Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 12/9/2018 14:26'(GMT+7)

Những thách thức trong công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TÍCH CỰC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên MXH, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật. 

Ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý internet và thông tin trên MXH: Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới làm căn cứ pháp lý để yêu cầu các trang thông tin điện tử và MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH; phối hợp với lực lượng công an xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia…

 2 loại MXH đang tồn tại ở nước ta:

1. MXH do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; 

2. Các MXH do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam), việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam rất hạn chế.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông, quảng cáo lớn trong nước nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là hoạt động quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook và Google.

Chủ động đàm phán với Google và Facebook, yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai MXH này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam.

Kết quả đạt được bước đầu rất tích cực. Các nhãn hàng, công ty quảng cáo lớn trong nước đều thực hiện đúng cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông không quảng cáo trên những video clip, tài khoản MXH vi phạm pháp luật, trên các trang web vi phạm bản quyền. Một số công ty công nghệ trong nước tích cực tham gia hỗ trợ Bộ trong việc phát hiện và cảnh báo sai phạm trên mạng. 

Google, Facebook đồng ý ngăn chặn, gỡ bỏ rất nhiều nội dung vi phạm trên hai MXH; cam kết thiết lập kênh trao đổi trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền đậm nét về những kết quả đã đạt được, phê phán các hành vi sai phạm khi sử dụng MXH, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet và MXH để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, cũng như làm rõ những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật Việt Nam của các trang mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI

Những biện pháp quyết liệt được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thời gian qua đã mang lại một số kết quả bước đầu khá tích cực, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra. Trong đó, đáng chú ý là:

Một là, MXH đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, trong khi đó mô hình quản lý thông tin trên mạng vẫn theo cách thức quản lý báo chí truyền thống, bộc lộ nhiều bất cập.

Sự lan tỏa trên mạng xã hội là rất nhanh chóng.

Sự lan tỏa trên mạng xã hội là rất nhanh chóng.


Với con số ước tính khoảng 48 triệu người sử dụng MXH ở Việt Nam hiện nay, bất kỳ người dùng MXH nào cũng có thể tạo ra một “cơ quan truyền thông” của cá nhân mình. Từ đó, hình thành nên một lực lượng "báo chí công dân" trên MXH, “cạnh tranh” quyết liệt với báo chí chính thống về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin, đặc biệt trong một số vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Bên cạnh đó, với tính năng "chia sẻ", "bình luận" và "lan truyền" thông tin rất tiện lợi, nhanh chóng, MXH đang trở thành nơi hình thành các luồng dư luận lớn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Những người nổi tiếng hoặc những diễn đàn lớn trên MXH có hàng chục ngàn người kết bạn và hàng trăm ngàn người đăng ký theo dõi. Các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội cũng xác định MXH là “mặt trận chính” để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Trong khi đó, công tác chỉ đạo, quản lý của ta hiện nay đang tập trung nhiều vào báo chí chính thống trong nước; mô hình chỉ đạo, quản lý thông tin trên MXH hầu như dựa theo mô hình quản lý báo chí nên còn nhiều bất cập; các giải pháp quản lý chưa đồng bộ, chủ yếu thụ động, xử lý hậu quả khi sự việc, tin đồn đã xảy ra, chứ chưa chủ động định hướng, cung cấp thông tin tích cực, chính thống lên MXH, nắm bắt và dẫn dắt dư luận; còn bị động vào sự hợp tác của doanh nghiệp nước ngoài trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm….

 Tin giả, phát ngôn gây thù hận, thông tin xấu độc trên MXH đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Hiện nay, việc quản lý hiệu quả MXH, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. 

Hai là, các MXH nước ngoài có số lượng người sử dụng cao hơn nhiều so với các MXH trong nước. 

Thực tế hiện nay, 443 MXH trong nước đã được cấp phép hoạt động, nhưng lượng người sử dụng thấp (1), mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội thấp. Các trang MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam tuy ít, nhưng số lượng người sử dụng rất nhiều (2), tính tương tác cao, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội rất lớn. 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc của người dân nước ta vào các MXH nước ngoài là do nước ta chưa xây dựng được một hệ sinh thái số đủ mạnh, với các dịch vụ internet tương tự như Google, Facebook để nhân dân có nhiều lựa chọn sử dụng. 

Ba là
, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin trên MXH còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế.

Do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin trên MXH nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe. 

Trong khi đó, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, rất cần có cơ chế cho phép thí điểm chính sách đối với lĩnh vực nội dung số để tháo gỡ khó khăn này.

Bốn là, các thế lực thù địch tăng cường lợi dụng internet và MXH để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta

Hiện nay, các MXH nước ngoài như Facebook, Youtube... liên tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới, trong đó đáng chú ý nhất là các tính năng: live stream (truyền hình trực tiếp); messenger (tích hợp đầy đủ các tính năng quay phim, chụp ảnh, gọi thoại, gọi video, nhắn tin bằng chữ hoặc âm thanh, gửi tài liệu, hình ảnh...); tạo nhóm kín để trao đổi; gợi ý nội dung tương tự nội dung người dùng quan tâm hoặc thích xem (tính năng "Suggest" trên Youtube); hiển thị nội dung theo mối quan tâm của từng nhóm đối tượng cụ thể (tính năng tài trợ quảng cáo "Sponsored" của Facebook); đọc tin nhanh ("Instant Article” của Facebook); chia sẻ lợi nhuận quảng cáo đối với các video clip có nhiều lượt xem (Youtube); hashtag (có cả trên Facebook, Youtube, công cụ giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, khi người dùng nhấn vào một hashtag thì có thể xem được tất cả những thông điệp chứa hashtag đó)... Đây là những tính năng giúp cho việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa người dùng MXH trở nên rất tiện lợi và bí mật, đồng thời giúp cho các thông điệp mà người dùng MXH muốn chuyển tải đến những người khác vô cùng dễ dàng và có độ chính xác rất cao theo từng nhóm đối tượng về độ tuổi, giới tính, quan điểm chính trị, tôn giáo, sở thích, mối quan tâm chung, công việc, khu vực, địa điểm...

Các thế lực thù địch đã tăng cường sử dụng những tính năng này của MXH để không chỉ tung tin giả, tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ ta như trước đây, mà còn tiến hành các hoạt động lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động, dẫn dắt, điều hành các hoạt động biểu tình, bạo loạn, lật đổ, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam. 

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP "XÂY" VÀ 'CHỐNG"

Thứ nhất, cần thật sự quan tâm coi trọng và có sự đầu tư thích đáng cho công tác quản lý thông tin trên mạng internet nói chung và MXH nói riêng; xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên MXH theo hướng phản ứng nhanh, thống nhất, dựa trên những đặc trưng, nguyên lý hoạt động riêng có của MXH để có thể đáp ứng các yêu cầu quản lý trong tình hình mới. 

Thứ hai, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ; phá thế độc quyền của các nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng. 

Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng internet nói chung và MXH nói riêng theo hướng: bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới vào Việt Nam; có chính sách hỗ trợ MXH trong nước phát triển; tăng mức chế tài xử phạt đảm bảo tính răn đe... để các quy định sát với thực tiễn và bảo đảm được yêu cầu quản lý.

Thứ tư, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng như Luật Quảng cáo, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng: Phân định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng; bổ sung quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; bổ sung các điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; bổ sung quy định về kiểm duyệt nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm đối với vị trí hiển thị quảng cáo trên môi trường mạng; tăng mức chế tài xử phạt đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Thứ năm, nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH dành cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH Việt Nam nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của các doanh nghiệp và cộng đồng mạng trong việc chung tay với Nhà nước xây dựng một môi trường MXH lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Đây sẽ là bộ quy tắc khung cơ bản để các cơ quan, tổ chức, hiệp hội có liên quan có thể triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng mang tính đặc thù, chuyên ngành, phù hợp với các đối tượng điều chỉnh cụ thể. 

Thứ sáu, công tác quản lý thông tin trên mạng internet nói chung và MXH nói riêng liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành tại Việt Nam. Do đó, để có thể quản lý hiệu quả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành có liên quan; giữa bộ, ngành với các địa phương. Đồng thời cũng cần có sự phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương để các đơn vị chủ động trong công tác quản lý của mình./.


(1) Một số MXH trong nước có đông thành viên là: webtretho (khoảng 2,2 triệu), Tinh tế (khoảng 2,2 triệu), OtoFun (800 ngàn thành viên)...

(2) Theo thông báo của Facebook và Google, tính đến tháng 5-2018, Facebook có khoảng 64 triệu tài khoản thành viên tại Việt Nam, xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới; Youtube có khoảng 45 triệu tài khoản thành viên tại Việt Nam, nằm trong nhóm 10 nước có số người sử dụng Youtube cao nhất thế giới.

 

                          Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất