Theo Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) có trụ sở tại Niu Y-oóc, số nhà báo trên thế giới bị giết hại khi đang tác nghiệp kể từ đầu năm 2009 đến nay là 17 người, tăng 6 người so với công bố của CPJ nhân Ngày tự do báo chí thế giới (3-5).
Năm 2008, số nhà báo thiệt mạng được thống kê là 48 người. Họ thiệt mạng trong những hoàn cảnh khác nhau, song chủ yếu là do tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm, vùng có chiến sự hoặc bị trả thù vì công việc của họ gây bất lợi cho các cá nhân hoặc tổ chức nào đó.
Viện An toàn Thông tin quốc tế (INSI) đã xếp I-rắc, Ấn Độ và Mê-hi-cô lần lượt là những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các phóng viên trong năm 2008. Theo INSI, kể từ khi Mỹ tấn công I-rắc năm 2003, đã có 225 nhà báo và các nhân viên hỗ trợ họ như phiên dịch và lái xe đã thiệt mạng tại I-rắc.
Còn theo CPJ, I-rắc 6 năm liên tục dẫn đầu danh sách những quốc gia nguy hiểm nhất đối với báo giới. Số nhà báo chết trong khi làm nhiệm vụ tại I-rắc tuy đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn ở mức kỷ lục. Năm 2008, theo CPJ, 41 nhà báo bị giết tại quốc gia vùng vịnh này, giảm 65 người so với năm ngoái. Tất cả các nhà báo bị sát hại tại I-rắc đều là những nhà báo địa phương làm việc cho các tổ chức thông tin trong nước.
CPJ cho biết, tổng số nhà báo thiệt mạng trong năm 2008 phản ánh sự thay đổi ở các điểm nóng toàn cầu, với số lượng lớn nhà báo bị giết hại ở các nước châu Á và Cáp-ca-dơ. Các cuộc xung đột ở Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Xri Lan-ca và Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng ở 13 nhà báo vào năm ngoái.
Trong danh sách những nước nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo của CPJ, còn có các nước: Thái Lan, Gru-di-a, Xô-ma-li, Croát-ti-a, Phi-líp-pin, Nga, Mê-hi-cô, Bô-li-vi-a, Cam-pu-chia… Mê-hi-cô vẫn được coi là quốc gia nguy hiểm nhất đối với báo chí ở châu Mỹ./.
(Theo: QĐND)