Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 11/6/2009 10:54'(GMT+7)

Bộ trưởng Y tế day dứt với tình trạng vệ sinh thực phẩm

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Ông Triệu kể lại, khi nghe thông tin kẹo trộn bột đá, ông đã cử thanh tra làm rõ. Tuy nhiên, thanh tra báo cáo lại đây là một loại phụ gia sản xuất kẹo chứ không phải bột đá. "Thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều khi không nghiêm trọng như báo chí đã đưa", ông Triệu nói.

Theo ông Triệu, nhận thức của nhiều ngành đối với vấn đề an toàn thực phẩm chưa cao. Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương mới đây, theo giấy mời là bộ trưởng, thứ trưởng tham dự nhưng "nhìn xuống thấy toàn vụ phó".

"Tôi rất day dứt, đau khổ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao ý thức toàn dân, toàn xã hội. Bộ máy nhân lực ngang tầm, đầu tư tương xứng, chế tài phải đủ mạnh, bởi đầu tư cho an toàn vệ sinh thực phẩm là đầu tư cho phát triển", ông Triệu bày tỏ.

Trước đó, trong phiên thảo luận kéo dài cả ngày, phần lớn đại biểu tỏ ý quan ngại trước tình trạng cơ quan chức năng không thể kiểm soát thực phẩm trên thị trường.

Mở đầu phần phát biểu, đại biểu Bùi Thị Hòa nêu những con số ấn tượng, nước ta chỉ có 8,5% diện tích rau an toàn, 51% cơ sở giết mổ đạt yêu cầu, 6% cơ sở ăn uống đường phố đủ điều kiện vệ sinh... Theo đại biểu Hòa, con số trên đã trả lời cho tình trạng sữa kém chất lượng, kẹo làm bằng bột đá, thịt heo bơm nước tăng trọng và nhiều thực phẩm kém chất lượng hiện diện trong bữa ăn của người dân.

Đại biểu này cho rằng, một phần nguyên nhân là nhận thức của nhân dân chưa cao, bởi khi có dịch tả vẫn nhiều người ăn thịt chó. Trong khi đó, việc kiểm tra chưa thường xuyên, chưa có thanh tra chuyên ngành mà chỉ kiêm nhiệm.

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng nêu nguyên nhân vi phạm vệ sinh thực phẩm do mức xử phạt nhẹ quá. Chưa có nghiên cứu khảo sát nào để doanh nghiệp phải bồi thường, người dân như vụ nước tương đen. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất càng "nhờn" luật. "Nếu không làm tốt vệ sinh thực phẩm thì tức thời có hàng nghìn người ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Lâu dài như sữa có Melamine gây sỏi thận, nước tương đen chứa 3MCPD gây ung thư. Gần 2/3 dân số nước ta mang giun, sán trong người, là hậu quả của nguồn thực phẩm ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng cho trẻ em, ảnh hưởng đến giống nòi", bà Hằng phát biểu.

Các đại biểu khác cũng cho rằng, do kiểm tra vệ sinh thực phẩm không làm đến nơi đến chốn. Ví dụ như kiểm thanh tra theo từng đợt, "đến hẹn mới lên", các vụ việc lại phát hiện rất ít, xử lý chưa nghiêm, 5 năm mới xử lý được hơn 100 vụ.

93% cơ sở ăn uống không được quản lý, chưa kiểm tra được từ nơi cung cấp nguyên liệu đầu. 9,6 triệu hộ nông dân, trong đó nhiều hộ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoa quả gây ảnh hưởng cho con người.

Nguyên nhân là chính quyền các cấp chưa vào cuộc mà khoán trắng cho ngành y tế. Ngoài ra, chưa có cơ quan quản lý riêng về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương, nhiều văn bản chỉ đạo nhưng chồng chéo, nên thanh kiểm tra kém hiệu quả...

Nâng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm thành Tổng cục; xây dựng Luật vệ sinh an toàn thực phẩm là đề nghị của nhiều đại biểu. Theo đại biểu Mã Điền Cư, cần ban hành chỉ đạo soạn thảo Luật an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội xem xét thông qua và bổ sung các văn bản. Đề nghị tách trách nhiệm các cơ quan liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm, hành năm Bộ Y tế phải có chương trình hành động cụ thể.

Các ý kiến khác cho rằng, phải thành lập Ban chỉ đạo liên ngành các cấp, có cơ quan riêng quản lý vệ sinh thực phẩm, có thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy nêu kiến nghị phải công khai hóa kết quả thanh kiểm tra. Với các quảng cáo về thực phẩm dinh dưỡng cũng phải làm rõ để định hướng cho người tiêu dùng. "Cần tăng cường thanh tra vi phạm, tăng phạt nặng xử lý hình sự, hiện xử lý còn nhẹ nên không có tính răn đe. Như đội mũ bảo hiểm làm nhẹ thì không có ngày hôm nay. Hằng năm Chính phủ, UBND các cấp phải duy trì báo cáo kết quả quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm cho Quốc hội và HĐND các cấp để tăng cường công tác giám sát", đại biểu Thụy nhận xét.

Đại biểu Nguyễn Văn Phát yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở vi phạm. Ngoài ra, cần quan tâm trình độ cán bộ, cơ sở vật chất để phát hiện các độ tố, khả năng đối phó tình hình khi xảy ra bệnh dịch.

Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng cho rằng nhà nước cần tăng đầu tư, trước mắt có thể ảnh hưởng tới ngân sách song hiệu quả lâu dài. Đặc biệt là phải phân vùng sản xuất nông sản an toàn, tuyên truyền đầy đủ chính sách, đưa lên phương tiện đại chúng các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Cuối phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường, nhận xét, nhìn toàn cảnh về vệ sinh an toàn thực phẩm đã có tiến bộ đáng kể, nhiều sản phẩm trong nước bán "chạy" tại nước ngoài. Kết quả của đoàn kiểm tra cho thấy rau đạt yêu cầu 91%, rau có hóa chất chiếm 8%, còn lại là ô nhiễm vi sinh vật. Nhiều thịt cá có hàn the, phẩm màu chế biến do vậy khoảng 38% thực phẩm không đạt yêu cầu.

Ông Vang cũng đưa ra kiển nghị đầu tư mạnh hơn các phòng thí nghiệm, thiết bị kiểm định nhanh, phân công trách nhiệm giữa các ngành, tăng cường xử phạt...

(Theo VnExpress)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất