(TG) - Đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động công vụ, nghề nghiệp.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ
Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành cho thấy đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người hành nghề chuyên nghiệp thì vấn đề “đạo đức công vụ”, “đạo đức nghề nghiệp”, “đạo đức hành nghề” luôn luôn được đề cao, coi đây là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động công vụ, nghề nghiệp. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì trong một số luật chuyên ngành đã có các quy định về vấn đề này. Đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề cụ thể thì có các luật, thông tư, quy chế và văn bản khác quy định về đạo đức hành nghề, đạo đức nghề nghiệp, về ứng xử, giao tiếp trong hành nghề, về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Các văn bản này do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc các hội nghề nghiệp tự ban hành hoặc hội nghề nghiệp phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cụ thể là:
Về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức.
Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã có một số điều quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức như sau:
Luật đã quy định về đạo đức của cán bộ, công chức là “phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ” (Điều 15).
Luật quy định về văn hóa giao tiếp ở công sở của cán bộ, công chức là: “phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ….” (Điều 16).
Luật quy định về văn hóa giao tiếp với nhân dân của cán bộ, công chức là: “phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ” (Điều 17).
Luật còn dành 3 điều khác quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, bí mật nhà nước và liên quan đến các việc khác như không được “trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; v v “ (các điều 18, 19, 20).
Về đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ viên chức.
Đối với đội ngũ viên chức là đội ngũ tương đối đông, chủ yếu là hoạt động mang tính chất nghề nghiệp (như những người hoạt động trong lĩnh vực y, dược, giáo dục, đào tạo….), nên Luật Viên chức năm 2010 đã có nhiều quy định cụ thể liên quan đến đạo đức nghề nghiệp như sau:
Trước hết, Điều 3 của Luật Viên chức đã nêu một số khái niệm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và quy tắc xử sự. Đây là quy định quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào đó để ban hành văn bản quy định về đạo đức nghề nghiệp theo lĩnh vực phụ trách, cụ thể là:
Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của viên chức trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với đặc thù công việc trong từng lĩnh vực hoạt động và được công khai để nhân dân giám sát việc chấp hành.
Luật Viên chức quy định “Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” (Điều 4).
Luật quy định các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức là: “Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp; tận tụy phục vụ nhân dân; tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử; chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và của nhân dân” (Điều 5).
Luật Viên chức còn quy định rõ: “Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân” (Khoản 4 Điều 10).
Luật Viên chức quy định viên chức có các quyền như “được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, v v...(Điều 11).
Luật Viên chức quy định viên chức có các nghĩa vụ như: “ Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân; có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn; không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân; chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp, v v…” (Điều 12).
Luật Viên chức còn quy định viên chức phải “có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức” (Khoản 4 và khoản 5, Điều16).
Một trong những quy định quan trọng góp phần thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp đó là những việc viên chức không được làm, như không được “trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công; gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội v v… (Điều 19).
Về đạo đức nghề nghiệp đối với công chứng viên.
Luật công chứng năm 2014 đã có một số quy định về đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên như sau:
Luật công chứng quy định các nguyên tắc hành nghề công chứng, như phải “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; khách quan, trung thực; tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng...”(Điều 4).
Luật công chứng quy định các nghĩa vụ của công chứng viên, như phải “tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng; tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình;…”(Điều 17).
Luật công chứng quy định “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng;...” (Điều 39).
Ngày 30/10/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP quy định về Quy tắc đạo đức hành nghề của công chứng.
Về đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Luật khám bênh, chữa bệnh năm 2009 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có một số quy định về đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Luật quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như phải “kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề, v v…” (Điều 3).
Luật quy định các quyền của người khám bệnh, chữa bệnh như “được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp, v v ….” (Điều 32).
Luật quy định các nghĩa vụ của người khám bệnh, chữa bệnh như phải “tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác, v v…”(Điều 39).
Luật quy định: “Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” (Điều 40).
Về đạo đức nghề nghiệp đối với luật sư.
Luật luật sư quy định Liên đoàn luật sư Việt Nam “Ban hành và giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không được trái với Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam”(Điều 65).
Các văn bản pháp luật khác
Ngoài các văn bản nêu trên thì còn có một số cơ quan, tổ chức khác đã ban hành các văn bản quy định về đạo đức nghề nghiệp như sau:
Luật kiểm toán năm 2011 quy định về chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của kế toán, kiểm toán viên.
Thông tư 70/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của kế toán, kiểm toán viên.
Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đạo đức nhà giáo.
Thông tư 30/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học, trong đó đã quy định tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên dự bị đại học.
Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Nội vụ về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược, trong đó quy định Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề dược.
Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội.
Hội điều dưỡng Việt Nam sau khi xin ý kiến của Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ y tế đã ban hành văn bản về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam.
Hội trang, thiết bị y tế Việt Nam đã ban hành Chuẩn đạo đức hành nghề trong lĩnh vực trang thiết bị y tế sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.
Trong một số văn bản khác có quy định về đạo đức hành nghề./.
Đặng Đình Luyến-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII