Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 15/6/2009 23:49'(GMT+7)

Những nghĩa cử cao đẹp

Phong trào HMNĐ của tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân, nhất là thanh niên về việc hiến máu đã thay đổi, đưa đến những kết quả đáng mừng. Đã có nhiều tấm gương tập thể, cá nhân hiến máu nhiều lần và vận động được nhiều người tham gia hiến máu.

Nhờ nguồn máu tình nguyện, nhiều người bệnh đã được cứu chữa kịp thời. Phong trào hiến máu tự nguyện cũng đã tạo nên một lối sống tốt đẹp trong cộng đồng; thúc đẩy những nghĩa cử cao đẹp, nâng cao giá trị phẩm chất và lòng nhân ái của con người.

Tuy nhiên, lượng máu thu được hàng năm cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh. Đã có nhiều người bệnh tử vong do không có máu để truyền. Và đây cũng là tình trạng chung của cả nước, lượng máu huy động được chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Tình trạng thiếu máu thường xuyên xảy ra, nhất là vào dịp hè, tết do có ít người hiến máu tình nguyện (lực lượng sinh viên nghỉ học về nhà).

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một nước muốn bảo đảm an toàn truyền máu cần đạt được tỉ lệ 2% người tham gia hiến máu, nghĩa là phải có 20/1.000 người dân tham gia hiến máu. Trong khi đó ở nước ta, tỉ lệ này mới chiếm hơn 5/1.000 dân, và nếu tính riêng người hiến máu nhân đạo thì tỉ lệ này còn thấp hơn, mới đạt 3/1.000 dân.

Để cải thiện tình hình, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Ở nhiều nước trên thế giới, hiến máu đã trở thành việc làm của cả cộng đồng, trong đó có sự tham gia tích cực của các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo thường đăng ký và hiến máu đầu tiên để động viên mọi người cùng hăng hái hiến máu cứu người bệnh, tạo dựng một nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng.

Hiến máu là việc làm tự nguyện, xuất phát từ tình thương, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Do chưa có luật quy định trách nhiệm của người dân trong việc hiến máu cứu người bệnh, cho nên việc tham gia chỉ đạo, lãnh đạo và động viên của các nhà lãnh đạo, người quản lý có vai trò vô cùng quan trọng, nhằm biến chủ trương thành hiện thực.

Mặt khác, để đảm bảo cho phong trào HMNĐ ngày càng hiệu quả hơn và thực sự phát triển bền vững, theo các chuyên gia, cần sớm có Chương trình máu quốc gia, bao gồm nguồn người hiến máu, tiêu chuẩn xét nghiệm sàng lọc, sản xuất chế phẩm máu và sử dụng máu trong lâm sàng.

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã khẳng định: an toàn truyền máu là một trong chính sách ưu tiên hàng đầu của các quốc gia đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chính phủ các nước phải cam kết từ nay đến năm 2010 và chậm nhất là đến năm 2015 đạt chỉ tiêu 100% người cho máu tình nguyện, xóa bỏ tình trạng mua bán máu.

Ngọc Minh( binhđinh.Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất