Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 13-11-2008 và đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 28-11-2008. Luật gồm sáu chương, với 44 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2009.
Theo quy định của Luật, quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề quốc tịch đối với một quốc gia, ngay sau khi tuyên bố độc lập, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới việc ban hành pháp luật về quốc tịch Việt Nam, quy định ai là công dân Việt Nam. Ngày 20-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh đầu tiên số 53/SL quy định một số vấn đề cơ bản nhất về quốc tịch Việt Nam.
Sau khi miền nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất về một Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988 và tiếp theo là Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998.
So với bối cảnh ban hành Luật năm 1998, thì hiện nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Vấn đề quốc tịch Việt Nam cũng cần có những đổi mới cho phù hợp.
Ðể đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta về đại đoàn kết toàn dân tộc, coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, do vậy Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tư thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam với nhiều nội dung mới quan trọng sau đây:
Thứ nhất là về nguyên tắc quốc tịch (Ðiều 4). Ðể bảo đảm tính xuyên suốt, truyền thống của nguyên tắc một quốc tịch, đồng thời được áp dụng một cách mềm dẻo hơn, khắc phục được mâu thuẫn trong Luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, Luật tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch, những trường hợp ngoại lệ có thể đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quy định cụ thể trong các điều luật.
Việc khẳng định một số ngoại lệ có thể có hai quốc tịch không có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch mà chỉ là sửa đổi nguyên tắc này cho mềm dẻo hơn, phù hợp hơn so với Luật năm 1998. Những trường hợp ngoại lệ này là những trường hợp được Chủ tịch nước cho phép khi xin nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 3 Ðiều 19), xin trở lại quốc tịch Việt Nam (khoản 5 Ðiều 23); trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi (Ðiều 37) và trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Ðiều 13).
Ðiểm mới thứ hai là việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (Ðiều 13). So với Luật Quốc tịch 1998, Luật quy định rõ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Ðiều 13).
Việc quy định phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là giải pháp cụ thể để trong một thời gian nhất định Nhà nước ta xác định được những ai trong số hơn ba triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Qua đó, xác định rõ ràng tình trạng quốc tịch của họ, tạo điều kiện để làm tốt công tác quản lý về quốc tịch, thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân cũng như các chính sách ngày càng rộng mở của Ðảng và Nhà nước đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Luật cũng bổ sung quy định việc không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là căn cứ để xác định mất quốc tịch Việt Nam theo khoản 3 Ðiều 26.
Ðiểm mới thứ ba là giải quyết vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam. Luật quy định "Người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ hai mươi năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định" (Ðiều 22). Ðây là quy định rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết cho một bộ phận những người đang thường trú ở Việt Nam, chưa có quốc tịch Việt Nam mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam theo một trình tự, thủ tục đơn giản, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Ðiểm mới thứ tư là, bổ sung trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch (các Ðiều 21, 25, 29, 32 và 34) nhằm cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa các trình tự, thủ tục này; quy định thời gian giải quyết hồ sơ ở từng công đoạn trong quy trình, tương ứng với trách nhiệm và tính chất công việc phải giải quyết của từng cơ quan, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết các việc về quốc tịch, tạo điều kiện cho người dân có cơ sở pháp lý yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các việc về quốc tịch.
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là một đạo luật rất quan trọng, trực tiếp xác định ai là công dân Việt Nam, qua đó làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.
Luật có nhiều quy định mới, thông thoáng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, là một đóng góp quan trọng cho việc thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Ðảng và Nhà nước ta./.
(Theo Nhân Dân điện tử)