Thứ Bảy, 27/7/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 3/2/2020 0:9'(GMT+7)

Những tìm tòi phát hiện mới về lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, những tấm lòng trung trinh với Đảng

Bìa hai quyển (Quyển 1, 2) tập 1 (1930-1954)

Bìa hai quyển (Quyển 1, 2) tập 1 (1930-1954)

Cuốn “Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam”, tập I (1930 - 1954), được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật ấn hành tháng 12 năm 2018, do Giáo sư Trịnh Nhu và tập thể tác giả những người giàu kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm thực hiện là một trong những công trình theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, góp phần tuyên truyền, giáo dục về Đảng nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng ta.

Tài liệu nêu trên có dung lượng 740 trang, gồm 6 chương, mỗi chương là một cột mốc phác họa có tính chân thực, đủ sức thuyết phục, làm nên những giá trị cốt lõi bản chất lịch sử, bản chất giai cấp, bản chất cách mạng, sự gắn bó máu thịt của Đảng với Nhân dân. Cách tiếp cận dung dị, sâu sắc, nhận định chắc chắn, cấu trúc phù hợp với thể loại tổng quan lịch sử Đảng; đan xen giữa dẫn tư liệu đắt giá và nhận định, đánh giá súc tích. Nguồn tư liệu mà các tác giả tham khảo, chắt lọc rất đáng tin cậy, phong phú, đa dạng, gồm 218 tài liệu, trong đó có tới 193 tài liệu địa phương, trong nước. Các tài liệu địa phương đều là những tư liệu quí hiếm liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng qua các thời kỳ, đó đều là những tư liệu “biết nói”, phản ánh trung thực về phong trào cách mạng trong toàn quốc, trên từng địa bàn, gắn với từng sự kiện, nhân vật lịch sử. Các tài liệu do các đồng chí tiền bối cách mạng để lại càng có giá trị cao, vì đó là sự lưu trữ nhân chứng từng sống, hoạt động cách mạng, truyền tải những quan điểm, tư tưởng cách mạng hun đúc nên tầm tư duy, tính quyết đoán, sáng tạo lịch sử của Đảng ta. Một số tài liệu nước ngoài phản ánh góc nhìn từ bên ngoài đối với cách mạng Việt Nam, đối với nhận vật, sự kiện tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Đây có thể coi là một bước tiến mới, một thành công mới trong quá trình nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở đó, các nghiên cứu tiếp theo, chuyên sâu có thể hoàn toàn tin tưởng coi đây là nguồn tài liệu gốc, chỉ đứng sau các tài liệu lưu trữ của Trung ương.

Chương I: Nguyễn Ái Quốc xác định con đường giải phóng dân tộc và thành lập Đảng cộng sản Việt Nam

Cách tiếp cận như vậy là đi thẳng vào bản chất lịch sử, trước đây thường thiên về bối cảnh lịch sử, việc chuẩn bị của Nguyễn Ái Quốc để thành lập Đảng. Toàn bộ thời kỳ lịch sử nước ta từ khi bị Thực dân Pháp xâm lược đến khi Đảng ra đời là sự bế tắc về hướng đi, về con đường bảo đảm đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi. Các bậc tiền bối thuộc lớp cha chú của Nguyễn Tất Thành đều không phát hiện được con đường mới, ngay cả khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi thì cũng chưa ai xác định được con đường cứu nước cứu dân là như thế nào cho đúng. Sự xác định chắc chắn, không gì thay đổi được trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc là chỉ có đi theo học thuyết Lênin mới bảo đảm thành công, đó là một cột mốc đầu tiên duy nhất đúng có tính thiên định cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam về sau. Trên con đường cứu nước đúng đắn ấy, việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa thắng lợi. Xác định con đường cứu nước đúng, trực tiếp chuẩn bị các điều kiện cho Đảng ra đời là công lao song trùng, như nền đá tảng trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nên ngay từ khởi thủy, Đảng đã được hóa thân bởi tư tưởng yêu nước, tư tưởng giải phóng nhân loại trực tiếp từ Nguyễn Ái Quốc. Nói Đảng ta là Đảng của Hồ Chí Minh hoàn toàn không sa vào quan niệm duy danh sùng bái cá nhân, mà thực sự có cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học.

Chương II. Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng 1930 - 1931

Khắc họa được những nét chủ đạo trong vai trò Đảng Cộng sản Việt Nam non trẻ vừa mới bước lên vũ đài chính trị đã vững vàng nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, được quần chúng cách mạng tin tưởng đi theo, trước đó, ngọn cờ phong kiến đã lối thời, ngọn cờ tư sản lại không phù hợp, nên đều bất thành. Tính thuyết phục, khả năng cuốn hút, tập hợp quần chúng của Đảng chính là ở tôn chỉ mục đích tối thượng được Nguyễn Ái Quốc đưa ra trong các văn kiện đầu tiên nhân Hội nghị thành lập Đảng: Vì độc lập dân tộc, vì tự do của đồng bào, vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng giai cấp khỏi áp bức bóc lột. Qua phong trào cách mạng 1930 - 1931, Đảng còn sáng tạo thành công phương thức xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức, cơ sở Đảng, làm cho Đảng nhập thế trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lênin, nền tảng tư tưởng của Đảng được truyền bá trước đó tiếp tục được bảo vệ, bồi đắp trong các chiến sĩ cộng sản, càng làm tăng thêm sức mạnh tinh thần, bản lĩnh cách mạng để làm gương sống cho quần chúng noi theo.

Chương III. Đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng; Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng (1932 -1935)

Khái quát những điểm mấu chốt của chặng đường thứ hai trên lộ trình tiến tới Cách mạng tháng 8 năm 1945, nhờ có sự chủ động chiến lược mà Đảng ta đã mau chóng đưa cách mạng Việt Nam sớm thoát khỏi khủng hoảng tổ chức, cơ sở Đảng. Điều này chứng tỏ Đảng ta ngay buổi đầu lãnh đạo đã xác định rõ vị trí, vai trò đặc biệt của công tác xây dựng Đảng bắt đầu từ cơ sở, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, giác ngộ quần chúng đi theo Đảng, phân công, giao nhiệm vụ cho những người ưu tú đứng mũi chịu sào trong gian khổ hy sinh, bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận cách mạng…, đó chính là sự sống còn của Đảng. Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng: Khẳng định đường lối cách mạng của Đảng đã và đang thực hiện là đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Quốc tế cộng sản; đồng thời nêu cao nhiệm vụ “tự chỉ trích” chống chủ nghĩa cơ hội chính trị, phi mác xít. Hoạt động và đóng góp của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội Quốc tế Cộng sản làn thứ VII là bước trưởng thành của Đảng ta trong phong trào cộng sản quốc tế, vừa đề xuất được những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam, vừa góp thêm thực tiễn và lý luận đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc cho Quốc tế cộng sản.

Chương IV. Đảng lãnh đạo cao trào dân chủ, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh (1936 - 1939)

Chương này toát lên tính nhạy bén, sáng tạo chính trị của Đảng ta khi bối cảnh quốc tế thay đổi, nhất là kẻ thù của cách mạng có sự phân hóa, những diễn biến tích cực mở ra cơ hội để Đảng lãnh đạo đấu tranh dân chủ, không phải đổ máu, hy sinh khốc liệt, bảo toàn và phát triển lực lượng cách mạng. Hình thức đấu tranh trên nghị trường, trên sách báo, thông qua các hội, thông qua đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, thâm nhập sâu vào thợ thuyền và nông dân, tranh thủ các giai tầng còn đứng giữa ranh giới ta và địch, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền tư tưởng mác xít, chống tư tưởng phản động đã giúp cho phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới. Nét nổi bật và có ý nghĩa lịch sử lâu bền cho đến ngày nay chính là Đảng coi trọng đấu tranh tư tưởng, bảo vệ sự chí tôn của chủ nghĩa mác xít trong dòng chảy tư tưởng chính trị, dẫn đường cho cách mạng tiến lên.

Khi chủ nghĩa phát xít hiện hữu, đặt nhân loại trước bờ vực thẳm chiến tranh thảm khốc, trong đó có Việt Nam, Đảng đã có dự báo sớm, đúng và trúng nguy cơ chiến tranh phát xít, đề ra chủ trương, đường lối của cách mạng Việt Nam phải chủ động, tích cực đấu tranh chống chiến tranh phát xít, đón và chớp cơ hội ngàn năm có một để giành độc lập.

Chương V. Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trước tiên, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang (tháng 9 năm 1939 - tháng 2 năm 1945)

  Đọc chương này, có cảm giác Đảng ta ở vào thời điểm “vụt lớn như Thánh Gióng”, đủ tầm tư duy để tự đưa ra sự thay đổi chiến lược cho sát hợp bối cảnh trong nước và quốc tế, nhờ sự dứt khoát đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trước tiên mà Đảng tự quyết định số phận dân tộc mình. Đảng chủ trương vừa tiếp tục tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, vừa khẩn trương xúc tiến chuẩn bị lực lượng vũ trang để tạo thành 2 gọng kìm bạo lực cách mạng, đủ sức đập tan bạo lực phản cách mạng. Đây là bước đặt chân, tạo đà đúng tư thế, bảo đảm sức bật tối ưu trong cuộc chạy đua chớp thời cơ lịch sử để mang đến thắng lợi oanh liệt Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Những thay đổi có tính đột biến về đường lối chiến lược của Đảng gắn liền với vai trò lãnh đạo của Hồ Chí Minh, với sự chủ trì thành công Hội nghị Trung ương 8 và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh đã chứng minh Hồ Chí Minh là con người của những quyết định làm xoay chuyển lịch sử dân tộc ta thời hiện đại.

Chương VI. Đảng lãnh đạo cao trào kháng Nhật, cứu nước, tổng khởi nghĩa, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (tháng 3 năm 1945 - tháng 9 năm 1945)

Chương kết của cuốn thứ nhất phản ánh sâu sắc linh hồn lịch sử nước ta trong một thời điểm hào sảng nhất thời hiện đại, khép lại một chặng đường 15 năm Đảng thực hiện liên tục, kiên trì cuộc vận động tập hợp lực lượng, tăng cường sức sống nền tảng tư tưởng, dự báo và thúc đẩy thời cơ lịch sử, chuẩn bị mọi điều kiện tối ưu để chớp thời cơ giành thắng lợi vĩ đại. Hình ảnh của Đảng, hình ảnh của Hồ Chí Minh và hình ảnh của đồng bào ta được khắc họa bằng những tư liệu gốc, tư liệu có từ những trang văn kiện, những nhân vật tham gia lãnh đạo, tham gia tranh đấu tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên mọi miền đất nước. Sức mạnh của dân tộc ta chính là sự hội tụ sức mạng truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần tự tôn dân tộc, có Đảng, Bác Hồ soi đường chỉ lối. Sự ra đời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là bông hoa tuyệt đẹp của lịch sử Việt Nam, góp vào cánh đồng hoa thời đại mà nhân loại hiện thực hóa khát vọng hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái. Thời đại Hồ Chí Minh tỏa rạng từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam định vị vững chắc trong lòng Nhân dân Việt Nam cũng từ đây, để trên tiền đề chính trị, lịch sử ấy, dân tộc ta bước tiếp những chặng đường quang vinh cho tới ngày nay và cho tới mai sau.

***

Tố Hữu đã bộc bạch khi nghĩ về Đảng, Bác Hồ: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ, anh dành riêng cho Đảng phần nhiều”, “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Những lời ấy như đóa hoa lòng tinh khiết cả cuộc đời sống cho Đảng, cho Tổ quốc.

Học về Đảng, nghiên cứu về Đảng luôn đòi hỏi phải có cái tâm trong sáng, có bầu nhiệt huyết cách mạng không bao giờ nguội lạnh bất thường, càng học, càng nghiên cứu về Đảng, càng thấy thêm yêu, tự hào, tôn vinh Đảng, Bác Hồ, Nhân dân. Đó mới đích thực là người Đảng viên chân chính. Học về Đảng, học tầm tư duy đổi mới, sáng tạo, học đức hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đó cũng là thứ vũ khí sắc bén góp vào thắng lợi trên mặt trận tư tưởng của Đảng hiện nay.

Mùa Xuân 90 có Đảng - Tháng 2 năm 2020

PGS.TS. Trần Viết Lưu

 Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương

  

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất