Cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Hy Lạp diễn ra ngày 20/9 đã cho
kết quả không nằm ngoài dự đoán khi đảng Syriza của cựu Thủ tướng Alexis
Tsipras giành chiến thắng sít sao với hơn 35% số phiếu.
Tuy nhiên, ông Tsipras và chính phủ mới đang đứng trước những thách thức
vô cùng to lớn khi vừa phải lèo lái nền kinh tế ốm yếu với món nợ khổng
lồ, vừa phải xây dựng lòng tin với nhân dân và các chủ nợ quốc tế.
Thách thức đầu tiên đặt ra với ông Tsipras là thành lập một chính phủ
liên minh để lãnh đạo đất nước do đảng Syriza không đạt đủ số ghế quá
bán ở Quốc hội (145/300 ghế).
Đảng cánh hữu "Những người Hy Lạp độc lập" đã tuyên bố sẽ thành lập liên
minh với Syriza và liên minh này sẽ chiếm tổng cộng 155 ghế trong Quốc
hội, một đa số được cho là quá mong manh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước
mắt. Trong khi đó, việc đảng "Bình minh mới" có xu hướng phátxít mới và
bài ngoại trở thành đảng lớn thứ ba với 7% số phiếu là một kết quả đáng
lo ngại, một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của xã hội và chính trị
Hy Lạp.
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, người phát ngôn của đảng Syriza
khẳng định Hy Lạp sẽ tuân thủ các thỏa thuận đã ký với các chủ nợ hồi
tháng Bảy vừa qua, nhưng chính phủ sẽ tiếp tục thương lượng nhằm giãn nợ
và giảm các khoản nợ. Việc tiến hành các cuộc thương lượng này được coi
là một thách thức lớn đối với ông Tsipras và chính phủ của ông sau khi
nhậm chức.
Không dừng lại ở đó, cuộc bầu cử vừa qua với tỉ lệ người đi bầu chỉ ở
mức 54%, thấp chưa từng kể từ 70 năm nay, phản ánh đúng những gì đang
diễn ra với các cử tri Hy Lạp: họ không muốn tiếp tục các biện pháp
"thắt lưng buộc bụng" quá hà khắc, nhưng cũng không còn con đường nào
khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông Tsipras, chấp nhận những
thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay nợ. Do đó, thách
thức đối với Thủ tướng Tsipras không nhỏ.
Ông phải tiến hành những cải cách cấp thiết vừa để cứu nguy nền kinh tế
đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu
dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng
thêm phẫn uất, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao của nền chính trị
nước này.
Bên cạnh đó, là một quốc gia cửa ngõ châu Âu, Hy Lạp cũng đang phải gồng
mình trước những làn sóng người di cư đang dồn về "lục địa già." Gánh
nặng này có nguy cơ tăng cao khi các quốc gia Đông Âu lần lượt tuyên bố
đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn người di cư và tị nạn đang hàng ngày
vượt đường bộ qua các nước vùng Balkan tìm đường đến Tây Âu.
Đây là cuộc bỏ phiếu thứ năm trong 6 năm qua và là thứ ba trong 9 tháng
qua ở Hy Lạp sau khi ông Tsipras đã từ chức hồi tháng Tám vì những chia
rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng Syriza liên quan đến gói cứu trợ trị
giá 86 tỷ euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp, đổi lại Hy Lạp phải tiếp
tục các chính sách khắc khổ và tư hữu hóa nhiều tài sản nhà nước.
Việc từ chức và tiến hành bầu cử sớm được cho là cách để củng cố lại
đảng cầm quyền Syriza, gạt bỏ các thành viên chống đối ra khỏi đảng,
đồng thời tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở các đảng nhỏ./.
(TTXVN)