Phát biểu tại Hội thảo "Rà soát những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuỷ sản" vừa diễn ra sáng nay (23/12), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lương Lê Phương nhấn mạnh, Luật Thuỷ sản ra đời đã thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, để đưa Luật vào cuộc sống, chúng ta cần thống nhất việc điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các nội dung, điều, khoản, điểm của Luật cho phù hợp với thực tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về các điều, khoản quy định như đăng ký tàu cá, việc giao, cho thuê, thu hồi mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản; đóng mới, cải hoán tàu cá và các vấn đề về quy hoạch thuỷ sản...
Luật Thuỷ sản đã được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 26/11/2003 tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2004. Luật Thuỷ sản ra đời là khung pháp lý cao nhất quy định bao quát toàn bộ các nội dung của hoạt động thuỷ sản bao gồm: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hoạt động thuỷ sản; chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu thuỷ sản...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật còn gặp một số vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi. Cụ thể như: Luật quy định rõ việc khuyến khích phát triển tàu cá xa bờ nhưng các quy định, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong hoạt động khai thác thuỷ sản ven bờ còn chậm thực hiện. Trong công tác thống kê nghề cá như: đánh giá nguồn lợi thuỷ sản, quy hoạch thuỷ sản nói chung và quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản, quy hoạch tàu cá ở các vùng biển, ngư trường, cá hồ lớn chưa được tiến hành ở các địa phương. Bên cạnh đó, một loạt tiêu chuẩn ngành còn thiếu hoặc không còn phù hợp với thực tế, với các văn bản pháp luật có liên quan./.