Thứ Hai, 25/11/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 14/1/2012 15:34'(GMT+7)

Chung tay cải cách thủ tục hành chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khai trương hệ thống thông quan điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khai trương hệ thống thông quan điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khâu đột phá để cải cách hành chính

Thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Thông qua thủ tục hành chính, các cá nhân, tổ chức thực hiện được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và đồng thời, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính là một khâu quan trọng để cải cách hành chính. Chính phủ xác định, trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn nên chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như: Cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy, …chúng ta chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá vì thông qua cải cách thủ tục hành chính, chúng ta có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; qua đó, chúng ta có thể xây dựng bộ máy phù hợp và từ đó có thể lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu công việc. Cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: Nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp của bộ máy hành chính; thực hiện chính phủ điện tử,…

Theo Tiến sĩ Ngô Hải Phan, Cục trưởng cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, đến nay, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để đơn giản hóa hơn 3000 thủ tục hành chính. Nhiều bộ, ngành đã hoàn thành tốt việc thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ, ngành chậm trễ trong việc thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp...

Hàng chục nghìn tỷ đồng tiết kiệm từ cải cách thủ tục hành chính

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, nhờ cải cách thủ tục hành chính mà trong những năm qua, chúng ta đã tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng. Ví dụ, các thủ tục về hóa đơn thuế đã được cải cách theo hướng cho phép các doanh nghiệp được tự in hóa đơn và thay vì đăng ký, doanh nghiệp chỉ phải thông báo cho Bộ Tài chính khi phát hành và sử dụng mẫu hóa đơn tự in giúp tiết kiệm gần 400 tỷ đồng/năm. Đối với các thủ tục về kê khai thuế, nộp thuế đã thực hiện phân loại đối tượng để giảm tần suất kê khai thuế và nộp thuế cho phù hợp, ước tính tiết kiệm được khoảng 1.068 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hải quan, thực hiện cải cách về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua việc hiện đại hóa và nhân rộng thủ tục khai hải quan điện tử, tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia kết nối với các bộ, ngành liên quan để thực hiện thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; thay “đăng ký” thành “thông báo” đối với một số thủ tục như “đăng ký hợp đồng gia công”, “đăng ký, điều chỉnh và kiểm tra định mức”, “đăng ký hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan”… Những cải cách này ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 565 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ

“Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”.

Trong lĩnh vực tư pháp, đề xuất bãi bỏ yêu cầu công chứng, chứng thực bắt buộc đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản ước tính tiết kiệm khoảng 2.708 tỷ đồng/năm và rút ngắn quá trình hoàn tất các giao dịch về bất động sản. Trong lĩnh vực lao động-thương binh-xã hội: Giảm dần sự can thiệp của cơ quan hành chính đối với các hoạt động của doanh nghiệp như loại bỏ thủ tục đăng ký thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp ngoài nhà nước và thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, ước tính tiết kiệm khoảng 163 tỷ đồng/năm…

Chung tay cải cách thủ tục hành chính

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng: Cải cách thủ tục hành chính không chỉ là rà soát để cắt giảm hoặc sửa đổi các quy định về thủ tục, mà quan trọng hơn là khâu triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trong thực tế. Do đó, kiểm soát thủ tục hành chính chính là kiểm soát việc lạm dụng quyền lực của cán bộ công chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

Cục trưởng cho biết tiếp: Nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong năm 2012 là nghiên cứu xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các cơ chế, chính sách; đưa kết quả cải cách vào đời sống để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính được ưu tiên đầu tiên là các bộ, ngành cần sớm hoàn thành việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, về thực hiện cơ chế, chính sách... nhằm đưa những kết quả của cải cách thủ tục hành chính vào đời sống. “Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, cần phải được tập trung thực hiện một cách quyết liệt nhất bởi chỉ có như vậy người dân mới nhanh chóng được thụ hưởng những kết quả mà công tác cải cách thủ tục hành chính mang lại”- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, nếu thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và gây lãng phí về tiền của và thời gian cho người dân cũng như doanh nghiệp. Ngược lại, thủ tục hành chính chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý sẽ là động lực thúc đẩy các nguồn lực xã hội, phát huy tính sáng tạo, khuyến khích đầu tư, tạo việc làm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đề nghị tất cả mọi công dân Việt Nam hãy “chung tay cải cách thủ tục hành chính”. Người dân có thể hiến kế về cải cách thủ tục hành chính, đề xuất các ý tưởng khả thi có thể nhân rộng để áp dụng trong nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, phát hiện những vấn đề bất cập trong các quy định hiện hành về thủ tục hành chính trên thực tế. Các ý kiến này có thể được gửi vào hộp thư điện tử: chungtaycaicach@thutuchanhchinh.vn hoặc gửi qua đường bưu điện tới địa chỉ: Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn Phòng Chính phủ - Số 1 - Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội./.

(Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất