang tính ràng buộc hợp pháp sẽ là một đóng góp quan trọng
cho hòa bình và ổn định trong khu vực nói chung và đặc biệt là ở Biển
Đông nói riêng./.
(TTXVN)